Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex (VCG) vừa công bố một loạt thông tin liên quan tới chiến dịch tái cơ cấu sau khi cuộc thâu tóm gần như đã kết thúc với việc cổ đông Nhà nước SCIC và Viettel thoái vốn tổng cộng gần 80% hồi cuối 2018.
Theo đó, Vinaconex quyết định lập CTCP Cơ điện Vinaconex (Vinaconex M&E) với vốn điều lệ 100 tỷ đồng; CTCP Trường nhằm quản lý các trường Lý Thái Tổ và Công ty TNHH MTV Vinaconex Láng Hòa Lạc (200 tỷ đồng) để quản lý, đầu tư dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh Hạ tầng Kỹ thuật Khu CN - CNC2 - Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Diễn biến này đúng như dự đoán của giới đầu tư sau khi 3 cổ đông lớn: An Quý Hưng (57,71%), Bất động sản Cường Vũ (21,28%) và Đầu tư Star Invest (7,57%) đổ nhiều ngàn tỷ với mục đích khai thác lợi thế về thương hiệu và quỹ đất đai khổng lồ của doanh nghiệp này.
Vinaconex M&E nhiều khả năng sẽ tập trung phát triển khu đô thị khổng lồ Splendora ở phía Tây thủ đô Hà Nội, trong khi đó Vinaconex Láng Hòa Lạc sẽ tập trung vào khu đô thị vệ tinh lớn nhất của Hà Nội là Hòa Lạc và dọc con đường lên khu đô thị này.
Trước đó, giới đầu tư đặt ra nhiều vấn đề nghi ngờ khi An Quý Hưng bất ngờ trả giá quá cao, bỏ gần 7,4 ngàn tỷ đồng (cao hơn giá trị khởi điểm gần 2.000 tỷ đồng và cao hơn giá thị trường khoảng 2.600 tỷ đồng) để trở thành cổ đông lớn nhất của Vinaconex (VCG).
An Quý Hưng là doanh nghiệp của ông Nguyễn Xuân Đông, một đại gia kín tiếng trong lĩnh vực xây dựng. Tuy nhiên, ông Đào Ngọc Thanh, nguyên CEO Ecopark, mới là người đại diện và từng tiết lộ nhóm cổ đông tập hợp các công ty trong ngành xây dựng, không có ngân hàng.
Trong ĐHCĐ bất thường gần đây, ông Đào Ngọc Thanh được bầu làm chủ tịch HĐQT Vinaconex. Ông Nguyễn Xuân Đông là thành viên HĐQT kiêm tổng giám đốc.
Cho tới thời điểm này, giới đầu tư chưa rõ quan điểm của An Quý Hưng có đồng thuận với 2 cổ đông lớn Cường Vũ và Đầu tư Star Invest hay không. Nhưng nhiều người vẫn lo ngại về một cuộc nội chiến tại doanh nghiệp này và có thể khiến hàng ngàn lao động bị ảnh hưởng.
Hiện tại, Bất động sản Cường Vũ có 2 người là thành viên HĐQT gồm ông Nguyễn Quang Trung - Phó Tổng giám đốc Địa ốc Phú Long và ông Thân Thế Hà - Phó Tổng giám đốc Vinaconex và 1 thành viên Ban Kiểm soát là ông Nguyễn Xuân Đại.
Địa ốc Phú Long được biết đến là một thành viên của Sovico Holdings của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, đã mua lại 50% vốn góp của phía đối tác ngoại Posco E&C tại dự án Splendora - 1 dự án mắc cạn 10 năm.
Ông Nguyễn Xuân Đông là một doanh nhân kín tiếng cho dù cũng đã xuất hiện ở nhiều doanh nghiệp nổi tiếng hơn như: Vimeco - VMC (từng sở hữu 30% vốn), trong HĐQT CTCP Đầu tư Hải Phát (HPX,...
Doanh nghiệp của ông Nguyễn Xuân Đông cũng từng tham gia gia đấu giá mua cổ phần của CTCP Du lịch Kim Liên (sở hữu Khạch sạn Kim Liên với vài hecta đất vàng ở vành đai 1 Hà Nội), nhưng thất bại dưới đại gia chịu chơi ThaiGroup của bầu Thuỵ.
Dù đuối sức, đi xuống mấy năm gần đây, Vinaconex vẫn đang quản lý và sở hữu hàng triệu mét vuông đất tại Hà Nội. Vinaconex bất ngờ trở nên hấp dẫn khi mà cả SCIC và Viettel trong năm 2018 đồng loạt thoái vốn, bán toán bộ 79% cổ phần. Tập đoàn này hiện sở hữu khu đất hàng triệu m2 tại Khu công nghiệp Công nghệ cao Hòa Lạc, dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh (Splendora) hàng trăm hecta. Bên cạnh đó còn nhiều dự án khác và cả trường Lý Thái Tổ ngay tại khu vực trung tâm Trung Hòa Nhân Chính, Hà Nội,...
Ông Nguyễn Xuân Đông.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), một số cổ phiếu trụ cột như Masan, Bảo Việt, VietJet, Vingroup và Vinhomes,... đã giúp thị trường tăng điểm nhẹ cho dù áp lực bán ra trên toàn thị trường là khá lớn. Hầu hết các cổ phiếu bất động sản, ngân hàng và dầu khí… đều giảm.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng hơn trong các dự báo.
Theo BVSC, thị trường được dự báo sẽ điều chỉnh giảm. Áp lực chốt lời có thể sẽ tiếp tục gia tăng ở nhiều nhóm cổ phiếu, qua đó có thể khiến thị trường đối mặt với các nhịp rung lắc mạnh trong phiên. Dù vậy, đà giảm của thị trường dự kiến sẽ có sự phân hóa ở các dòng cổ phiếu. Nhóm cổ phiếu ngân hàng có khả năng sẽ tạo được sự hồi phục tăng điểm trở lại sau nhịp điều chỉnh tích lũy trước đó.
KIS nhận định, tâm lý thị trường trở nên thận trọng khi áp lực bán xuất hiện trên nhóm bluechip. Tuy nhiên, xu hướng tăng ngắn hạn vẫn được duy trì với VN-Index đóng cửa trên các ngưỡng quan trọng. Nhà đầu tư có thể nắm giữ danh mục cổ phiếu hiện tại và tập trung vào nhóm cổ phiếu dẫn dắt.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/2, VN-Index tăng 3,05 điểm lên 964,35 điểm; HNX-Index giảm 0,63 điểm xuống 106,21 điểm. Upcom-Index giảm 0,02 điểm xuống 55,24 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 280 triệu đơn vị, trị giá 6,2 ngàn tỷ đồng.