Ngân hàng (NH) Nhà nước và các NH thương mại lớn vừa có một loạt quyết định liên quan đến lãi suất tiền gửi tiết kiệm, lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp trong bối cảnh mùa làm ăn cuối năm đang cận kề.
Món quà lãi suất cuối năm của doanh nghiệp
“Ông lớn” NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa quyết định đồng loạt giảm lãi suất cho vay. Cụ thể, NH này giảm 0,5% lãi suất đối với tất cả doanh nghiệp có quan hệ vay tiền, bao gồm cả vay ngắn hạn đến trung dài hạn.
Đây là lần giảm lãi suất cho vay diện rộng nhất từ trước tới nay, bởi trước đó NH này chỉ giảm với các đơn vị thuộc năm lĩnh vực ưu tiên như khởi nghiệp, công nghệ cao, nông nghiệp và một số lĩnh vực ưu tiên khác. Đáng chú ý, lần giảm lãi suất này không chỉ áp dụng với khoản vay từ ngày 18-11 mà từ ngày 1-11-2019, tức các khoản vay cách đây 18 ngày cũng sẽ được áp dụng theo quy định mới.
Với quyết định trên, tất cả doanh nghiệp vay tiền trong hai tháng cuối năm nay tại Vietcombank đều được giảm 0,5% lãi suất. Đặc biệt, đối với các công ty đang được thụ hưởng chính sách ưu tiên, sau khi được hưởng chính sách giảm 0,5%, doanh nghiệp được giảm tổng cộng 1,5% so với mức trần cho vay lĩnh vực ưu tiên của NH Nhà nước.
Giải thích với báo chí về quyết định bất ngờ này, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, cho biết: Sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và NH Nhà nước có định hướng tiếp tục giảm lãi suất cho vay trong năm 2020, Vietcombank đã cân đối lại tài chính và thực hiện giảm trước định hướng tại hai tháng cuối năm nay. Ông Thành còn cho hay khi giảm lãi suất như vậy, chỉ trong hai tháng cuối năm, Vietcombank hy sinh khoảng 250 tỉ đồng lợi nhuận.
“Động thái này sẽ giúp các doanh nghiệp có nhiều lựa chọn hơn trong việc vay vốn để sản xuất, kinh doanh. Khi chúng tôi thông báo, doanh nghiệp tỏ ra rất bất ngờ vì được tặng quà. Đặc biệt là với những đơn vị có dư nợ càng lớn càng được lợi” - chủ tịch Vietcombank nói.
Trần lãi suất tiết kiệm giảm về 5%
NH Nhà nước cũng vừa công bố quyết định từ ngày 19-11, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới một tháng giảm từ mức 1%/năm xuống 0,8%/năm. Lãi suất tối đa cho tiền gửi có kỳ hạn từ một tháng đến dưới sáu tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm.
Bên cạnh đó, cơ quan điều hành cũng quyết định: Lãi suất tối đa áp dụng với tiền gửi có kỳ hạn từ một tháng đến dưới sáu tháng tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6% xuống 5,5%/năm. Riêng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ sáu tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung, cầu vốn thị trường.
Ngoài ra, NH Nhà nước cũng quy định: Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng giảm từ 6,5% xuống 6%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7,5% xuống 7,0% mỗi năm.
Trong một diễn biến liên quan, một loạt NH lớn cũng giảm lãi suất tiết kiệm. Ví dụ, Vietcombank giảm 0,2 điểm phần trăm với khoản tiền gửi kỳ hạn 1-9 tháng; các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên được giữ nguyên ở mức 6,8% đối với cá nhân và 6,5% đối với doanh nghiệp.
Tương tự, VietinBank cũng giảm 0,2 điểm phần trăm với hầu hết kỳ hạn từ dưới một tháng đến trên 36 tháng. Lãi suất cao nhất của NH hiện nay là 6,8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và trên 36 tháng, giảm 0,2 điểm phần trăm so với trước đó. Trước đó một số NH như Eximbank, VPBank, VietCapital Bank... giảm lãi suất huy động với mức 0,1-0,2 điểm phần trăm.
Theo các chuyên gia, việc giảm lãi suất tiền gửi là động thái khá lạ và bất ngờ bởi thông thường lãi suất tiền gửi vào thời điểm cuối năm tăng để các NH có thể hút vốn phục vụ nhu cầu vay tăng mạnh của khách.
Báo cáo trước Quốc hội về việc sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Phấn đấu năm 2020 giảm ít nhất 0,5% lãi suất cho vay, đặc biệt là đối với những lĩnh vực ưu tiên”.
Lãi suất từ nay đến cuối năm sẽ ra sao?
Trước những động thái mới của NH Nhà nước và các NH thương mại, tới đây mặt bằng lãi suất sẽ diễn biến như thế nào? Trả lời báo chí, đại diện Vietcombank nhận định chưa thể nói trước là thị trường sẽ chịu tác động lớn từ việc giảm lãi suất lần này của Vietcombank. Lý do là việc cân đối đầu vào, đầu ra ở mỗi NH là khác nhau. “Tuy nhiên, chắc chắn sẽ có tác động đáng kể ở chỗ khi Vietcombank giảm lãi suất thì thị trường sẽ nhận biết sức cạnh tranh chúng tôi cao hơn”.
Nhiều ý kiến khác cũng có chung nhận định việc các NH giảm lãi suất huy động đầu vào có thể sẽ giúp kéo giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới. Đặc biệt, việc NH Nhà nước yêu cầu giảm lãi suất huy động là cần thiết để tạo cơ hội giảm lãi suất cho vay. Thực tế sau cuộc chạy đua tăng lãi suất huy động, gần đây nhiều NH giảm 0,1-0,2 điểm phần trăm lãi suất huy động.
Tuy nhiên, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng NH BIDV, nhận định động thái giảm lãi suất chỉ xảy ra ở một số NH nhất định nhằm cơ cấu lại danh mục huy động vốn. Trong thời gian qua, một số NH đã chuẩn bị vốn và có khả năng đáp ứng được nhu cầu tín dụng từ nay đến cuối năm, vì vậy họ cần cân đối lại để tránh kém hiệu quả trong khâu sử dụng vốn. Ngoài ra, việc giảm lãi suất cũng hưởng ứng động thái giảm lãi suất điều hành của NH Nhà nước.
Nhóm nghiên cứu tại Công ty Chứng khoán SSI mới đây cũng đánh giá một số NH công bố điều chỉnh giảm 0,1-0,2 điểm phần trăm trên biểu lãi suất nhưng mức lãi suất thực tế không có nhiều thay đổi và mức giãn cách giữa các nhóm NH vẫn rất rộng. Dự báo từ nay đến cuối năm, lãi suất trên thị trường một vẫn khó giảm sâu do tính mùa vụ.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho rằng việc các NH đồng loạt hạ lãi suất huy động trong thời điểm này được hỗ trợ rất lớn bởi yếu tố thanh khoản dồi dào. Lãi suất liên NH duy trì ở mặt bằng thấp (1,8%-2,2%/năm) trong bốn tuần gần đây cho thấy các NH không còn quá căng thẳng về thanh khoản.