Sau nhiều nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận nguồn cung linh kiện sản xuất chip, chip xử lý... Lãnh đạo tại Huawei ông Eric Xu mới đây cho rằng chính lệnh cấm vận từ Mỹ đã khai sinh ra nền công nghiệp bán dẫn mới ở Trung Quốc. Vị lãnh đạo này cũng đồng thời cho hay Huawei đã và đang gặt hái được nhiều thành công trong lĩnh vực mới.
"Tôi tin rằng ngành công nghiệp bán dẫn tại Trung Quốc sẽ không nằm im chờ đợi, ngành công nghiệp này sẽ tự phát triển, tự cung tự cấp. Đối với Huawei, chúng tôi sẽ nỗ lực để hỗ trợ công cuộc phát triển ngành bán dẫn tại Trung Quốc", Eric Xu cho biết.
Vào năm 2019, Huawei từng xuất hiện trong danh sách đen của Mỹ do những lo ngại liên quan tới an ninh quốc gia. Các doanh nghiệp Mỹ kể từ năm 2019 đã bị cấm bán, chia sẻ công nghệ với Huawei cùng nhiều doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc khác. Nhiều lệnh cấm khác được bổ sung vào năm 2020 khiến Huawei phải tự phát triển chip xử lý cùng hệ điều hành riêng cho sản phẩm smartphone Huawei.
Từ năm 2022, bán dẫn cũng trở thành chủ đề nóng trong căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung. Thiếu chip xử lý đã gây ảnh hưởng nặng nề tới việc phát triển công nghệ tại Trung Quốc ở những mảng quan trọng như trí tuệ nhân tạo hay các phần mềm phức tạp, hiện đại hơn.
Không chỉ phía Mỹ, nhiều đối tác, đồng minh của Mỹ cũng đang chung sức trong nỗ lực cản trở Trung Quốc tiếp cận nguồn cung chip xử lý. Hạn chế các công nghệ sản xuất chip tân tiến cũng khiến ngành công nghiệp bán dẫn của quốc gia tỷ dân phát triển chậm hơn dự đoán.
Eric Xu công bố Huawei mới đây đã phát triển thành công các linh kiện phục vụ cho sản xuất chip xử lý tiến trình 14nm. Dù cho rằng ở thời điểm hiện tại công nghệ nói trên có ý nghĩa rất nhỏ với Huawei khi mà nhiều doanh nghiệp bán dẫn đang chuyển dần sang 3nm thế nhưng nó là minh chứng cho thấy sự tự chủ của Huawei cũng như Trung Quốc trong nỗ lực phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nội địa.