Thành lập từ năm 1948, tiền thân là một công ty nhỏ lẻ, Honda từ cuối thập niên 1960 bắt đầu chiếm lĩnh thị trường xe máy thế giới. Nhắc đến Honda là nhắc đến xe máy, ô tô của hãng mãi đến năm 1972 mới chen chân được vào thị trường Mỹ nhờ cho ra đời chiếc Civic đúng thời điểm khủng hoảng kinh tế.
Chứng minh thế mạnh lâu đời
Dù đã có tiếng tăm hơn trong sản xuất ô tô với nhiều mẫu xe hơi thương hiệu Honda hoặc Acura (dòng xe hạng sang), hiện tại Honda ngày càng dựa nhiều vào ngành kinh doanh xe máy nền tảng để kiếm lợi nhuận. Điều này gây khó khăn lớn khi tập đoàn muốn đầu tư vào xe điện và tên lửa vũ trụ - xu thế tương lai mà nhiều đối thủ cạnh tranh trên thế giới đang theo đuổi.
Do tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn toàn cầu, Honda phải cắt giảm sản lượng ô tô. Tập đoàn dự báo lợi nhuận ròng hợp nhất năm 2021 (kết thúc tháng Ba năm sau) sẽ giảm 16% xuống còn 4,86 tỷ USD, khác với dự báo tăng trưởng lợi nhuận lạc quan trước đó.
Tuy nhiên, mảng sản xuất xe máy, nhất là loại xe máy nhỏ, lại hầu như không ảnh hưởng vì thiếu chip, hơn nữa lại bán chạy ở các nước đang phát triển. Nửa đầu năm 2021 (tính đến tháng 9), xe máy đem lại 1,3 tỷ USD lợi nhuận, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Honda giữ vững danh hiệu nhà sản xuất xe máy hàng đầu thế giới, khi chiếm đến 34% thị phần xe máy toàn cầu năm 2020. Nửa đầu năm nay, xe máy chỉ chiếm 15% doanh thu, so với con số 63% doanh thu ô tô, nhưng về mặt lợi nhuận đem về cho hãng, xe máy chiếm đến 34%, so với 27% của ô tô.
Mức siêu lợi nhuận của xe máy so với ô tô từ năm 2018 đã chứng minh đâu mới là “miếng bánh mì bơ” của Honda. Kinh doanh xe máy mang lại lợi nhuận thứ hai, sau mảng dịch vụ tài chính.
Vị thế số một nhờ chiến lược kinh doanh xe máy hiệu quả
Xe máy Honda mạnh về các xe tay ga và chiếc Super Cub biểu tượng của hãng. Những mẫu xe động cơ nhỏ như vậy chiếm tới 90% trong tổng số 15,13 triệu xe máy được bán ra trên toàn cầu trong năm 2020. Các thị trường cạnh tranh nhất của Honda là Đông Nam Á và Ấn Độ.
Tỷ suất lợi nhuận của Honda vượt xa đối thủ mạnh nhất, Hero MotoCorp của Ấn Độ, với tỷ lệ 9,9%. Xét về lợi nhuận trên mỗi chiếc xe máy bán ra, Honda rõ ràng ưu thế hơn hẳn, khi thu về 21.880 JPY (192 USD), so với 1.680 JPY (15 USD) của Suzuki và 7.410 JPY (65 USD) của Hero.
Lợi nhuận cao của xe máy đến từ việc hợp lý hóa quá trình phát triển và sản xuất. Honda chủ động phát triển các bộ phận dùng chung cho xe máy bán ở Đông Nam Á từ năm 2012. Hiện 90% xe tay ga được trang bị cùng loại động cơ và 50% dùng chung bộ khung. Bộ phận phát triển và sản xuất cũng được hợp nhất gọn gàng, nâng cao năng lực và hiệu quả.
Ngoài ra, Honda cũng biết nắm bắt nhu cầu thị trường và duy trì sức hấp dẫn của thương hiệu với người tiêu dùng. Các thiết kế xe máy dành cho các thị trường mới nổi đều được phát triển tại Nhật Bản, sau đó gửi đến Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia để sửa đổi cho phù hợp với nhu cầu địa phương. Tại Thái Lan, bắt đầu từ năm 2018, Honda mở các đại lý xe máy kết hợp quán cà phê, thu hút người mua trẻ tuổi.
“Nhu cầu sử dụng xe máy khác nhau tùy thu nhập, mức độ đi lại và giải trí của từng quốc gia. Nhờ thị phần số một và vô số đại lý, chúng tôi dễ dàng thu thập ý kiến của người tiêu dùng”, Nobuhide Nagata, Giám đốc kế hoạch về xe máy của Honda cho biết.
Thách thức với Honda khi chuyển hướng kinh doanh
Mặc dù chứng minh được hiệu quả, nhưng mảng xe máy của Honda không được đầu tư vốn nhiều cho nghiên cứu và phát triển. Theo Nikkei Asian Review, mức đầu tư cho xe máy chỉ bằng 1/10 mức đầu tư vào ô tô. Trong khi đó, thị phần xe máy của các đối thủ đang tăng lên. Các đối thủ Ấn Độ đang tung ra nhiều mẫu xe bình dân giá chỉ khoảng 1.075 USD bán khắp Ấn Độ và các nước châu Phi. Trong 10 năm gần đây, thị phần của Hero tăng 3 điểm phần trăm lên 13%, Bajaj Auto tăng lên 8%.
Với thách thức giảm xả thải carbon, phản hồi của Honda trong mảng xe máy và ô tô cũng khác biệt. Honda cam kết ngừng bán ô tô chạy xăng mới vào năm 2040, chỉ sản xuất xe chạy hoàn toàn bằng điện. Tuy nhiên, đối với xe máy, hãng chỉ “phấn đấu đạt tới trung hòa carbon cho tất cả các sản phẩm” vào năm 2050. Trong khi đã bán ra nhiều dòng ô tô điện, bốn mẫu xe máy điện được Honda tuyên bố sẽ ra mắt trước năm 2024.
Ngược lại, Yamaha tuyên bố sẽ sản xuất 90% xe máy của mình hoàn toàn bằng điện vào năm 2050. Vào tháng Mười, Kawasaki cho biết họ sẽ điện khí hóa gần như toàn bộ xe máy vào năm 2035. Các công ty khởi nghiệp của Mỹ và châu Á cũng đang đổ xô phát triển xe máy điện, nhấn mạnh khả năng Honda không theo đuổi mảng xe máy điện.
“Các loại xe máy nhỏ cuối cùng sẽ phải đối mặt với áp lực điện khí hóa. Việc Honda phân bổ đầu tư vào xe máy như thế nào khi phải khôi phục hoạt động kinh doanh ô tô sẽ là thách thức”, theo Seiji Sugiura tại Viện nghiên cứu Tokai Tokyo.
Honda đã theo đuổi các chiến lược mới kể từ khi Toshihiro Mibe nhậm chức chủ tịch vào tháng Tư, bao gồm điện khí hóa xe chở khách và thâm nhập vào lĩnh vực tên lửa vũ trụ - cả hai đều đòi hỏi vốn đầu tư lớn.