JLL Việt Nam vừa công bố báo cáo thị trường văn phòng tại TP HCM quý II, cho thấy, văn phòng hạng A và B bắt đầu cảm thấy áp lực với diện tích hấp thụ ròng lần đầu tiên bị ghi nhận âm sau một thập kỷ, tại mức -3.619 m2.
Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn là nguồn khách thuê chính ở văn phòng hạng B, đã giảm quy mô và sớm chấm dứt hợp đồng do các tác động của dịch Covid-19. Thị trường văn phòng hạng A, mặc dù khả năng chịu đựng tốt hơn nhờ khách thuê là các công ty có tiềm lực tài chính tốt, cũng đang chịu áp lực. Điều này được chứng minh bởi dấu hiệu chững lại từ nhu cầu mở rộng và thành lập mới của doanh nghiệp trong thời gian xảy ra đại dịch.
Mặc dù tình trạng bất ổn kinh tế kéo dài, giá thuê hạng A, B vẫn tiếp tục tăng trong mười quý liên tiếp, đạt 30,9 USD/m2/tháng trong quý II, theo JLL. Giá thuê tăng trung bình 3,1% theo quý và 8,5% theo năm vì phần lớn chủ nhà vẫn khá tự tin trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung trong hiện tại và tương lai.
Tuy nhiên, theo đơn vị nghiên cứu, do tác động của dich Covid-19 làm yếu nhu cầu thuê, các chính sách hỗ trợ khách hàng từ phía chủ nhà đã bắt đầu trở nên phổ biến hơn trong quý này chẳng hạn như chính sách hỗ trợ giá thuê hoặc linh hoạt hóa hơn trong các điều khoản đàm phán.
JLL dự báo đến cuối năm 2020, thị trường sẽ chào đón hơn 100.000 m2 văn phòng hạng B, chủ yếu đến từ khu vực ngoài trung tâm, nâng tổng nguồn cung văn phòng hạng A, B lên 1,5 triệu m2 sàn.
Viễn cảnh kinh tế toàn cầu vẫn chưa chắc chắn, đặc biệt dưới tác động của dịch Covid-19, khách thuê văn phòng hạng B&C sẽ bị tác động trước, và có thể kéo theo sau là khách thuê văn phòng hạng A nếu tình hình dịch Covid-19 không được kiểm soát trên toàn cầu. Do đó, theo JLL, các tòa nhà có diện tích trống lớn, đặc biệt là ở các phân hạng thấp, nên xem xét lại giá thuê và chiến lược cho thuê để duy trì tỷ lệ lấp đầy cần thiết