Ngày pháp luật

Lên Shark Tank gọi vốn 100.000 USD cho 1% công ty, startup này đã thuyết phục được cả hai Shark Bình, Shark Dũng

Hiếu Nguyễn (Tổng Hợp)

(Doanhnhan.vn) - Đức Hoàn và đội ngũ đã đầu tư vào dự án 1,2 triệu đô, bao gồm tiền mặt và lương thưởng, cổ phiếu. Cũng theo CEO này, doanh nghiệp đã hoà vốn ở phân khúc tiếng anh, và đang gọi vốn để đầu tư các ngôn ngữ khác.

Trong tập 7 của Shark Tank Việt Nam mùa 3, CEO Hồ Đức Hoàn - Giám đốc điều hành Edu2Review đứng trước 5 "cá mập" và kêu gọi 100.000 USD cho 1% cổ phần công ty. Theo giới thiệu, Edu2Review là nền tảng đánh giá các đơn vị giáo dục và đạt chuẩn khoa học đầu tiên tại Đông Nam Á

Startup này giúp người dùng có thể tìm kiếm, đánh giá, so sánh chất lương các đơn vị đào tạo. CEO Hồ Đức Hoàn không giấu tham vọng trở thành một "Unicorn" vào năm 2024.

Trước khi phối hợp với một cơ sở giáo dục, Edu2Review sẽ cử chuyên viên tới trực tiếp thu thập đánh giá từ học viên. Cách thứ hai, startup này sẽ gửi email tự động để thu thập ý kiến từ chính những người học cũ.

Lên Shark Tank gọi vốn 100.000 USD cho 1% công ty, startup này đã thuyết phục được cả hai Shark Bình, Shark Dũng - Ảnh 1

 

Nền tảng giúp người dùng tìm kiếm, so sánh chất lượng các cơ sở đào tạo nhanh chóng, chính xác.

Mở đầu màn thuyết trình, Đức Hoàn kể lại hành trình sự nghiệp đầy gian khó của anh. 7 năm trước, anh từng phải đạp xe hàng chục cây số giao báo trong cái rét -35 độ C ở Phần Lan để mưu sinh. Chiếc xe đạp này cũng là một chiếc xe cũ nhặt được ở suối đem về sửa lai.

Chính khó khăn khiến anh nhận ra rằng, chỉ giáo dục mới có thể giúp bản thân thoát nghèo.

Edu2Review thu về 20.000 USD trong tháng gần nhất. Nguồn thu chủ yếu từ phí thường niên của các trung tâm, phí giới thiệu booking (đặt trước). Đặc biệt, nền tảng đạt hàng triệu lượt tra cứu thông tin hàng tháng.

Tỏ ra rất tự tin về nền tảng này, CEO Hồ Đức Hoàn tuyên bố sẽ trả lại tiền, giới thiệu cho học viên tới một trung tâm khác nếu họ cảm thấy không hài lòng với các "review" của Edu2Review.

"Giúp mọi người chọn nơi học phù hợp" là triết lý kinh doanh của Edu2Review. Hoàn nói công ty hướng tới vòng đời học tập từ nhỏ đến lớn của một người, chứ không phải chạy theo lối "ăn xổi".

Giải thích thêm về cơ sở định giá doanh nghiệp, Đức Hoàn đưa ra con số 5 tỉ USD để nói về quy mô thị trường giáo dục tư nhân tại Việt Nam. Đồng thời, Edu2Review đã chứng minh tính khả thi từ lượng truy cập tham khảo đánh giá, lượt đặt trước tăng lên hàng năm.

Công ty từng trải qua 2 vòng gọi vốn thành công với tổng số tiền huy động lên tới 750.000 USD. Trong vòng gọi vốn gần đây nhất, quỹ đầu tư Hong Kong, Singapore định giá startup đạt 4,5 triệu USD. Từ 12/2018 đến nay, doanh nghiệp tăng trưởng gấp 2,5 lần.

Đức Hoàn và đội ngũ đã đầu tư vào dự án 1,2 triệu đô, bao gồm tiền mặt và lương thưởng, cổ phiếu. Cũng theo CEO này, doanh nghiệp đã hoà vốn ở phân khúc tiếng anh, và đang gọi vốn để đầu tư các ngôn ngữ khác.

Trước những nghi vấn của Shark Bình về tính khả thi và mức độ rủi ro, CEO Đức Hoàn thẳng thắn khẳng đình: "Không có một startup nào, kể cả startup kỳ lân có thể chắc chắn về con đường tương lai. Mình chỉ có thể chắc chắn về những gì mình có hôm nay, đồng thời tin vào khát vọng của bản thân."

Tới lúc này, Shark Phạm Thanh Hưng bất ngờ chia sẻ một sự thật thú vị. Là "cá mập" duy nhất tham gia cả 3 mùa Shark Tank Việt Nam, ông Phạm Thanh Hưng nhận ra giám đốc điều hành Edu2Review từng bị loại tại 2 mùa chương trình trước.

Trả lời câu hỏi này, Hoàn cho rằng thất bại là một dấu hiệu rất tốt, nó giống như một chỉ dấu để dẫn đường cho anh tới ngày hôm nay.

"Một trong những mục tiêu của tôi là trở thành giám khảo Shark Tank trong 10 năm tới", Hoàn bày tỏ tham vọng.

Là người "chốt deal" đầu tiên, Shark Việt chia sẻ ông đã và đang đầu tư vào hai startup công nghệ là Luxstay và Triip.me, nên bản thân đang muốn dừng lại để xem xét kỹ lưỡng hơn, trước khi quyết định bắt đầu một thương vụ đầu tư công nghệ mới. Chính vì vậy, ông từ chối đầu tư.

Dù rất ấn tượng với năng lượng tích cực từ CEO Đức Hoàn, thế nhưng, Shark Đỗ Liên cảm thấy chưa thực sự bị thuyết phục về tính xác thực của mô hình kinh doanh mới mẻ này, vì vâỵ bà quyết định không đầu tư.

Cùng chung quan điểm, Shark Hưng đề cao ý chí khởi nghiệp của CEO Đức Hoàn. Tuy vậy, ông đánh giá những nhận xét, review từ cộng đồng chưa thực sự đảm bảo tính minh bạch. Thêm vào đó, mức định giá công ty quá cao khiến ông cảm thấy không tự tin khi đầu tư vào Edu2Review.

Lên Shark Tank gọi vốn 100.000 USD cho 1% công ty, startup này đã thuyết phục được cả hai Shark Bình, Shark Dũng - Ảnh 2

 

Với Shark Bình, lần đầu tiên kể từ khi xuất hiện trên Shark Tank Việt Nam, ông dành những lời ngợi khen thực sự dành cho tâm huyết của đội ngũ Edu2Review. Tuy nhiên, ông vẫn giữ quan điểm startup này chưa chạm đúng "long mạch". Nhìn toàn cảnh bức tranh tài chính và đội ngũ, Shark Bình đề nghị "deal" 100.000 USD đổi lấy 5% cổ phần.

"Em nên biết khiêm tốn, phải biết mình ở vị trí đang học hỏi. Em thất bại quá nhiều lần nên người ta sẽ nhìn nhận em là kẻ ngoan cố" - Shark Dũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm. Ông đưa ra con số 100.000 USD cho 10% cổ phần vì muốn đồng hành hỗ trợ Edu2Review, và đồng cảm với Đức Hoàn vì đều là du học sinh. 

Lên Shark Tank gọi vốn 100.000 USD cho 1% công ty, startup này đã thuyết phục được cả hai Shark Bình, Shark Dũng - Ảnh 3

 

Sau thời gian suy nghĩ, Đức Hoàn thương lượng Shark Bình đầu tư 100.000 USD cho 5% cổ phần và cam kết rót tiếp 100.000 USD cho 5% cổ phần ở vòng gọi vốn sau. Đồng thời, anh đề xuất Shark Dũng chi 100.000 USD đổi lấy 5% cổ phần dưới dạng khoản vay chuyển đổi.

Hai "cá mập công nghệ" là Nguyễn Hòa Bình, Nguyễn Mạnh Dũng đồng ý hợp tác với nhà sáng lập Edu2Review. 

Tin Cùng Chuyên Mục