Ngày pháp luật

Kỳ vọng gì vào các dòng hàng trong Trung tâm Tài chính quốc tế tại Việt Nam?

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia tài chính quốc tế, Việt Nam đang có cơ hội lớn để phát triển Trung tâm tài chính quốc tế - TTTCQT (IFC), với quyết tâm chính trị mạnh mẽ thể hiện qua các quyết định và nghị quyết cấp cao. Nhưng để thành công cần quan tâm lớn đến phát triển dòng hàng tại các IFC.

Kỳ vọng gì vào các dòng hàng trong Trung tâm Tài chính quốc tế tại Việt Nam? - Ảnh 1

Có thể phát triển tài chính xanh

Ông Richard D. McClellan - chuyên gia kinh tế, cố vấn độc lập về chính sách kinh tế, phát triển khu vực tài chính nhận định, Việt Nam đang có cơ hội lớn để phát triển IFC, với quyết tâm chính trị mạnh mẽ thể hiện qua các quyết định và nghị quyết cấp cao. Do đó, việc chậm trễ trong việc xây dựng IFC sẽ khiến Việt Nam đánh mất cơ hội quý giá.

Tuy nhiên, theo ông Richard D. McClellan, mỗi IFC được thiết kế để thu hút các loại vốn cụ thể, phản ánh qua mô hình và chính sách riêng biệt. Như Dubai thu hút tài sản cá nhân và quỹ đầu tư qua ưu đãi thuế và luật pháp Anh; Astana hướng đến tài chính bền vững, tạo lợi thế bằng chi phí gia nhập thấp và ưu đãi tài chính xanh. Trong khi đó, London, với thị trường tài chính lâu đời, là trung tâm của ngân hàng toàn cầu và giao dịch phái sinh phức tạp. Các IFC gần với Việt Nam hơn như Malaysia thì tập trung vào lĩnh vực bảo hiểm và chứng khoán phái sinh; Singapore tập trung vào giao dịch ngoại hối và quản lý tài sản với chính sách mở cửa.

Từ đó, ông Richard D. McClellan gợi ý, Việt Nam có thể xây dựng IFC ở TP.Hồ Chí Minh theo hướng phát triển có chiều sâu, lâu dài và phục vụ được một cách toàn diện nhưng cũng cần có chiến lược tăng trưởng, phát triển khác nhau và sẽ cần phải có một vài phân khúc cụ thể là thế mạnh. “Ví dụ, IFC tại TP.Hồ Chí Minh có thể theo hướng IFC Busan, tức là tập trung vào phát triển mạnh hàng hải của Việt Nam, bên cạnh đó có thể có các thế mạnh khác như thương mại hoặc phát triển xanh. Đây là những lĩnh vực mới mà chưa có IFC nào phát triển mạnh mẽ” - ông Richard D. McClellan nói.

Ông Nguyễn Mạnh Khôi - Trưởng Phòng Kinh doanh vốn, Khối Kinh doanh vốn và thị trường (VietinBank) cho rằng, hiện nay, thị trường tài chính Việt Nam vẫn còn tập trung vào các sản phẩm cơ bản, trong khi các sản phẩm cấu trúc và phái sinh vẫn còn phát triển chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu phòng ngừa rủi ro của nhà đầu tư. Do đó, cần đa dạng hóa sản phẩm tài chính và từng bước tiệm cận với các TTTC lớn trong khu vực và thế giới. Theo đó, nên khuyến khích và hỗ trợ phát triển các sản phẩm tài chính mới, công cụ phái sinh và các sản phẩm đầu tư sáng tạo, giúp tăng tính linh hoạt và chiều sâu cho thị trường.

Phát triển các dòng hàng mà Việt Nam có thế mạnh

Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam nên từng bước nghiên cứu, thử nghiệm và từng bước đưa vào vận hành các thị trường mới như thị trường hàng hóa, ngoại tệ, tài sản số… tiệm cận mô hình của các IFC. Trong đó, phát triển thị trường hàng hóa dựa trên lợi thế quốc gia. Ví dụ, tập trung phát triển nhóm sản phẩm phái sinh hàng hóa với các mặt hàng chủ lực mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh như gạo trong khi các thị trường hàng hóa khác chưa triển khai mặt hàng này.

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, dựa vào thông tin thu thập được từ các IFC, Bộ Công Thương cho rằng, về cơ bản, đối với những quốc gia đặc thù, quy mô thị trường bé, dân số ít thì họ tập trung vào thị trường quản lý tài sản. Các quốc gia có quy mô kinh tế, tính chất kinh tế tương đồng với Việt Nam hoặc phát triển hơn Việt Nam ở mức độ nhất định, đều có sở giao dịch hàng hóa, hàng hóa phái sinh rất phát triển. Theo đó, với IFC của Việt Nam nên lựa chọn những mặt hàng giao dịch hàng hóa, dịch vụ dựa trên tiềm năng và thế mạnh sẵn có của mỗi địa phương.

Đây cũng là ý kiến mà TS kinh tế Trần Văn Bình đưa ra khi trao đổi với DN&PL. Theo TS.Trần Văn Bình, hàng hóa giao dịch tại IFC rất đa dạng, nhiều lĩnh vực từ dạng hàng hóa phi vật chất đến hàng hóa vật chất. Ví dụ như, trong IFC có thể có các sàn giao dịch chứng khoán, sàn giao dịch hàng hóa, sàn giao dịch ngoại tệ chuyên biệt mua bán tỷ giá USD… tức là có thể đưa nhiều mặt hàng vào giao dịch tại IFC.

“Trước mắt chúng ta sẽ ưu tiên đưa các cái mặt hàng nông sản của Việt Nam như gạo, cà phê, tiêu, cao su lên sàn giao dịch. Nếu đưa được các mặt hàng này lên sàn giao dịch hàng hóa ở IFC thì mang lại rất nhiều lợi ích cho nông dân, nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng bởi gần như cắt bỏ hoàn toàn khâu trung gian, hệ thống thương lái như hiện nay. Chưa kể, sẽ không còn hiện tượng thao túng giá bởi giá đưa trên sàn trực tiếp là do nhà sản xuất đưa ra, tự đặt lệnh bán theo đúng giá để có lợi nhất cho việc kinh doanh, sản xuất của mình” - TS Trần Văn Bình nói.

Trong khi đó, bà Trương Thị Thu Ba - Phó Giám đốc Ban Định chế tài chính (BIDV) đề xuất Việt Nam nên cân nhắc để lựa chọn và triển khai tại IFC những dịch vụ phù hợp nhất với thế mạnh của Việt Nam. Ví dụ, cần phải xác định Việt Nam đang có một lợi thế lực lượng lao động trẻ có năng lực xử lý các vấn đề liên quan đến toán, thống kê. Từ đó sẽ có thể đưa ra các dịch vụ thực hiện tại IFC như quản lý quỹ, kế toán quỹ hoặc kiểm toán nội bộ, hậu kiểm. Trước mắt, trong giai đoạn đầu IFC có thể tập trung triển khai những dịch vụ về phân tích tài chính, làm outsource (thuê ngoài) cho các công ty fintech hoặc những ngân hàng lớn trên thế giới. Tiếp đó, trung hạn sẽ phát triển dần đến dịch vụ phức hợp hơn như là dịch vụ quản lý tài sản hay là ngân hàng quốc tế và cuối cùng là sẽ cung cấp những giao dịch tài chính toàn cầu hay là trung tâm thanh toán xuyên biên giới.

Tin Cùng Chuyên Mục