Ngày pháp luật

Liên doanh 10,5 triệu USD của SJC dừng hoạt động 22 năm chưa giải thể

Theo Quang Thắng/Zing

Việc liên doanh của SJC và đối tác ngoại chưa thể giải thể dù đã dừng hoạt động từ lâu khiến khoản đầu tư của công ty tại đây chưa thể thu hồi, và buộc phải trích lập dự phòng.

Liên doanh 10,5 triệu USD của SJC dừng hoạt động 22 năm chưa giải thể - Ảnh 1
Năm 2018, SJC chỉ đạt 20.871 tỷ đồng doanh thu.

Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn - SJC mới đây đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 với kết quả kinh doanh sụt giảm rất mạnh.

Một trong những nội dung đáng chú ý của báo cáo là tình hình hoạt động tại các công ty con và công ty liên kết của SJC.

Liên doanh 10,5 triệu USD dừng hoạt động từ 22 năm trước

Theo báo cáo, tính đến cuối năm 2018, SJC có 5 công ty con (sở hữu trên 51% vốn) hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, chế tác và kinh doanh vàng.

Doanh nghiệp cũng có 5 đơn vị liên kết với tỷ lệ sở hữu từ 32% đến 49% vốn. Đặc biệt, trong đó có Công ty Liên doanh Băng từ Sài Gòn Saindes hiện đã dừng hoạt động. Tuy nhiên, SJC lại chưa thể rút vốn khỏi công ty liên kết này.

Cụ thể, Công ty Băng từ Sài Gòn Saindes được thành lập từ năm 1993 trên cơ sở liên doanh giữa SJC; Indesen Co. Ltd (Hong Kong) và Asia Investment and Trading Co. với tổng vốn đầu tư 10,5 triệu USD. Trong đó, SJC góp 45% và đối tác ngoại góp 55% còn lại.

Đến năm 1997, liên doanh đã phải dừng hoạt động vì lý do mâu thuẫn nội bộ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sau đó đã đồng ý cho phép liên doanh này giải thế trước hạn và các cổ đông ký biên bản phân chia tài sản vào năm 2000.

Tuy nhiên sau đó Tổng giám đốc SJC đương thời cho rằng biên bản này không có giá trị pháp lý nên không thực hiện. Đến nay, sau 22 năm dừng hoạt động, các bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận về việc phân chia tài sản tại liên doanh này.

Việc chưa thể giải thể khiến phần vốn góp hơn 18 tỷ đồng từ năm 1993 của SJC đang bị “chôn vốn”. Công ty buộc phải trích lập dự phòng toàn bộ khoản đầu tư này.

Ngoài khoản dự phòng gần 18,5 tỷ nói trên, SJC cũng đang phải trích gần 11,5 tỷ đồng dự phòng rủi ro tại 2 công ty con gồm CTCP Vàng bạc Đá quý SJC Chợ Lớn (10,2 tỷ) và CTCP Vàng bạc Đá quý SJC Bàn Cờ (1,275 tỷ).

Trong đó CTCP Vàng bạc Đá quý SJC Chợ Lớn cũng sẽ tiến hành giải thể hoặc phá sản khi hội đủ điều kiện. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đang hoàn tất thủ tục giải thể thêm CTCP Đầu tư và Bất động sản Sài Gòn Châu Á.

Sau khi hoàn thành, SJC sẽ được hoàn trả số vốn đã góp vào 2 công ty này.

Lợi nhuận SJC chỉ bằng 1/34 của PNJ

Tuy được Nhà nước giao nhiệm vụ là doanh nghiệp độc quyền sản xuất vàng miếng cho thị trường trong nước, kết quả kinh doanh của SJC đang ngày một đi xuống và thấp hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp cùng ngành.

Năm 2018, SJC chỉ đạt 20.871 tỷ đồng doanh thu, giảm 9% so với năm trước đó. Giá vốn hàng bán giảm tương ứng khiến khoản lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ công ty thu về trong năm chỉ đạt 151 tỷ đồng, giảm 12%.

Thậm chí, đơn vị kiểm toán còn có ý kiến về việc SJC chưa loại trừ doanh thu và giá vốn hàng bán nội bộ khi lập báo cáo tài chính nên hai chỉ tiêu này đang phản ánh cao hơn thực tế.

Đồng thời, kiểm toán viên cũng cho rằng SJC cũng không tuân thủ các chuẩn mực kế toán Việt Nam khi đánh giá lại giá trị vàng tồn kho theo giá vàng được quy đổi từ giá trong nước có xem xét đến xu hướng biến động dự kiến. Chênh lệch tăng giảm được ghi nhận trực tiếp vào giá trị vàng tồn kho.

Dù đã tiết giảm rất nhiều chi phí như giảm 19% chi phí bán hàng, giảm 33% chi phí quản lý doanh nghiệp và doanh thu tài chính tăng gấp 10 lần, lợi nhuận sau thuế SJC thu về năm qua vẫn giảm 65%, chưa tới 28 tỷ đồng (năm trước đạt 81 tỷ đồng). Đây cũng là mức lợi nhuận ròng thấp nhất trong nhiều năm hoạt động gần đây của công ty.

SJC từng là “ông lớn” trong lĩnh vực kinh doanh vàng với trên 72.000 tỷ đồng doanh thu năm 2012, gấp 10 lần doanh thu của Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận - PNJ và tương đương nhau về lợi nhuận sau thuế. Thế nhưng hiện tại, doanh thu của SJC chỉ còn hơn PNJ 42%, trong khi lợi nhuận ròng sau thuế chỉ bằng chưa tới 1/34 của doanh nghiệp này năm 2018 vừa qua.

Nguyên nhân khiến SJC có doanh thu bán vàng rất cao nhưng lợi nhuận thấp được giải thích là do công ty này kinh doanh chính trong lĩnh vực vàng miếng, mảng có biên lợi nhuận rất thấp. Trong khi PNJ là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực bán vàng nữ trang với biên lợi nhuận cao hơn.

Điều này khiến PNJ dù có mức doanh thu thấp hơn SJC nhưng lợi nhuận ròng thu về lại gấp hàng chục lần nhiều năm gần đây.

Tin Cùng Chuyên Mục