Ngày pháp luật

Là ‘ngôi vương’ thương mại điện tử tại Việt Nam nhưng Shopee vẫn không ít lần khiến người tiêu dùng 'ngao ngán muốn xoá app'

An An

Không giao đơn, shipper tự động hoàn trả hàng, hàng giả 'đánh bật' hàng thật... là một vài những vấn đề nổi cộm mà nhiều người nhắc đến khi sử dụng nền tảng thương mại này.

Chính thức đặt chân vào Việt Nam vào tháng 8/2016, dù gia nhập khá muộn nhưng Shopee đã chứng minh mình là một trong bốn 'ông lớn' của lĩnh vực thương mại điện tử với lượng người dùng đông đảo tại thị trường Việt Nam. 

Theo báo cáo mới đây của Iprice Group, với số lượng người tiêu dùng truy cập website cao và giữ vững thứ hạng top đầu trong bảng xếp hạng, Shopee hiện đang là sàn bán hàng tiềm năng nhất cho các doanh nghiệp hiện nay. 

Tính trong tháng 11/2023, Shopee tiếp tục độc chiếm ngôi đầu thị phần doanh thu với gần 73% thị phần giá trị giao dịch (GMV) sàn thương mại điện tử (tương đương gần 23.000 tỷ đồng). Trong tất cả nhóm ngành hàng, Shopee đều đứng đầu về doanh thu, bỏ xa các sàn đối thủ Lazada, Tiki, Tiktokshop.

Dẫu vậy, nền tảng thương mại điện tử này cũng không ít lần khiến cho khách hàng và đối tác gặp những tình huống trớ trêu. 

Ưu tiên đơn vị vận chuyển 'gà nhà', Shopee Express bị chê giao chậm trễ 

Là chủ một shop quần áo ở Hà Nội, chị L.T khá bất ngờ khi sàn Shopee tự động mặc định đơn vị vận chuyển Shopee Express khi lên đơn và không thể chọn đơn vị phù hợp với khách hàng. 

Dù đã từng sử dụng dịch vụ của Shopee Express, nhưng chị không cảm thấy hài lòng bởi vài lần trước đó, khách đặt hàng đầu tuần nhưng đến giữa tuần, shipper cũng chưa liên hệ để lấy hàng. Việc này dẫn đến đơn hàng bị trễ, cửa hàng giảm uy tín, mất khách hàng. Chưa kể, khi lấy đơn hàng xong, đơn vị vận chuyển vẫn om đến 1-2 tuần sau mới giao hàng.

Shopee chọn đơn vị vận chuyển Shopee Express khi lên đơn
Shopee chọn đơn vị vận chuyển Shopee Express khi lên đơn

Tìm hiểu sâu hơn chị mới biết, từ tháng 5/2021, người dùng có ba lựa chọn giao hàng là hỏa tốc, nhanh và tiết kiệm.

Ứng dụng Shopee sẽ tự chọn đơn vị vận chuyển. Theo Shopee, danh sách các đơn vị vận chuyển được sắp xếp theo phương thức mới. Nếu ship hỏa tốc  NowShip, GrabExpress. Thời gian vận chuyển tính từ thời điểm người bán gửi hàng: 1-2 giờ.

Nếu chọn giao hàng nhanh có thể lựa chọn Shopee Express, Viettel Post, Giao hàng Nhanh, Giao hàng Tiết kiệm, J&T Express, Ninja Van, Best Express. Thời gian vận chuyển là 1-4 ngày. Nếu muốn giao hàng tiết kiệm thì có VN Post. Thời gian vận chuyển là 2-6 ngày.

Bên cạnh đó, chị T cũng cho biết, dịch vụ Shopee Express có hai cách gửi hàng là tại bưu cục hoặc yêu cầu shipper đến lấy hàng. Nếu chọn đem đến bưu cục, Shopee Express hạn chế số lượng điểm gửi hàng, còn chọn dịch vụ shipper đến tận nơi lấy hàng thì thường xuyên bị chậm trễ. 

Shopee cho người bán một khoảng thời gian nhất định để chuẩn bị hàng hóa trước khi giao cho đơn vị vận chuyển. Nhưng khi quá hạn mà shipper vẫn không đến lấy hàng, đơn hàng sẽ tính là bị trễ và người bán sẽ... bị Shopee phạt, chị T cho biết. 

Không giao đơn, không liên hệ người mua, shipper tự động hoàn trả hàng

Tranh thủ đợt sale lớn mỗi tháng, chị V.K (Hà Nội) tranh thủ đặt nhiều đơn hàng. Tuy nhiên, có sản phẩm chị phải đợi đến 9 - 10 ngày sau mới được thông báo giao hàng dù chỉ là giao hàng ở nội thành. Nhưng sự thất vọng còn nâng cao hơn nữa, mặc dù đã chờ đợi hơn 1 tuần nhưng theo dõi quá trình giao hàng, chị vẫn thấy món đồ của mình ở trung tâm trung chuyển và được báo sẽ giao trong hôm tới.

Là ‘ngôi vương’ thương mại điện tử tại Việt Nam nhưng Shopee vẫn không ít lần khiến người tiêu dùng 'ngao ngán muốn xoá app' - Ảnh 1

Chờ thêm 5 hôm nữa, chị K bất ngờ khi món đồ mình mua sale đang được trả về cho người bán do shipper không liên hệ được với người mua để giao hàng. Trong khi đó, chị K xác nhận không nhận được bất cứ cuộc gọi nào từ shipper để giao hàng.

Chị K vô cùng bực khi món đồ này chị rất thích và còn mua được với giá hời vì hôm đó áp nhiều mã giảm giá. Bức xúc gọi lên tổng đài của Shopee, chị K chỉ nhận được lời xin lỗi đồng thời nhận 10.000 xu 'an ủi'. Dù được tặng xu nhưng nó cũng không đáng gì so với công chờ đợi món đồ yêu thích của chị K. 

Bất ngờ cấn trừ tiền của người bán

Ngày 27/12/2023, tài khoản của nhiều chủ shop kinh doanh online trên nền tảng Shopee bị trừ số tiền lớn, dao động từ vài chục triệu đến cả tỷ đồng. Sau khi nhận được thông báo cấn trừ số tiền lớn, các chủ shop bày tỏ sự bất ngờ, đồng thời đăng bài trên hội nhóm để tìm kiếm sự hỗ trợ.

Theo thông báo của sàn, những đối tác này đã vi phạm chính sách, cố tình lạm dụng mã giảm giá trong các đợt khuyến mãi, trục lợi bất chính.

Tài khoản của một shop rơi vào trạng thái âm gần trăm triệu đồng sau khi bị Shopee cấn trừ
Tài khoản của một shop rơi vào trạng thái âm gần trăm triệu đồng sau khi bị Shopee cấn trừ

Theo nền tảng thương mại này, việc lạm dụng ưu đãi được xem là hành vi vi phạm nghiêm trọng được quy định trong các chính sách của Shopee. Thời gian qua, lợi dụng chính sách của sàn, nhiều shop đã cố tình lạm dụng mã giảm giá trong các đợt khuyến mãi, những voucher này không đến tay người dùng cuối mà bị chủ shop “ăn chặn”; hay như chủ shop thông đồng với bưu cục vận chuyển, chỉ bấm giao đơn trên hệ thống mà không cần nhận hàng...

Đơn vị cho biết sẽ tiến hành kiểm tra và xác minh tính hợp lệ cho các đơn hàng của shop theo quy định, xem xét biện pháp xử lý tài khoản vi phạm, bao gồm việc cấn trừ từ số dư tài khoản của shop trên Shopee số tiền tương ứng với giá trị ưu đãi mà Shopee đã tài trợ cho các đơn liên quan đến hành vi gian lận trong thời gian qua theo các chính sách hiện hành.

Nếu có sự nhầm lẫn trong quá trình xử lý hoặc chủ shop bị oan, đơn vị sẽ tiến hành hoàn trả lại số tiền. Tuy nhiên, theo đại diện Shopee, việc này sẽ giúp tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn cho người bán chân chính.

Hàng giả, hàng nhái tràn lan trên nền tảng thương mại

Lướt một vòng trên sàn thương mại điện tử Shopee, không khó để nhận thấy hàng không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, hàng giả, hàng nhái thương hiệu nổi tiếng được rao bán công khai trên sàn. 

Đáng nói hơn, những sản phẩm này đôi khi còn được chủ cửa hàng quảng cáo là hàng chính hãng, hàng thật, hàng xịn... nhưng khi nhận được hàng kiểm tra thì mới phát hiện sản phẩm không giống hàng thật.

Đem ra cửa hàng chính hãng để đối chiếu, kết quả nhận về cho thấy, sản phẩm là hàng nhái, từ tem mác, hình dáng đều không "chuẩn auth" như quảng cáo. 

Đồng hồ nhái thương hiệu Rolex được bán tràn lan trên Shopee.
Đồng hồ nhái thương hiệu Rolex được bán tràn lan trên Shopee.

Chưa kể, sản phẩm thương hiệu nổi tiếng như đồng hồ Rolex giá chính hãng lên tới cả nghìn tới chục nghìn USD nhưng trên sàn Shopee chỉ bán với giá vài trăm nghìn đồng. 

Phản hồi với Shopee về việc mua phải hàng nhái, hàng giả, đơn vị cho biết việc kiểm soát hàng hóa đăng bán vẫn còn nhiều khó khăn do người đăng bán dùng nhiều cách thức để qua mặt bộ phận, hệ thống kiểm duyệt.

Tin Cùng Chuyên Mục