Theo South China Morning Post, Acer - nhà cung cấp máy tính đứng thứ 5 thế giới đã mở rộng ảnh hưởng tại Ấn Độ năm ngoái bằng cách cấp phép sử dụng tên thương hiệu cho một công ty khởi nghiệp địa phương. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Acer đang theo dõi các nhà cung cấp phần cứng công nghệ khác của Đài Loan (Trung Quốc) di dời một phần sản xuất ra nước ngoài.
Giám đốc điều hành Jerry Kao cho biết: "Tôi nhận thấy chuỗi cung ứng đã bắt đầu rời khỏi Đài Loan. Họ đang chuyển tới Việt Nam hoặc Thái Lan hay nơi nào khác. Chúng tôi cũng theo xu hướng đó. Bất kỳ khi nào thấy có rủi ro, chúng tôi sẽ bắt đầu đa dạng hóa. Acer có lắp ráp tại các nước như Ấn Độ và Indonesia, nên nếu có vấn đề xảy ra, chúng tôi có thể chuyển sang các nhà máy đó".
Với 7.725 nhân viên và doanh thu 241.31 tỷ đô la Đài Loan năm ngoái, Acer đã gia nhập cùng các nhà phát triển công nghệ lớn khác của Đài Loan trong xu hướng chuyển dịch sản xuất sang Nam Á và Đông Nam Á, thay vì mở rộng tại Đài Loan hoặc Trung Quốc đại lục.
Trong 40 năm qua, ngành công nghiệp công nghệ trị giá 130 tỷ USD của Đài Loan đã cung cấp cho thế giới các sản phẩm như PC, điện thoại và linh kiện điện tử. TSMC là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới.
“Về sản xuất máy tính xách tay, Việt Nam và Thái Lan hiện là hai quốc gia được ưa chuộng nhất nhờ chi phí lao động thấp, hạ tầng đang cải thiện và thị trường nội địa phát triển", chuyên gia phân tích Sanesha Huang từ công ty nghiên cứu thị trường TrendForce cho biết.
“Ấn Độ cũng đang trở nên hấp dẫn với nguồn nhân lực dồi dào và các chính sách khuyến khích đầu tư của chính phủ", vị chuyên gia nói thêm.
Ngành công nghệ Đài Loan đang đối mặt với những thay đổi chính trị toàn cầu phát sinh từ cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc đại lục và Mỹ từ năm 2018. Mỹ hiện cấm các công ty Đài Loan cùng lúc vừa bán linh kiện nhạy cảm cho khách hàng Mỹ đồng thời cho cả khách hàng tại Đại lục. Các đại gia công nghệ Đài Loan đã đa dạng hóa sản xuất ra bên ngoài để đề phòng rủi ro có thể khiến các linh kiện này khó đến tay khách hàng quốc tế.
Theo một số doanh nghiệp cung ứng, các khách hàng có thể yêu cầu các nhà cung cấp Đài Loan di dời để tránh rủi ro địa chính trị và giảm chi phí vận chuyển. “Mỗi khách hàng đều muốn chuỗi cung ứng được đa dạng hoá ở nhiều thị trường khác nhau", ông James Hsieh, Phó Giám đốc phát triển tại AcBel Polytech, cho biết. AcBel có nhà máy ở Trung Quốc và đang tìm kiếm các khoản đầu tư mới ở Đông Nam Á. “Chúng tôi sẽ không rút khỏi Trung Quốc, nhưng sẽ bổ sung ở Đông Nam Á hoặc Nam Mỹ", lãnh đạo AcBel nói thêm.
Sysgration, nhà thiết kế hệ thống điện tử ô tô của Đài Loan, đang nghiên cứu thiết lập nhà máy tại Việt Nam, theo lời quản lý sản phẩm cao cấp Tony Wang. Công ty này với hơn 600 nhân viên đã vận hành hai nhà máy ở Trung Quốc đại lục và một nhà máy ở Mỹ. “Nếu khách hàng muốn sản xuất ở Trung Quốc, chúng tôi có thể sản xuất tại Trung Quốc, còn nếu họ muốn sản xuất ở Mỹ, chúng tôi có thể sản xuất tại Mỹ,” Wang nói, lưu ý thêm rằng vị trí gần gũi giữa Trung Quốc và Việt Nam mang lại “lợi thế địa lý” cho việc vận chuyển.
Việt Nam được đánh giá cao về chi phí thấp và hạ tầng vận tải mới. Đài Loan đã đầu tư vào Việt Nam khoảng 15 năm, và họ đã được phê duyệt đầu tư 1,23 triệu USD từ tháng 1/2023 đến tháng 4 năm nay, theo Bộ Phê duyệt Đầu tư Đài Loan. Năm ngoái, Quanta Computer của Đài Loan đã ký thỏa thuận bắt đầu sản xuất tại Việt Nam và nhà lắp ráp iPhone Foxconn Technology đã có mặt tại đó.
Trước năm 2018, các công ty Đài Loan thường chọn Trung Quốc đại lục cho việc đặt nhà máy. Đại lục cung cấp đất đai và lao động tương đối rẻ, chuỗi cung ứng vững chắc và thị trường nội địa lớn để bán sản phẩm. Hàng nghìn công ty Đài Loan trên các lĩnh vực đã có hoạt động tại đây.