Ngày pháp luật

Kinh doanh tụt lùi, SCIC muốn thoái vốn tại công ty Phim truyện I

Trung Hiếu

Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) cho biết sẽ thực hiện chào bán cạnh tranh toàn bộ 840.910 cổ phần CTCP Phim Truyện I, tương ứng 59,95% vốn tại cho nhà đầu tư trong nước.

Lý do sâu xa để SCIC sắp thoái hết vốn tại Phim Truyện I?
Lý do sâu xa để SCIC sắp thoái hết vốn tại Phim Truyện I?

Thoái gần 60% vốn tại hãng phim truyện

Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) chuẩn bị thực hiện chào bán cạnh tranh toàn bộ 840.910 cổ phần, tương ứng 59,95% vốn tại CTCP Phim truyện I cho nhà đầu tư trong nước. Tổng số cổ phần được gom lại thành một lô với giá khởi điểm hơn 8,86 tỷ đồng. Cả Công ty Phim truyện I có vốn điều lệ 14 tỷ đồng. Nhà đầu tư tham gia sẽ phải đặt cọc 10% giá trị lô cổ phần đăng ký mua tính theo giá khởi điểm chào bán cạnh tranh bằng đồng Việt Nam. Thời gian đăng ký và nộp tiền đặt cọc chậm nhất đến ngày 18/12/2023. CTCP Chứng khoán Dầu khí (HNX: PSI) là bên tổ chức tư vấn cho thương vụ này.

Về thời gian tổ chức chào bán, SCIC dự kiến sẽ thực hiện chào bán bắt đầu từ 9h ngày 26/12/2023. Thời gian nộp tiền mua cổ phần và hoàn trả tiền cọc đều diễn ra từ 26/12/2023 đến 02/01/2024.

Trước đó, phiên đấu giá cổ phần Phim Truyện I của SCIC vào ngày 7/11 đã không diễn ra thành công do đến hết thời hạn đăng ký và đặt cọc (16 giờ 00 phút ngày 31/10/2023) không có nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá lô cổ phần.

CTCP Phim Truyện I tiền thân là Hãng phim truyện I, được thành lập vào ngày 5/3/1990. Năm 2010, Hãng phim truyện I chuyển đổi thành CTCP Phim Truyện I, với gần 60% vốn của Nhà nước, là đơn vị cổ phần hóa đầu tiên của ngành điện ảnh. Từ năm 1998 đến nay, công ty có trụ sở tại ngõ 151 Hoàng Hoa Thám, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, TP. Hà Nội, do Cục Điện ảnh cho mượn.

Tại ngày 30/6/2023, Phim Truyện I có vốn điều lệ hơn 14 tỷ đồng, với ba cổ đông lớn bao gồm SCIC (59,95%), ông Trần Như Hưng – Phụ trách HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc sở hữu 15,54% và bà Nguyễn Hồng Phương Lan sở hữu 5,31%.

Với ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động sản xuất phim điện ảnh, phim video và các chương trình truyền hình, Phim truyện I được nhiều người biết thông qua các bộ phim truyện điện ảnh như Chuyện của Pao, Lưới Trời, Lính chiến, Phượng cháy, Miền núi và hải đảo…

Về tình hình kinh doanh, Phim Truyện I đang dần lấy lại sự tăng trưởng sau giai đoạn khó khăn. Theo đó, với ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, doanh thu Phim Truyện I năm 2020 chỉ đạt gần 5 tỷ đồng, lợi nhuận 0 đồng. Thậm chí, công ty đã lỗ ròng 9,2 triệu đồng trong năm 2021.

Đến năm 2022, tình hình khởi sắc khi công ty hoàn thành sản xuất bộ phim “Phượng Cháy”, thực hiện kết thúc giai đoạn I quay tiền kỳ phim truyện điện ảnh “Đào, Phở, và Piano” và thực hiện 2 số chương trình miền núi do Cục điện ảnh và Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch đặt hàng.

Doanh thu công ty theo đó đạt 13,1 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Lãi ròng 25,3 triệu đồng.Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản công ty vào thời điểm cuối năm 2022 đạt 15,1 tỷ đồng, tăng gần 17% so với số đầu kỳ. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm đến 10,4 tỷ đồng chủ yếu từ đối tác là Cục điện ảnh, bao gồm 10 tỷ đồng phải thu mới phát sinh liên quan đến dự án phim “Đào, Phở và Piano” và 380 triệu đồng phải thu tồn động từ năm trước liên quan đến dự án phim “Cảnh sát biển đảo”.

Năm 2023, Công ty đặt mục tiêu 20 tỷ đồng doanh thu thuần và 30 tỷ đồng lãi ròng, tăng lần lượt 24% và 16% so với thực hiện năm 2022.

Doanh thu SCIC tụt lùi gần 50%

Trong nửa đầu năm 2023, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đạt tổng doanh thu đạt 2.663 tỷ đồng, giảm mạnh 46% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 3.209 tỷ đồng, cũng giảm hơn 9% con số thực hiện cùng kỳ năm ngoái.

Thực tế, nguồn thu chính hàng năm của SCIC đến từ cổ tức và lợi nhuận được chia. Năm 2022, SCIC thu về 7.625 tỷ đồng từ cổ tức và lợi nhuận được chia, tăng 76% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, SCIC lại phải trích lập dự phòng giảm giá khoản đầu tư gần 3.420 tỷ và lỗ hơn 3.108 tỷ đồng từ công ty liên doanh liên kết. Kết quả, SCIC lãi ròng 3.074 tỷ đồng năm 2022, giảm hơn 63% so với năm 2021 và là mức thấp nhất kể từ khi công bố báo cáo tài chính (2013).

Trong 6 tháng đầu năm nay, SCIC đã tiếp nhận chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP (mã DVN). Phần vốn có giá trị 1.540 tỷ đồng, chiếm 65% tổng vốn điều lệ của DVN.

Đến 30/6/2023, danh mục doanh nghiệp của SCIC có 113 cái tên với tổng vốn nhà nước theo giá trị sổ sách là 49.353 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 168.121 tỷ đồng.

Theo danh sách thoái vốn đợt 1 của năm nay, SCIC dự kiến sẽ thoái 73 doanh nghiệp, bao gồm một số doanh nghiệp niêm yết trên HOSE và giao dịch trên UPCoM gồm CTCP Nhựa Bình Minh (mã BMP), Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex - mã SEA), Tổng Công ty Licogi (mã LIC) , CTCP Nhiệt điện Phả Lại (mã PPC), CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (mã HND), CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (mã QTP),...

SCIC tiếp tục tập trung thực hiện các biện pháp quản trị thông qua vai trò cổ đông nhà nước, tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động, xử lý tồn tại phát sinh tại các doanh nghiệp trong danh mục, đặc biệt là các Tập đoàn, Tổng công ty có quy mô vốn lớn, mới tiếp nhận có tình hình tài chính phức tạp.

Tin Cùng Chuyên Mục