Liên tiếp thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng, Xi măng Công Thanh bị từ chối kiểm toán

Trung Hiếu

Đơn vị kiểm toán đã chỉ ra nhiều dấu hiệu cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Xi măng Công Thanh do khoản lỗ lũy kế của công ty vượt vốn chủ sở hữu.

Liên tiếp thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng, Xi măng Công Thanh bị từ chối kiểm toán
Liên tiếp thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng, Xi măng Công Thanh bị từ chối kiểm toán

Lỗ lũy kế lên hơn 7.900 tỷ đồng

Theo báo cáo tài chính đã soát xét năm 2023 của CTCP Xi măng Công Thanh, doanh thu thuần trong năm vừa rồi của công ty hơn 483 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ. Công ty lỗ gộp 271 tỷ trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi gộp 153 tỷ đồng.Kết quả, Xi măng Công Thanh lỗ gần 1.826 tỷ đồng trong năm 2023, nâng số lỗ lũy kế tính đến ngày 31/12/2023 lên 7.906 tỷ đồng. Lỗ lũy kế lớn khiến cho công ty âm vốn chủ sở hữu 7.006 tỷ đồng.

Lỗ lớn, âm vốn, nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn, ngoài ra, Công ty thanh toán các khoản vay dài hạn đến hạn trả và trái phiếu đến hạn trả cho Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), khoản vay ngắn hạn cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) và tổng tiền lãi vay quá hạn cho các Ngân hàng này.

Đơn vị kiểm toán cho rằng những điều này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Ban Tổng Giám đốc không thể cung cấp bằng chứng khả năng thanh toán các khoản trên. Kiểm toán cũng không thể thu thập đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp cho việc sử dụng giả định hoạt động liên tục để lập báo cáo tài chính này là phù hợp. Do đó, đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán đối với báo cáo tài chính năm 2023 của Xi măng Công Thanh.

Tại ngày 31/12, Xi măng Công Thanh có nợ phải trả lên đến 19.005 tỷ đồng, trong đó, tổng nợ vay ở mức 7.317 tỷ đồng, vay từ 2 ngân hàng VietinBank và SHB. Trong đó, các khoản vay nợ tại ngân hàng VietinBank hơn 7.000 tỷ đồng, chiếm 96%.

Khoản nợ 287 tỷ đồng với SHB, theo thuyết minh trong BCTC, đây là khoản vay 6 tháng mà đơn vị đã vay ngân hàng SHB từ năm 2017, lãi suất 10%/năm, để bổ sung vốn lưu động. Sau đó, năm 2019, SHB đã bán khoản nợ này lại cho VAMC. Tuy nhiên, tháng 11/2021, SHB đã mua lại khoản nợ ngắn hạn này từ VAMC.Còn khoản nợ vay theo hợp đồng tín dụng với VietinBank, Xi măng Công Thanh đã vay VietinBank và phát hành 2.383 tỷ trái phiếu trong 2 năm 2009-2010 để đầu tư dự án dây chuyền 2, trái phiếu đáo hạn vào năm 2033.

Theo công văn năm 2017 của VietinBank về cơ cấu thời hạn trả nợ gốc, lãi khoản vay dài hạn, trái phiếu, công ty phải thanh toán đối với phần nợ gốc (gốc khoản vay và gốc trái phiếu), công ty phải thanh toán nợ gốc đến 2035. Đối với lãi (lãi khoản vay và lãi trái phiếu), phần lãi vay phải trả lũy kế tới năm 2016 chưa thanh toán được phân bổ lại, công ty sẽ phải trả từ năm 2020 tới năm 2026. Đối với lãi vay phát sinh từ năm 2017 tới 2035 sẽ được phân bố trả theo kế hoạch dòng tiền từ năm 2022 tới năm 2035. Phần lãi phát sinh còn lại chưa trả sẽ được thanh toán hết vào năm 2035.

Để tạo điều kiện, duy trì hoạt động sản xuất của Xi măng Công Thanh, ngày 5/9/2017, Vietinbank đã đồng ý chia sẻ cho SHB khối tài sản đảm bảo mà Xi măng Công Thanh đang thế chấp tại Vietinbank và nguồn thu của công ty, với điều kiện SHB đồng ý tài trợ vốn lưu động cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, với hạn mức tối thiểu 450 tỷ đồng.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, Xi măng Công Thanh liên tục chìm vào thua lỗ.

Không thanh toán tất cả các khoản lãi trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2023

Mới đây, Xi Măng cũng công bố thông tin định kỳ về tình hình thanh toán gốc, lãi năm 2023 trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Theo đó, trong năm 2023, công ty đến hạn thanh toán lãi cho 4 lô trái phiếu XMCT1209, XMCT0510_5, XMCT0510_8 và XMCT1210_1500 với tổng số tiền cần thanh toán là hơn 267 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Xi măng Công Thanh đã không thể thanh toán số tiền trên với lý do gặp nhiều khó khăn về tài chính nên chưa thể thanh toán tiền lãi.

Trên thị trường, doanh nghiệp lưu hành 4 lô trái phiếu kể trên có thời gian phát hành từ giai đoạn năm 2009, 2010 để huy động 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, các lô trái phiếu này đều có kỳ hạn kéo dài lên đến 20 năm với lãi suất rất cao dao động từ 15,5 – 18,5%/năm.

Trong năm 2023, Xi măng Công Thanh bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt tiền 85 triệu đồng do không công bố thông tin đối với thông tin phải công bố thông tin cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đối với: Báo cáo tài chính (BCTC) bán niên 2022; Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu bán niên 2022; Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu bán niên 2022.

Công ty Cổ phần Xi măng Công Thanh được thành lập ngày 23/01/2006 với vốn điều lệ ban đầu 50 tỷ đồng. Ngày 4/7/2007, Xi măng Công Thanh khởi công xây dựng và lắp đặt thiết bị sản xuất clinker và xi măng dây chuyền 1 với công suất 2.500 tấn clinker/ngày tại thôn Tam Sơn, xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.

Hai năm sau, công ty này tiếp đầu tư dự án xây dựng dây chuyền 2 công suất 12.500 tấn clinker/ngày với tổng vốn đầu tư 420 triệu USD.Hoạt động kinh doanh chủ yếu của Xi măng Công Thanh là sản xuất clinker, xi măng, vôi và thạch cao. Các sản phẩm của nhà sản xuất này hiện đa dạng về chủng loại và chất lượng với các chủng loại chính là xi măng đa dụng PCB40, dân dụng PCB40; xi măng portland; xi măng bền sunphat…

Tin Cùng Chuyên Mục