Kỳ vọng gì ở lãi suất cho vay?
Mở màn năm 2021, Vietcombank vừa thông báo quyết định giảm đồng loạt lãi suất tiền vay cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của khách hàng trong thời gian ba tháng, từ ngày 22/2 đến 22/5/2021.
Theo đó, khách hàng doanh nghiệp sẽ được giảm 5-10% số tiền lãi phải trả, còn khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất kinh doanh sẽ được giảm lãi suất 0,2%/năm. Trước đó hồi cuối năm 2020, Vietcombank cũng đã giảm tới 1%/năm lãi suất cho vay bằng tiền đồng cho khách hàng doanh nghiệp trong thời gian ba tháng tính từ ngày 15-12-2020.
Tiếp theo, HDBank cũng ban hành chính sách tự động giảm lãi suất cho vay đến 4,5% cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ mà không cần khách hàng phải đề nghị hỗ trợ hay chứng minh bất kỳ khó khăn nào gặp phải, có hiệu lực cho đến ngày 31/12/2021.
Ngoài ra, HDBank cũng tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ với lãi suất giảm sâu, có chương trình lãi suất hấp dẫn chỉ còn từ 3%/năm.
Dựa trên tình hình hiện nay, lãi suất cho vay được kỳ vọng sẽ đi xuống nhiều hơn trong năm 2021, sau khi giảm khá chậm trong năm 2020, dù mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng đã giảm đáng kể trong cùng khoảng thời gian. Xu hướng này được lý giải là chi phí vốn của các ngân hàng cần phải có một khoảng thời gian nhất định để giảm xuống sau các động thái điều chỉnh lãi suất tiền gửi.
Nếu như năm 2020 một phần lớn vốn của các ngân hàng đã chảy mạnh vào thị trường trái phiếu Chính phủ như một kênh đầu tư an toàn, thì năm 2021 này xu hướng có thể sẽ khác, khi áp lực lạm phát gia tăng sẽ kéo theo rủi ro lãi suất đối với kênh đầu tư này. Thực tế các phiên phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường sơ cấp thường rơi vào cảnh ế hàng từ đầu năm đến nay.
Cụ thể, khi ngân hàng ban hành khung lãi suất tiền gửi mới thì mức lãi suất điều chỉnh này chỉ áp dụng trên những khoản tiền gửi mới, theo đó các khoản huy động trước đây vẫn được hưởng lãi suất cũ theo hợp đồng tiền gửi đã ký kết, do đó lãi suất cho vay khó lòng giảm mạnh theo ngay lập tức. Trong khi đó, lượng tiền gửi trung dài hạn của hầu hết các ngân hàng đã tăng tỷ trọng đáng kể trong nhiều năm trở lại đây, khi chênh lệch lãi suất kỳ hạn ngắn và dài được mở rộng dần.
Với lượng tiền gửi kỳ hạn 12-13 tháng là chủ yếu trong nguồn vốn trung dài hạn, các đợt giảm lãi suất tiền gửi trong năm 2020 nay mới bắt đầu dần được phản ánh vào chi phí vốn, và các ngân hàng sẽ thấy mức giảm trong chi phí vốn rõ rệt hơn trong năm nay, do đó sẽ có động lực giảm lãi suất cho vay mạnh tay hơn.
Đáng lưu ý là xu hướng giảm lãi suất tiền gửi vẫn chưa dừng lại, khi trong hai tháng đầu năm nay một loạt ngân hàng tiếp tục có thêm các đợt điều chỉnh giảm lãi suất mới, đặc biệt là kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay, khi dòng tiền lớn bắt đầu quay trở lại hệ thống ngân hàng.
Thống kê cho thấy lãi suất huy động bình quân đến cuối tháng 2/2021 đã giảm khá mạnh so với cùng kỳ thời điểm này năm trước, cụ thể kỳ hạn 1-5 tháng giảm xấp xỉ 1,36 điểm phần trăm, kỳ hạn 6-12 tháng giảm 1,4 điểm phần trăm, kỳ hạn từ 13 trở lên giảm gần 1,2 điểm phần trăm.
Cạnh tranh tín dụng và giải quyết bài toán thừa vốn
Trước triển vọng nền kinh tế sẽ hồi phục tích cực trong năm nay khi đã có vaccin, kéo theo sức cầu tiêu dùng và nhu cầu vay vốn đang tăng lại, có lẽ các ngân hàng càng có động lực để tăng cường cho vay hơn, nhất là khi rủi ro trong nền kinh tế cũng đã giảm xuống. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay được đặt ra ở mức 12%, nhưng hầu hết dự báo cho thấy có thể đạt từ 14-15%.
Đáng lưu ý là nếu như ở hoạt động huy động vốn, các ngân hàng có đủ chiêu thức để cạnh tranh thu hút khách hàng, từ thương hiệu, độ phủ mạng lưới, mức độ đa dạng của sản phẩm, lãi suất, chất lượng phục vụ, các chương trình khuyến mãi, quay số trúng trưởng,... thì ở hoạt động tín dụng, giảm lãi suất là phương thức cạnh tranh chính để lôi kéo khách hàng.
Các báo cáo phân tích gần đây cũng cho thấy trong năm năm trở lại đây, bức tranh tín dụng đã có sự thay đổi đáng kể khi thị phần tín dụng ngày càng rơi vào tay nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, nhờ các chính sách phát triển mạnh mẽ và đột phá, đặc biệt ở phân khúc trái phiếu doanh nghiệp và bán lẻ.
Trước tình hình này, cuộc chiến cạnh tranh tín dụng trong giai đoạn tới sẽ ngày càng khốc liệt hơn, theo đó những ngân hàng nào có được nguồn vốn đầu vào giá rẻ tốt hơn sẽ có lợi thế hơn trong cuộc chiến về giá cả cho vay.
Ngoài ra, việc thanh khoản đang dư thừa khá lớn tại nhiều ngân hàng, nhờ vào tăng trưởng huy động vốn luôn duy trì cao hơn tăng trưởng tín dụng trong thời gian qua, cộng thêm việc tăng vốn điều lệ thành công cũng như phát hành lượng lớn trái phiếu trong những năm gần đây, sẽ khiến sức ép hóa giải bài toán vốn đầu ra ngày càng thách thức.
Nếu như năm 2020 một phần lớn vốn của các ngân hàng đã chảy mạnh vào thị trường trái phiếu chính phủ như một kênh đầu tư an toàn và phần nào giúp giảm mức độ thừa vốn, thì năm 2021 này xu hướng có thể sẽ khác, khi áp lực lạm phát gia tăng sẽ kéo theo rủi ro lãi suất nên các ngân hàng khó lòng mạnh tay rót tiền vào kênh đầu tư này. Thực tế các phiên phát hành trái phiếu chính phủ trên thị trường sơ cấp thường rơi vào cảnh ế hàng từ đầu năm đến nay.
Trong khi đó, kênh trái phiếu doanh nghiệp cũng bị kiểm soát chặt hơn khiến các ngân hàng không còn mặc sức rót vốn vào đây như là một kênh thay thế. Trong bối cảnh này, đẩy mạnh cho vay là giải pháp khả dĩ để giải quyết bài toán thừa vốn, và lãi suất là một trong những chính sách quan trọng nhất để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng năm nay tại nhiều ngân hàng.
Đối với yếu tố kìm hãm lãi suất cho vay là nguy cơ nợ xấu có thể tăng trở lại từ các khoản nợ tái cơ cấu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 năm vừa qua, thì một số ý kiến cho rằng đó không phải là vấn đề lớn, khi nền kinh tế phục hồi cũng sẽ giúp hoạt động của các doanh nghiệp gặp khó khăn trước đây về lại bình thường.
Theo báo cáo gần đây của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), thống kê cho thấy 80-90% doanh nghiệp đã tái cơ cấu nợ hiện đã có thể quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó có thể tiếp tục trả gốc và lãi.
Điều này giúp tỷ lệ nợ xấu trong các khoản nợ tái cơ cấu sẽ chỉ ở mức 10-20%. Thực tế nợ tái cơ cấu tại nhiều ngân hàng cũng đã giảm dần từ quí cuối năm 2020.
Link bài gốc