Hai lần tăng vốn điều lệ trong năm 2023
Đầu tháng 11, Tập đoàn Lego (Đan Mạch) chính thức động thổ nhà máy sản xuất Lego của mình tại khu công nghiệp VSIP 3, TX.Tân Uyên, Bình Dương. Trước đó, vào tháng 3/2022, Tập đoàn Lego được tỉnh Bình Dương cấp giấy phép đầu tư dự án nhà máy trên diện tích 44ha, với giá trị đầu tư hơn 1 tỷ USD.
Tính đến ngày 8/11, nhà máy Lego tại Bình Dương đã hoàn thành 26% tổng khối lượng xây dựng của nhà máy trong giai đoạn 1. Ông Preben Elnef - Phó chủ tịch Tập đoàn Lego kiêm Tổng giám đốc Lego Manufacturing Việt Nam - cho biết tập đoàn này và đơn vị thi công đã tổ chức lễ cất nóc tòa nhà đúc khuôn và ghi nhận cột mốc 3 triệu giờ lao động an toàn tại nhà máy Lego ở Bình Dương vào ngày 8/11/2023.
Bên cạnh đó, tập đoàn này đang tiến thêm một bước để hướng đến việc hoàn thành xây dựng nhà máy trị giá 1,3 tỷ USD tại Việt Nam. Theo BCTC của CTCP Xây dựng Coteccons (CTD), đơn vị thi công chính nhà máy Lego, tại ngày 30/9/2023, số dư khoản mục người mua trả tiền trước của Lego Manufacturing Việt Nam cho CTD là 1.078 tỷ đồng.
Công ty TNHH Lego Manufacturing Việt Nam, doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, thực hiện dự án nhà máy Lego Việt Nam được thành lập ngày 20/6/2022, có trụ sở tại số 1 đường số 3, Khu công nghiệp Bình Dương-Singapore III, Hội Nghĩa, Tân Uyên, Bình Dương, Việt Nam.
Người đại diện theo pháp luật từ khi thành lập đến nay là Tổng Giám đốc Preben Elnef. Bên cạnh đó, Lego Việt Nam đã có tổng cộng 2 lần tăng vốn điều lệ.
Lần thứ nhất, vào tháng 1 năm nay, vốn điều lệ công ty tăng từ 1.365,3 tỷ đồng lên 2.040,75 tỷ đồng (tương đương 88,5 triệu USD).
Lần thứ hai, vốn điều lệ tăng từ 2.040,75 tỷ đồng lên 3.797,51 tỷ đồng (tương đương 162,5 triệu USD) vào đầu tháng 11 năm nay.
Tuyển dụng hàng nghìn lao động
Tập đoàn Lego cũng cho biết song song với hoạt động xây dựng của nhà thầu, Lego đã bắt đầu chuẩn bị lao động, nhân sự để vận hành nhà máy. Trước mắt sẽ có khoảng 100 người được tuyển dụng trong những tháng cuối năm 2023 và tăng lên 500 người trong năm 2024 để đảm bảo đi vào sản xuất trong nửa cuối năm 2024.
Số lao động được tuyển dụng để vận hành nhà máy dự kiến nâng lên tới 4.000 người, tạo ra việc làm và nguồn thu đáng kể cho ngân sách. Hiện nay, website của Lego Manufacturing Việt Nam đã cập nhật thông tin giới thiệu về nhà máy ở Việt Nam. Trọng tâm của Lego Việt Nam sẽ là đúc và đóng gói. Cùng với đó, đúc là một lĩnh vực mà Lego đầu tư rất nhiều và đổi mới liên tục. Thậm chí, cả công nghệ và quy trình của Lego đều đặt ra tiêu chuẩn ngành. Việc tập trung vào xây dựng khả năng chuyên biệt đã giúp Lego thiết kế các chi tiết sản phẩm chất lượng cao.
Trọng tâm của Lego là cân bằng giữa hiệu quả với quan điểm toàn diện và các yêu cầu bền vững. Đến cuối năm 2025, tập đoàn đặt mục tiêu sản xuất tất cả bao bì từ vật liệu có nguồn gốc bền vững, có nghĩa là chúng có thể tái tạo hoặc được làm từ vật liệu tái chế và được chứng nhận bởi Forest Stewardship Council.
Mặt khác, lựa chọn Việt Nam sẽ đưa Lego đến gần hơn với một số thị trường quan trọng nhất. Việc rút ngắn chuỗi cung ứng đồng nghĩa giảm tác động đến môi trường và có thể đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của người tiêu dùng. Lego cho biết trên website, sẽ có các vị trí tuyển dụng trong lĩnh vực Kỹ thuật và Sản xuất, cũng như Nhân sự, Tài chính và Chuỗi cung ứng,... Ứng viên dù là sinh viên mới tốt nghiệp hay chuyên gia sản xuất đều có cơ hội việc làm.
LEGO là hãng sản xuất đồ chơi trẻ em Đan Mạch, xuất phát từ một xưởng gia đình chuyên làm đồ chơi bằng gỗ. Sau 90 năm, LEGO trở thành doanh nghiệp toàn cầu với sáu nhà máy và là một trong những nhà sản xuất đồ chơi lớn nhất thế giới.Nhà máy Lego tại Việt Nam là nhà máy thứ 7 của Lego trên thế giới và là nhà máy trung hoà Carbon đầu tiên của tập đoàn.