Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4 (mã CK: C4G) thông báo sẽ chốt danh sách cổ đông phát hành hơn 112,3 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu vào ngày 21/1.
Tỷ lệ phát hành 1:1, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1 quyền mua, cứ 1 quyền mua được mua 1 cổ phiếu mới. Giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến huy động 1.123 tỷ đồng. Thời gian nhận đăng ký mua và tiền mua cổ phiếu từ 7/2 đến 28/2/2022.
Dự kiến sau phát hành Cienco4 sẽ tăng vốn điều lệ gấp đôi, lên gần 2.250 tỷ đồng. Số tiền thu về nếu C4G thành công bán hết lượng cổ phiếu mới là gần 1.124 tỷ đồng, sẽ được sử dụng để thanh toán các khoản, trong đó dùng 500 tỷ đồng thanh toán các khoản nợ vay ngân hàng, 130 tỷ đồng thanh toán các khoản nợ vay cá nhân; 100 tỷ đồng thanh toán các khoản công nợ dự kiến phải trả cho các nhà thầu phụ và nhà cung cấp vật tư; còn lại gần 394 tỷ đồng nhằm bổ sung vốn lưu động (thanh toán tiền mua NVL, vật tư, ứng trước cho nhà thầu...)
Hồi tháng 10 vừa qua, C4G vừa hoàn tát phát hành khoảng 6,4 triệu cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 6%. Giá trị phát hành theo mệnh giá 63,6 tỷ đồng, qua đó tăng vốn điều lệ lên mức 1.124 tỷ đồng như hiện tại.
Về tình hình kinh doanh, trong quý III, C4G báo lãi giảm 36% so với cùng kỳ xuống còn gần 11 tỷ đồng dù doanh thu vẫn tăng 34% lên mức 460 tỷ đồng. Nguyên nhân do giá vốn tăng mạnh hơn khiến tỷ suất lợi nhuận gộp co lại từ 16% xuống 14% bên cạnh doanh thu tài chính sụt giảm mạnh.
Tuy nhiên, nhờ kết quả khả quan trong nửa đầu năm, C4G vẫn ghi nhận tăng trưởng dương sau 9 tháng với doanh thu đạt 1.495 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 56 tỷ đồng, lần lượt tăng 15% và 4% so với cùng kỳ. Với kết quả này, công ty mới chỉ thực hiện được 28% kế hoạch lợi nhuận cả năm và khó có thể về đích nếu không đột biến trong quý cuối cùng.
Bên cạnh đó, C4G cũng gặp vấn đề với dòng tiền khi lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh 9 tháng âm hơn 14 tỷ đồng trong khi cùng kỳ vẫn dương hơn 88 tỷ đồng. Dòng tiền hoạt động đầu tư và tài chính cũng âm khiến số dư tiền cuối kỳ của doanh nghiệp này giảm hơn một nửa xuống còn gần 95 tỷ đồng vào cuối tháng 9.
Mặt khác, tồn kho của C4G lại tăng mạnh từ 632 tỷ đồng đầu năm lên 1.293 tỷ đồng vào cuối quý III trong đó chi phí sản xuất kinh doanh dở dang chiếm tới 1.266 tỷ đồng chủ yếu nằm tại các công trình Bến Thành – Suối Tiên, công trình Cầu Hiếu 2, dự án Khu đô thị Long Sơn, dự án Khu đô thị T&C – 61 Nguyễn Trường Tộ, công trình cải tạo sân bay Tân Sân Nhất.
Tình hình kinh doanh không mấy khả quan, việc cổ phiếu C4G tăng nóng lại được gắn với câu chuyện đầu tư công. Chứng khoán VDSC cho ràng, các doanh nghiệp xây dựng trong thời gian dài hạn sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhờ biện pháp đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ. Nếu các dự án quy mô lớn được triển khai thì đây sẽ là động lực giúp thúc đẩy ngành xây dựng trong những năm tới.
Dù vậy, cần phải lưu ý thêm rằng, tốc độ giải ngân đầu tư công vẫn còn khá chậm và những tác động tích cực đến hoạt động của các doanh nghiệp xây dựng sẽ đến trong dài hạn. Giá cổ phiếu tăng sốc trong ngắn hạn có thể đã phản ánh quá đà triển vọng này.