Động vật hoang dã có nguy cơ “xóa sổ”.
Vườn quốc gia Chư Mom Ray nằm ở phía Bắc Tây Nguyên và phía Tây của tỉnh Kon Tum, trên địa phận của 2 huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi. Phía Bắc giáp địa giới hành chính các xã: Bờ Y, Sa Loong (huyện Ngọc Hồi); Phía Nam giáp địa giới hành chính các xã: Mo Ray, Ya Xiêr (huyện Sa Thầy); Phía Đông giáp địa giới hành chính các xã: Rờ Kơi, Sa Nhơn và Thị trấn Sa Thầy; Phía Tây giáp Campuchia và Lào.
Với tổng diện tích trên 56.000 hecta, Vườn quốc gia Chư Mom Ray có khoảng 620 loài. Trong đó có 11 loài thú, 370 loài chim, 45 loài bò sát, 20 loài cá nước ngọt và 17 loài lưỡng cư.
Trong đó có tới 114 loài trong danh sách đỏ Việt Nam và thế giới. Đặc biệt, thung lũng Ja Book rộng lớn có diện tích hơn 9.000 hecta. Chính vì vậy, nơi đây là địa điểm lý tưởng cho các loài thú móng guốc và thú ăn thịt cư ngụ, như: mang Trường Sơn, trâu rừng, bò tót...
Tuy nhiên, thời gian gần đây, tại các tiểu khu thuộc Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, nằm trên địa bàn xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) xảy ra tình trạng người dân ồ ạt vào rừng đặt bẫy để săn bắt thú rừng hoang dã.
Đầu tháng 10, chúng tôi có chuyến công tác vào Đồn Biên phòng Rờ Kơi (ĐBP 705), dọc QL14C chúng tôi không khó bắt gặp từng tốp xe máy chở theo những chú chó săn ồ ạt đi vào hướng xã Mo Ray.
Theo nhiều người dân cho biết, đây thường là đội thợ săn bắt động vật hoang dã trong vườn QG. Họ đi săn mấy ngày liền mới trở về. Hầu hết là người dân đang sinh sống tại xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy).
Những con thú rừng như: Chồn hương, mèo rừng, dúi, lợn rừng... đều bị đám thợ săn “đội lốt” người dân săn bắt không thương tiếc, khiến cho nhiều loài động vật hoang dã có nguy cơ bị “xóa sổ”.
“Phó đồn trưởng từng dính bẫy”.
Trao đổi với Phóng viên Doanhnhan.vn, Trung tá Bùi Văn Vinh (Đồn trưởng ĐBP Rờ Kơi - ĐBP 705) cho biết: “Để cung cấp thêm thức ăn cho các cán bộ, chiến sĩ, đơn vị chúng tôi đã tăng gia sản xuất thêm. Tuy nhiên, từ tháng 6 trở lại đây, nhiều đối tượng sinh sống tại địa bàn xã Rờ Kơi đã ngang nhiên vào đặt bẫy thú rừng ngay sát ĐBP”.
“Hiện đơn vị đã bị các đối tượng bẫy mất 8 con chó, 12 con bò và hơn 30 con lợn. Manh động hơn, các đối tượng còn đặt bẫy ngay hồ cá của đơn vị, rất nguy hiểm cho các chiến sĩ, cán bộ đồn”, Trung tá Bùi Văn Vinh cho biết thêm.
Đồn trưởng Bùi Văn Vinh nhớ lại: “Hôm đó khoảng 9h sáng, đồng chí A Thao (Phó đồn trưởng ĐBP 705) cùng một số chiến sĩ của đồn đi kiếm bò, thuộc xã Rờ Kơi. Trong lúc tìm bò thì bất ngờ sập bẫy của người dân nên đã xây xước vùng chân. Rất may là không phải bẫy cùm”.
Trong 2 tháng trở lại đây, ĐBP 705 đã cử lực lượng tiến hành tìm kiếm từ mốc 5 đến mốc 6, thuộc xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) và đã thu giữ được trên 200 chiếc bẫy. Trong số đó, đa số bẫy được thiết kế từ phanh xe đạp và nhiều bẫy cùm, với mục đích bẫy các loài thú lớn.
Cần sự vào cuộc quyết liệt từ cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum (Ảnh: Doanhnhan.vn/ Du Nghĩa).
Để ngăn chặn tình trạng người dân vào rừng đặt bẫy, săn bắt động vật hoang dã một cách ồ ạt, ĐBP 705 đã gửi văn bản về tận xã Rờ Kơi, xã Mo Ray và trực tiếp tuyên truyền đến bà con nhân dân không được vào rừng săn bắt động vật hoang dã. Tuy nhiên, đa phần người dân là đồng bào dân tộc thiểu số nên người dân chấp hành chưa tốt.
Bên cạnh đó, ĐBP đã tổ chức, triển khai lực lượng dựng 5 lán bạt (1 chốt/6 cán bộ) để ngăn chặn người dân. Bên cạnh đó, thường xuyên tuần tra các đường mòn vào vườn để ngăn chặn hành vi đặt bẫy thú rừng.
Theo hồ sơ của ĐBP 705, chỉ trong 2 tháng (tháng 6 và 7), đơn vị đã phát hiện và bắt giữ 5 trường hợp đặt bẫy, săn bắt thú rừng trái phép. Tuy nhiên, đa số các trường hợp bị bắt là người đứng chân trên địa bàn xã Rờ Kơi nên rất khó xử lý. Đối với những trường hợp vi phạm, ĐBP cũng chỉ lập biên bản vi phạm, buộc người dân viết bản trường trình, cam kết không tái phạm và trả về cho địa phương.
Ngày 29/9, lực lượng ĐBP 705 trong lúc tuần tra, nhận thấy nhiều dấu hiệu bất thường và nghi ngờ A Thạo (trú tại xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy) đưa 3 đối tượng là Vi Bút Thưởng, Lò Minh Trung và Hà Văn Duẩn (trú tại huyện Ngọc Hồi) vào trong khu vực biên giới để săn bắt động vật hoang dã trái phép, cơ quan chức năng đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính.
Để chấm dứt nạn đặt bẫy, săn bắt động vật hoang dã trái phép trong Vườn quốc gia Chư Mom Ray ồ ạt và ngang nhiên như hiện nay, cần sự vào cuộc quyết liệt từ các cơ quan chức năng của tỉnh Kon Tum.