Ngày pháp luật

"'Không tưởng tượng được 100 ngàn mua được 3 cân thịt heo"

Phi Hùng

Đó là bình luận được Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan đưa ra tại cuộc tọa đàm công bố báo cáo kinh tế vĩ mô của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) diễn ra chiều 10/7.

Đứng trước tình trạng rớt giá tiêu thụ khó khăn, nhiều hộ chăn nuôi khu vực ĐBSCL đã tự “giải cứu” bằng cách làm thịt heo đem ra vỉa hè bán.
Đứng trước tình trạng rớt giá tiêu thụ khó khăn, nhiều hộ chăn nuôi khu vực ĐBSCL đã tự “giải cứu” bằng cách làm thịt heo đem ra vỉa hè bán.

Theo VEPR, bước sang Quý 2, kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu hồi phục tích cực với mức tăng trưởng cao. Và nông nghiệp tăng trưởng tốt được cho là động lực chính đóng góp vào sự phục hồi đà tăng trưởng trong Quý này. 

Tuy nhiên, nhận xét về chất lượng tăng trưởng của ngành này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đưa ra quan điểm rằng, nông nghiệp 6 tháng năm nay sỡ dĩ tăng trưởng tốt là do không bị thiên tai nặng nề như năm ngoái. Nhưng theo bà Lan, ngành nông nghiệp trong năm nay lại rơi vào một nghịch lý lớn là tình trạng sản xuất dư thừa. 

“Thừa hết mặt hàng nọ đến mặt hàng kia, giải cứu mặt hàng này tới mặt hàng khác. Chứng tỏ nông nghiệp của chúng ta vẫn chưa phát triển được theo định hướng của thị trường, theo nhu cầu của thị trường. Giữa phát triển nông nghiệp, tăng trưởng của nông nghiệp với thị trường vẫn là một khoảng cách xa”- Chuyên gia này nói. 

Dưới góc nhìn của nhà nghiên cứu kinh tế, bà Lan cho rằng, thời gian qua điều kiện có thể đỡ hơn về mặt thiên tai, nhưng dường như chúng ta lại “thúc” tăng trưởng về số lượng mà bất chấp nhu cầu của thị trường có cần hay không.

“Nghịch lý hàng ngày mà chúng ta đang nhìn thấy là người chăn nuôi tại nhiều nơi khác nhau ở miền Nam bày bán ven đô  từng tảng thịt heo với giá 100 ngàn cho 3 cân. Đó là cái mà tôi không thể tưởng tượng được và chưa biết nó còn kéo dài đến bao giờ đây. Những chuyện như vậy không biết còn lan sang mặt hàng nào khác tới đây”- Chuyên gia kinh tế nổi tiếng này lo ngại. 

Cũng theo chuyên gia Phạm Chi Lan, việc tìm đầu ra cho nông sản ở thị trường trong nước đã khó, xuất khẩu còn khó hơn bởi nông nghiệp hiện vẫn chưa giải được bài toán về chất lượng, về vệ sinh ATTP để tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong và ngoài nước. Vì thế, Bà Lan đề nghị trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà cần phải xem lại một cách rất tổng thể, để có những hướng dẫn, sắp xếp một cách cơ bản không để kéo dài tình trạng như hiện nay. 

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cảnh báo khó khăn về thị trường trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ còn “dội” vào và nông nghiệp nên chưa chắc các tháng cuối năm ngành này sẽ giữ được mức tăng trưởng  2,65% như đã đạt được trong 6 tháng đầu năm. Ngoài ra, nông nghiệp khó khăn cũng sẽ có ảnh hưởng lớn đến việc thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào ngành này bởi tâm lý dè dặt, không yên tâm. 

Như trước đó Báo PLVN đã thông tin, hậu “giải cứu”, giá heo hơi ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn “tụt dốc” khiến người chăn nuôi lao đao bỏ chuồng, không tái đàn. Theo đó, sau những đợt “giải cứu”, giá heo hơi tại các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL lại tiếp tục giảm từ 2.000 - 5.000 đồng/kg. Tại các tỉnh Vĩnh Long, Kiên Giang, Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre, TP Cần Thơ… giá heo hơi chỉ còn 2 - 2,3 triệu đồng/tạ và có chiều hướng tiếp tục giảm; trong khi trước đó khoảng 1 tháng giá dao động ở mức 2,4 - 2,7 triệu đồng/tạ.