CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã CK: FRT) vừa mới thông qua kế hoạch trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt và cổ phiếu.
FRT sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 20:3 (tỷ lệ khoảng 15%), cổ đông sở hữu 20 cổ phiếu sẽ nhận thêm 3 cổ phiếu mới.
Như vậy, với 118,47 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Công ty dự kiến phát hành thêm 17,77 triệu cổ phiếu. Ngày đăng ký cuối cùng là 07/06/2023.
Nguồn vốn phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến thời điểm 31/12/2022 được ghi nhận tại BCTC hợp nhất đã kiểm toán năm 2022. Thời gian thực hiện dự kiến trong tháng 7/2023. Dự kiến sau khi phát hành, vốn điều lệ của FRT tăng từ gần 1.185 tỷ đồng lên hơn 1.362 tỷ đồng.
Đồng thời, ngày 7/6, FPT Retail trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 5% (1 cổ phiếu sẽ nhận được 500 đồng). Thời gian thanh toán là 27/6. Với hơn 118 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty cần chi 59 tỷ đồng trả cổ tức. Như vậy, tổng cổ tức năm 2022 dự kiến trả là 20%.
Về kết quả kinh doanh, FRT vừa công bố BCTC quý 1/2023, với doanh thu thuần đạt 7,753 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,4% với cùng kỳ. Tuy nhiên, lãi trước thuế giảm tới 99%, còn vỏn vẹn 2 tỷ đồng trong khi cùng kỳ ghi nhận lãi 204 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc gia tăng chi phí bán hàng thêm 181 tỷ tương đương tăng 24,7% so với cùng kỳ lên mức 913 tỷ đồng, đồng thời chi phí tài chính – chủ yếu là chỉ phí lãi vay tăng 84% so với cùng kỳ lên mức 85 tỷ đồng.
Theo giải trình của FRT về kết quả kinh doanh Quý 1/2023 bị ảnh hưởng là do nhu cầu về hàng hóa liên tục giảm mạnh do tiếp tục bị ảnh hưởng xấu bởi sự biến động của nền kinh tế và các yếu tốt vĩ mô không thuận lợi, lạm phát và lãi suất vẫn đang ở mức cao. Bên cạnh đó, mức độ cạnh tranh trong ngành bán lẻ điện tử đang diễn ra mạnh mẽ, dẫn đến doanh thu Q1/2023 giảm 20% tương đương 1.133 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên 2023 của FRT tổ chức vào giữa tháng 4 đã thông qua kế hoạch doanh thu thuần 34.000 tỷ đồng, tăng 13% so với thực hiện năm 2022. Nhưng lãi trước thuế dự kiến giảm 51%, xuống 240 tỷ đồng. Sau 3 tháng đầu năm, Công ty thực hiện được 22,8% chỉ tiêu doanh thu và chưa được 0,86% kế hoạch lợi nhuận năm.
Cuối quý I, tổng tài sản của FRT đạt 9.440 tỷ đồng, giảm 10% so với đầu năm. Khoản tiền, tương đương tiền, tiền gửi có kỳ hạn khoảng 922 tỷ đồng. Hàng tồn kho giảm 3% so với đầu năm xuống còn 6.303 tỷ đồng.
Tổng nợ ngắn hạn tại ngày 31/3/2023 là 7.388 tỷ đồng chiếm 78% trên tổng nguồn vốn, trong đó vay và thuê tài chính ngắn hạn là 4.898 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 2.051 tỷ đồng bao gồm 818 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Bên cạnh kết quả kinh doanh lao dốc 99% so với cùng kỳ, thì dòng tiền hoạt động của Công ty cũng có nhiều dấu hiệu đáng xem xét.
Theo Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của FRT, hoạt động kinh doanh hoàn toàn không tạo ra dòng tiền khi âm tới 400 tỷ đồng vào thời điểm 31/3/2023. Đây cũng là dấu hiệu cảnh báo hiệu quả hoạt động kinh doanh chính của Công ty đang đi xuống, Công ty chưa tạo ra đủ tiền chi trả cho hoạt động kinh doanh và các khoản nợ.
Để duy trì hoạt đông Công ty đã đi vay lên tới 3.780 tỷ đồng trong kỳ. Đây cũng là lý do chính khiến chi phí đi vay tăng cao lên tới 85 tỷ đồng tăng 84% so với cùng kỳ.
Ông Hoàng Trung Kiên, Tổng giám đốc FPT Retail cho biết năm 2023 dự báo sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn bởi các yếu tố bất lợi trong quý IV/2022 như sức mua mặt hàng ICT giảm mạnh; chi phí tài chính liên tục tăng cao, lạm phát cao, thị trường mua trả góp liên tục suy yếu … Do đó, FPT Retail dự kiến gặp nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt đến từ chuỗi FPT Shop khi nhu cầu mua sắm các sản phẩm ICT tiếp tục giảm mạnh và khó dự báo về thời gian hồi phục và dự kiến tới quý III/2023, tình hình mới khả quan hơn.
Để khắc phục tình trạng này, công ty sẽ chủ động đưa ra nhiều chính sách bán hàng, chương trình khuyến mãi, trợ giá để tiếp tục hỗ trợ và đồng hành với khách hàng trong bối cảnh lạm phát tăng cao, thu nhập bị ảnh hưởng, do đó biên lợi nhuận gộp của chuỗi dự kiến thấp hơn các năm trước.
Mặt khác, FPT Retail sẽ tập trung vào việc từng bước cải thiện lãi gộp bằng cách bán thêm nhóm hàng gia dụng trong các cửa hàng FPT Shop hiện hữu.
Được biết, đến nay đã có hơn 300 cửa hàng FPT Shop bán hàng gia dụng, dự kiến sẽ tăng lên con số 600 cửa hàng vào cuối năm 2023. Đồng thời, công ty sẽ tiếp tục đào tạo, nâng cao kỹ năng bán hàng và phong cách phục vụ khách hàng.
Trong khi đó, dược phẩm là nhóm mặt hàng thiết yếu nhưng được dự báo vẫn bị ảnh hưởng do khách hàng có xu hướng sẽ thắt chặt chi tiêu hơn. Tuy nhiên, với việc thành công trong việc vận hành chuỗi FPT Long Châu suốt những năm qua, công ty vẫn đặt ra mục tiêu tăng trưởng 2 con số về doanh thu cho mảng này.
Sau hơn 5 năm vận hành, FPT Long Châu đã đạt được những thành công bước đầu khi trở thành chuỗi nhà thuốc có số lượng cửa hàng lớn nhất Việt Nam tính đến hiện tại. Với mục tiêu tiếp tục vươn xa, tăng nhận diện về vùng phủ, FPT Long Châu sẽ tiếp tục mở thêm ít nhất 400 nhà thuốc, dự kiến nâng tổng số tới cuối năm 2023 đạt 1.400 – 1.500 cửa hàng.