Mới đây, trên trang cá nhân của mình, Phó TGĐ FPT Đỗ Cao Bảo đã phân tích về thực trạng kinh tế Việt Nam, cụ thể là vấn đề liên quan tới phát triển kinh tế bền vững.
Mở đầu bài viết, ông Đỗ Cao Bảo nêu ra định nghĩa về khái niệm "phát triển kinh tế bền vững". Theo ông, người dân Việt Nam luôn có suy nghĩ "kinh tế Việt Nam tuy có tăng trưởng cao, nhưng không bền vững"
Chia sẻ của ông Đỗ Cao Bảo.
"Khi nói về tăng trưởng kinh tế (GDP, GDP trên đầu người), rất nhiều bạn quan tâm đến phát triển kinh tế bền vững. Có rất nhiều người Việt Nam ở trong nước lẫn hải ngoại nghĩ rằng kinh tế Việt Nam tuy có tăng trưởng cao, nhưng không bền vững.
Vậy thế giới người ta tính phát triển kinh tế bền vững theo những tiêu chí nào, sự thịnh vượng về kinh tế có phải là tiêu chí duy nhất hay không và Việt Nam đứng ở đâu trong bảng xếp hạng các quốc gia phát triển kinh tế bền vững?
Với quan điểm "phải chuyển được sự thịnh vượng kinh tế thành chất lượng cuộc sống thì tăng trưởng kinh tế mới có giá trị”, BCG (Boston Consulting Group), một tập đoàn tư vấn lớn của Mỹ đã đưa ra khái niệm phát triển kinh tế bền vững (Sustainable Economic Development Assessment) bao gồm 3 yếu tố nền tảng: Kinh tế, đầu tư và bền vững, thể hiện trên 10 tiêu chí: Thu nhập, Ổn định kinh tế, Việc làm, Y tế, Giáo dục, Cơ sở hạ tầng, Công bằng về thu nhập, Xã hội dân sự, Quản trị Nhà nước, Môi trường."
Ông Đỗ Cao Bảo - Phó Tổng Giám đốc Tập Đoàn FPT
Theo ông Đỗ Cao Bảo, khác với suy nghĩ của nhiều người, các tổ chức có uy tín trên thế giới đang đánh giá Việt Nam là một quốc gia có sự phát triển bền vững không hề thấp.
"Rất bất ngờ là trong bảng xếp hạng các quốc gia về phát triển kinh tế bền vững của BCG, Việt Nam lại là quốc gia có sự phát triển bền vững khá cao. Nếu như xếp hạng thuần tuý về mức sống, về thu nhập đầu người Việt Nam chỉ đứng thứ 116 (trên 152 nước), thì xếp hạng theo phát triển kinh tế bền vững Việt Nam lại xếp thứ 73 (cao hơn 43 hạng)."
Ông lấy dẫn chứng từ số liệu của tổ chức BCG (một tổ chức lớn của Mỹ), cho thấy trong bảng xếp hàng phát triển kinh tế bên vững năm 2018, Việt Nam có số điểm ngang với Trung Quốc (50,78 điểm), đứng số 1 ASEAN (khối các quốc gia Đông Nam Á) về tăng trưởng kinh tế bền vững 10 năm....
"Tóm tắt xếp hạng phát triển kinh tế bền vững 2018 của BCG như sau:
1. Việt Nam được 50,78 điểm xếp thứ 73 trên 152 nước (đứng số 1 là Na Uy 85,3 điểm, 82.390$, đứng thứ 152 là CH Trung Phi 16,1 điểm, 370$).
2. Có 43 quốc gia có giàu có hơn Việt Nam (từ 1.5-4.4 lần), nhưng lại có chỉ số phát triển bền vững kém Việt Nam, điển hình các nước Mexico, Peru, Ecuado, Dominica, Columbia, Paraguay, Iran, Lebanon, Nam Phi, Indonesia, Philippines....
3. Việt Nam và Trung Quốc cùng được 50,78 điểm, cùng bậc, mặc dù Trung Quốc giàu có gấp 4 lần.
4. Trong khu vực Asean, Việt Nam phát triển bền vững hơn Indonesia 18 bậc, hơn Philippines 25 bậc, bỏ xa hơn nữa Cambodia, Lào, Myanmar.
5. Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về tăng hạng trong bảng xếp hạng tăng trưởng bền vững 10 năm 2009-2018, sau Trung Quốc, trên Columbia, Indonesia, Ba Lan, Morocco.
6. Việt Nam đứng số 1 Asean về tăng trưởng phát triển kinh tế bền vững (10 năm 2009-2018), xếp trên Myanmar, Indonesia, Lào, Malaysia, Cambodia, Philippines, Brunei, Thái Lan, Singapore."
Ông Đỗ Cao Bảo kết luận:
"Như vậy chúng ta có thể yên tâm rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không những cao mà còn bền vững, những lo ngại về phát triển không bền vững là hoàn toàn không có cơ sở, nó thuần tuý cảm tính, không thể thuyết phục bằng các tính toán của BCG dựa trên 10 tiêu chí bao trùm cả kinh tế, đầu tư và bền vững, với phương pháp luận khoa học.
BCG là tập đoàn Mỹ, trụ sở ở Boston, có tuổi đời 55 năm, 16.000 nhân viên, có 90 chi nhánh ở 50 quốc gia, một trong 3 tổ chức tư vấn chiến lược đứng đầu thế giới.- Các tính toán của BCG dựa trên số liệu thống kê của WB, IMF, WHO, United Nation, Indices of Social Development..."
Chia sẻ của ông Đỗ Cao Bảo nhận được nhiều sự đồng tình của cộng đồng mạng. Tài khoản Facebook Cong Kien Chien bình luận: "Một bài viết hay, có số liệu rõ ràng."