Nhiều hộ dân trú tại Thị trấn Đăk Tô (huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) phản ánh tới đường dây nóng của Doanhnhan.vn (báo Pháp Luật Việt Nam) về việc mỏ đá 24-4 chuyên sản xuất bê-tông nhựa, đá cấp phối... tọa lạc tại thôn 1, xã Tân Cảnh, Thị trấn Đăk Tô (huyện Đăk Tô) gây ô nhiễm trầm trọng cho nhiều hộ dân sống gần khu vực mỏ đá.
Để làm rõ vấn đề, phóng viên đã tìm mỏ đá nơi người dân phản ánh. Thời điểm chúng tôi có mặt, theo quan sát, mỏ đá 24-4 đang hoạt động nghiền đá, bụi đá bay lên mù mịt. Xung quanh mỏ đá được chủ nhân của nó rào thép gai cẩn thận để tránh người lạ vào bên trong, ngoài ra còn dựng một chòi cao và cắt cử người canh giữ 24/24.
Anh Nguyễn Văn Hùng (một người qua đường) cho biết: "Tôi thường xuyên đi qua đây vào buổi sáng, cứ hôm nào mỏ đá hoạt động là người qua đường phải bịt mũi chạy qua cho nhanh. Nếu là bụi bình thường thì không sao, nhưng bụi đá rất nguy hiểm và khó thở. Không hiểu vì sao mỏ đá gây ô nhiễm như vậy mà cơ quan chức năng không xử lý?".
Cách đó khoảng 500, anh Thành (ngụ tại Thị trấn Đăk Tô) bức xúc: "Đây không phải là ngày một ngày hai chúng tôi phải chịu đựng bụi đá của mỏ đá 24-4, mà mỏ đá này hoạt động đã nhiều năm nay rồi. Thường thì mỏ đá hoạt động vào buổi sáng và làm bụi mù mịt. Các hộ dân sống xa khu vực mỏ đá nhưng vẫn phải hít phải bụi đá xả thải ra".
Sau hàng rào thép gai là khu vực sản xuất khiến bụi bay mù mịt. (Ảnh: Doanhnhan.vn/ Du Nghĩa).
Cám cảnh hơn, chị Hương trồng sắn (mỳ) ngay sát mỏ đá cho hay: "Những lúc gia đình tôi đi làm mà mỏ đá hoạt động là không thể thở được, khắp vườn đều phủ kín bụi đá. Nếu tình trạng này cứ kéo dài chắc chúng tôi cũng bị ung thư mà chết cả".
Sáng 21/6, phóng viên Doanhnhan.vn đã tìm đến UBND huyện Đăk Tô để đặt lịch làm việc. Tại đây, ông Trầm Dương Thanh (Chánh Văn phòng UBND huyện Đăk Tô) cho biết: "Về mặt quản lý Nhà nước lĩnh vực này thì Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) sẽ có nhiệm vụ trả lời và cung cấp mọi thông tin liên quan cho báo chí". Sau đó ông Thanh hướng dẫn phóng viên đến làm việc với Phòng TN&MT và không quên nhắc nhở: "Cứ thông báo là phóng viên đã làm việc với UBND huyện".
Chúng tôi tiếp tục tìm đến Phòng TN&MT huyện Đăk Tô gặp ông Phạm Ngọc Cảnh (Trưởng Phòng TN&MT huyện Đăk Tô), mặc dù phóng viên đã xuất trình giấy giới thiệu của tòa soạn cử đến làm việc. Tuy nhiên, ông Cảnh vẫn yêu cầu phóng viên xuất trình thẻ nhà báo và phải có ý kiến của UBND huyện Đăk Tô thì mới làm việc.
Mặc dù đã được phóng viên giải thích là đã làm việc với UBND huyện Đăk Tô và được huyện hướng dẫn sang Phòng TN&MT làm việc nhưng vị trưởng phòng này vẫn không hợp tác.
Ngay sau đó, chúng tôi tiếp tục liên lạc qua điện thoại với ông Trầm Dương Thanh thì ông Cảnh mới chịu làm việc và cung cấp hồ sơ liên quan đến mỏ đá 24-4.
Theo tìm hiểu, mỏ đá 24-4 thuộc Công ty TNHH MTV 501.1 chuyên khai thác khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng bằng phương pháp lộ thiên tại thôn 1, xã Tân Cảnh (huyện Đăk Tô) và được UBND tỉnh Kon Tum cấp giấy phép vào năm 2016.
Từ khi đưa vào hoạt động đến nay, mỏ đá của Công ty TNHH MTV 501.1 liên tục xả khói, bụi. Điều đáng nói, mỏ đá nằm sát với QL14 nên rất nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông trên đường.
Trả lời phóng viên, ông Cảnh cho biết: "Việc mỏ đá gây ô nhiễm như khói, bụi đá ảnh hưởng những người qua đường, người đi viếng mộ và những hộ có đất sản xuất quanh mỏ đá là có thật. Vừa qua, bên phía công ty cũng đã có văn bản báo cáo về việc đang thỏa thuận giá cả đền bù đất đai với các hộ dân để lùi mỏ đá vào sâu bên trong, tránh ảnh hưởng đến môi trường xung quanh".
Doanhnhan.vn sẽ tiếp tục thông tin.