Bản báo cáo "EVN Đối diện tương lai: Thời cơ để triển khai đúng cách nguồn điện tái tạo" được Viện kinh tế năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA) công bố mới đây đã phân tích tình hình tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong 5 năm qua, đồng thời đưa ra 3 kịch bản tăng giá điện trong thời gian tới.
Theo IEEFA, doanh thu thuần năm 2019 của EVN đạt 394.900 tỷ đồng (khoảng 16,9 tỷ USD). Nhưng lợi nhuận của tập đoàn rất khiêm tốn do chí phí mua điện phát sinh hàng năm rất lớn. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu năm 2019 của EVN chỉ đạt 3,1% và tập đoàn buộc phải duy trì lãi hàng năm nhờ vào việc tăng giá điện.
Nguồn vốn trong nước cạt kiệt, không thể tiếp cận nguồn vay quốc tế khiến EVN không duy trì được thị phần công suất nguồn điện trên thị trường. Công suất nguồn điện do EVN sở hữu đã giảm từ 61% xuống 52%, gia tăng lệ thuộc vào các nguồn cung từ các dự án độc lập, đẩy chi phí mua điện của EVN sẽ tăng 70,5% từ 2021 đến 2023, chạm mốc 335.300 tỷ đồng - tương ứng 60% chi phí hoạt động của tập đoàn.
"Hệ quả của tình trạng này là thay vì đi vay để mở rộng tài sản nền của bản thân, EVN nay phải đối mặt với nguy cơ nếu giá điện tăng không đủ nhanh thì tập đoàn sẽ phải đi vay nợ để chi trả cho các khoản thanh toán IPP ngày một lớn", báo cáo cho hay.
Trong ba kịch bản kinh doanh của EVN được IEEFA đưa ra, biến số nhạy cảm nhất được tính đến của tập đoàn này chính là giá điện. Ở kịch bản thấp, đơn vị này sẽ tăng giá điện 2% mỗi năm từ 2021 đến 2023. Mức tăng này sẽ khiến ông lớn ngành điện bị lỗ vào năm 2021 và 2023 do nguồn điện than, khí và năng lượng tái tạo hòa lưới. Dự trữ tiền mặt cũng sẽ bị bào mòn.
Trong khi đó, với kịch bản cơ sở, giá điện trong 3 năm tới đều tăng 3,6%. Mức này giúp lợi nhuận ròng của EVN thổi lên mức 5.200 tỷ vào năm 2021, tăng mạnh nhất vào năm 2022 với hơn 15.000 tỷ đồng.
Ở kịch bản tích cực nhất, giá điện tăng mạnh 6% vào năm 2021, tiếp theo là 2% và 3% vào 2 năm tiếp sau, lợi nhuận ròng và dự trữ tiền mặt của EVN gia tăng đáng kể. Lượng tiền mặt ròng là mà ông lớn ngành điện đạt được vào năm 2021 đã là 13.500 tỷ đồng (579 triệu USD) và tăng tiếp lên 18.800 tỷ đồng (khoảng 800 triệu USD) vào năm 2022 so với kịch bản cơ sở.
Báo cáo của IEEFA còn chỉ ra, tài chính của EVN sẽ ảnh hưởng nếu giá điện không điều chỉnh thường xuyên do thường gặp rủi ro lớn về thủy văn, tiền tệ và nhu cầu tiêu thụ điện. Dẫu vậy, kịch bản tăng giá điện là rất khó, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế và cuộc sống người dân.
Trước đó, giá điện trung bình thực tế đã tăng 12,6% trong hai năm 2018 và 2019. EVN cũng đã có kế hoạch cho một đợt tăng giá vào đầu năm 2020 nhưng không được Thủ tướng chấp thuận do dịch Covid-19 bùng phát. Cho tới thời điểm hiện tại, đơn vị này vẫn giữ nguyên giá và giảm 10% hóa đơn tiền điện cho khách hàng từ tháng 4 - 7.
Động thái trên đã khiến tài khoản EVN bốc hơi khoảng 6.800 tỷ đồng (291 triệu USD) trong quý II/2020, tương đương 1,7% doanh thu năm 2019.