Kinh doanh BĐS gặp khó
Năm 2023, Nhà Đà Nẵng lên kế hoạch có lãi trở lại sau năm 2022 kinh doanh thua lỗ gần 143 tỷ đồng. Cụ thể, năm nay, Công ty dự kiến đạt doanh thu 387,79 tỷ đồng (tăng 569,6% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế gần 160 tỷ đồng.
Mặc dù đặt mục tiêu có lãi năm 2023 nhưng mảng kinh doanh chính của Nhà Đà Nẵng là BĐS thì công ty này không đề cập tới kế hoạch đầu tư dự án mới trong năm 2023, mà chủ yếu là tiếp tục hoàn thiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn liền tài sản đối với cá nhân, tổ chức sở hữu căn hộ Monarchy Block B và tiếp tục bàn giao các căn hộ đủ điều kiện.
Dự án Monarchy Block B có vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng, Công ty đã xây dựng xong và bàn giao, ghi nhận lợi nhuận chủ yếu trong những năm trước.
Hiện Nhà Đà Nẵng có kế hoạch triển khai dự án mới là Paracel tại đường Phan Đăng Lưu, TP. Đà Nẵng, với tổng vốn đầu tư 450 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án có dấu hiệu chậm triển khai trong nhiều năm, đặc biệt từ khi cựu Tổng giám đốc Nguyễn Quang Trung bị bắt cuối năm 2021.
Tính đến cuối năm 2022, chi phí xây dựng cơ bản dở dang của dự án Paracel là 11,2 tỷ đồng và tính tới 31/3/2023, con số này vẫn giữ nguyên. Như vậy, dự án mới chậm triển khai kéo dài.
Nhà Đà Nẵng là doanh nghiệp bất động sản theo dự án, mỗi giai đoạn, Công ty sẽ triển khai 1 dự án. Tuy nhiên, từ năm 2021 tới nay, doanh nghiệp chưa triển khai dự án mới, sau khi bàn giao dự án Monarchy Block B, điều này dẫn tới nguy cơ thiếu hụt lợi nhuận từ mảng bất động sản trong những năm tới.
Nâng đầu tư vào chứng khoán
Đối với lĩnh vực đầu tư chứng khoán, trong năm 2022, Nhà Đà Nẵng ghi nhận lỗ 114,5 tỷ đồng và trích lập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán 63,5 tỷ đồng, tổng lỗ và dự phòng đầu tư chứng khoán trong năm qua là 178 tỷ đồng.
Tính tới 31/12/2022, tổng danh mục đầu tư chứng khoán của Nhà Đà Nẵng là 310,4 tỷ đồng, chiếm 20,7% tổng tài sản. Trong đó, Công ty đã trích lập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán 86,7 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ 27,9% tổng danh mục.
Trong quý I/2023, Nhà Đà Nẵng đầu tư thêm hơn 55 tỷ đồng vào thị trường chứng khoán, nâng tổng giá trị lên 365,6 tỷ đồng, chiếm 26,1% tổng tài sản. Trong đó, Công ty đã trích lập dự phòng đầu tư chứng khoán 49,5 tỷ đồng, chiếm 13,6% tổng danh mục.
Danh mục đầu tư chứng khoán của Nhà Đà Nẵng chủ yếu là cổ phiếu VHM và HPG. Cụ thể, Công ty đầu tư 172,3 tỷ đồng vào VHM (trích lập dự phòng 29,1 tỷ đồng) và 78,5 tỷ đồng vào cổ phiếu HPG; tiếp theo là đầu tư gần 36 tỷ đồng vào cổ phiếu TCB (trích lập 16,2 tỷ đồng), 23,5 tỷ đồng vào cổ phiếu DGC, 17,6 tỷ đồng vào cổ phiếu MWG (trích lập 0,32 tỷ đồng), 14 tỷ đồng vào cổ phiếu cổ phiếu VND…
Trong quý đầu năm 2023, Nhà Đà Nẵng đầu tư mới cổ phiếu VND, STB, MWG, DGC và bán ra cổ phiếu AMV. Công ty chia sẻ, định hướng đầu tư chứng khoán năm 2023 là tái cơ cấu danh mục đầu tư, tập trung vào các doanh nghiệp có cấu trúc tài chính an toàn, nhiều tiền mặt, giá cổ phiếu tiệm cận giá trị sổ sách và có tiềm năng tăng trưởng mạnh.
Có thể thấy, trong bối cảnh hoạt động kinh doanh bất động sản thiếu hụt dự án mới, Nhà Đà Nẵng tiếp tục đặt kỳ vọng vào hoạt động đầu tư chứng khoán.
Tính tới 31/12/2022, Nhà Đà Nẵng có 91,52% vốn điều lệ thuộc về các cổ đông nhỏ, chỉ có 1 cổ đông lớn là ông Nguyễn Quang Trung với tỷ lệ sở hữu 8,48%.
Trước đó, sau khi ông Nguyễn Quang Trung bị bắt, vào ngày 25/6/2022, Nhà Đà Nẵng tổ chức Đại hội cổ đông năm 2022. Tuy nhiên, đại hội chỉ có 28 cổ đông tham dự, đại diện cho 25,1 triệu cổ phiếu, tương ứng chiếm 35,05% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Căn cứ Khoản 1, Điều 19, Điều lệ Nhà Đà Nẵng (đại hội cổ đông được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện cho ít nhất 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết), đại hội lần đầu năm 2023 không thể tổ chức. Ngay sau đó, Công ty quyết định tổ chức đại hội cổ đông lần 2, vào 14h cùng ngày. Tuy vẫn chỉ có 35,05% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự, tức không có thêm cổ đông tham gia, nhưng theo điều lệ Công ty, cuộc họp này vẫn được tiến hành (chỉ cần 33% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự).
Từ đầu năm 2023 tới nay, Nhà Đà Nẵng không có thêm cổ đông lớn, tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi bên ngoài duy trì ở mức 91,52% vốn điều lệ.