Tay nghề cao ở nước ngoài, thất nghiệp tại Việt Nam
Năm 1998, anh Nguyễn Quốc Phương (33 tuổi ở huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) trở về từ Nhật Bản và bắt đầu với một công việc mới: mở quán cắt tóc. Anh Phương cho biết, năm 2016 anh sang Nhật làm việc dưới dạng thực tập sinh ngành cơ khí.
Trước khi xuất cảnh, anh phải trải qua quá trình học nghề, ngoại ngữ kỹ càng kéo dài suốt hơn 6 tháng. “Ở Nhật, yêu cầu công việc còn khắt khe hơn. Môi trường làm việc đòi hỏi tính chính xác và kỷ luật cao nên lao động như chúng tôi ngoài chuyên môn, còn phải rèn luyện khả năng chịu được áp lực”, anh Phương cho hay.
“Nhiều người bảo tôi nên trở lại Nhật làm việc nhưng ở tuổi này, tôi cũng không muốn xa gia đình. Còn tìm việc tại doanh nghiệp nước ngoài, tôi không biết phải làm thế nào. Thỉnh thoảng có người cần nhờ giúp đỡ thì tôi nhận làm”, anh Phương cho hay.
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông cho rằng, với những ưu thế về kỹ năng, kinh nghiệm, tác phong làm việc và trình độ ngoại ngữ, những người đi làm việc ở nước ngoài được xem là nguồn lao động có tay nghề.
Tuy nhiên, nghịch lý là nhiều lao động sau khi hết hợp đồng làm trở về nước vẫn không tìm được việc làm phù hợp, thậm chí rơi vào cảnh thất nghiệp dù nhiều doanh nghiệp trong nước đang thiếu lao động có tay nghề, có kỷ luật làm việc.
Theo ông Đồng, hiện tại, nhiều tỉnh, thành phố mới chỉ quan tâm tới việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài mà không nắm được số liệu lao động đã về nước, không có sự tư vấn, hỗ trợ để họ có thể tìm được việc làm ổn định.
“Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến lao động Việt Nam tìm cách cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài sau khi hết hạn hợp đồng. Họ cũng có lo ngại khó tìm được việc làm sau khi về nước. Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài cần thay đổi tư duy, tận dụng nguồn lao động có kinh nghiệm này để nâng cao chất lượng nguồn lao động trong nước”, ông Đồng cho hay.
Với những ưu thế về kỹ năng, kinh nghiệm, tác phong làm việc và trình độ ngoại ngữ, những người đi làm việc ở nước ngoài được xem là nguồn lao động có tay nghề. Tuy nhiên, nghịch lý là nhiều lao động sau khi về nước vẫn không tìm được việc làm phù hợp, thậm chí rơi vào thất nghiệp dù nhiều doanh nghiệp trong nước đang thiếu nguồn lao động này.
Tìm đầu ra cho lao động
Bà Trần Vân Anh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Nhân lực số 1 Hà Nội cho rằng, Việt Nam đang lãng phí nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về nước. Các doanh nghiệp và địa phương đến nay chưa thực sự quan tâm đến số lao động này để hỗ trợ tìm kiếm việc làm sau khi về nước.
Theo bà Vân Anh, với việc Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19, nhiều đối tác của công ty ở Nhật Bản thông báo muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Các đối tác ngỏ ý nhờ công ty kết nối và giới thiệu giúp để tìm kiếm những lao động đã có kinh nghiệm làm việc tại Nhật.
Bà Vân Anh nhận định, trong tương lai, nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề đi làm việc từ Nhật Bản và các nước trở về sẽ tăng cao. Do vậy, các bộ, ngành cần xây dựng cơ chế để hỗ trợ những lao động này.
Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, từ trước đến nay do hạn chế trong việc tiếp cận thông tin tuyển dụng nên người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về nước thường gặp khó khăn trong quá trình tìm việc làm.
Theo ông Liêm, vừa qua, phía Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có cuộc trao đổi với Cục Quản lý lao động ngoài nước và các đơn vị về việc mong muốn xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan thực tập sinh Việt Nam đi làm việc tại Nhật. Đây là cách để doanh nghiệp có thể tuyển được những lao động có tay nghề này khi mở rộng đầu tư ở Việt Nam.
Sắp tới, Cục sẽ xây dựng văn bản cụ thể hóa Luật lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, trong đó yêu cầu các doanh nghiệp phái cử của Việt Nam trong quá trình đào tạo sẽ phổ biến các thông tin này đến người lao động.
Đồng thời, Cục sẽ có kênh tư vấn việc làm và phổ biến xuống các địa phương để kết nối người lao động với các doanh nghiệp FDI từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... nhằm hỗ trợ người lao động tìm việc làm mới sau khi về nước.
Cần nâng cao trình độ cho lao động
Mới đây, tại cuộc làm việc giữa Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về chuẩn bị nguồn nhân lực đón làn sóng đầu tư vào Việt Nam, đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết, điểm nổi bật thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam là nguồn lao động dồi dào, chi phí nhân công thấp. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn là hiện tại, Việt Nam còn thiếu lao động có trình độ tay nghề cao.
Đại diện JETRO cho biết, theo các cuộc khảo sát, phần lớn doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ có số lượng lao động dưới 1.000 người chiếm 83% thuộc 2 lĩnh vực sản xuất và phi sản xuất.
Để thu hút doanh nghiệp lớn của Nhật, đại diện JETRO cho rằng, cần nhanh chóng nâng cao tỉ lệ lao động có trình độ, tham gia vào những công việc có hàm lượng kĩ thuật cao, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, dịch vụ, linh kiện điện tử, lắp ráp...
Link bài gốc