Ngày pháp luật

Không ngại lớn khi doanh nghiệp có chiến lược rõ ràng

Vân Khánh

Là doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam về phân phối mỹ phẩm chăm sóc tóc chuyên nghiệp, Công ty Cổ phần Mỹ phẩm Salonzo đã từng bước phát triển rực rỡ bởi “chiến lược tài ba” của Tổng Giám đốc Trần Hoàn Sinh.

 
Khi doanh nghiệp phát triển quá lớn, họ không có khả năng quản trị hệ thống chuyên nghiệp sẽ dẫn đến việc thất bại trong kinh doanh…

Trong giới kinh doanh nói chung và đặc biệt trong ngành mỹ phẩm tóc nói riêng, ông được mệnh danh là người mang ngọn lửa cho Vietnam Top Hairstylist Group. Ông có thể chia sẻ niềm vui này với độc giả DN & PL?

- Vietnam Top Hairstylist Group là tổ chức được thành lập từ các thành viên được vào Vòng chung kết của Cuộc thi Vietnam Top Hairstylist các kỳ. Ngay từ khi tổ chức Vietnam Top Hairstylist lần đầu tiên vào năm 2013, chúng tôi đã xác định một trong những sứ mệnh quan trọng của cuộc thi là tìm kiếm, phát triển các tài năng trẻ trong ngành tóc. Vì vậy, khi nhìn thấy các bạn trẻ trưởng thành sau cuộc thi và tạo lập thành nhóm để có định hướng phát triển tốt hơn cho ngành tóc thì đây là niềm hạnh phúc rất lớn đối với tôi.

Không ngại lớn khi doanh nghiệp có chiến lược rõ ràng - Ảnh 1

 

Trong quá trình “chèo lái” con thuyền Salonzo vững bước đi lên, ông đã phải trải qua những khó khăn gì?

- Khó khăn thì rất nhiều, nhưng tôi tập trung nói về 2 giai đoạn. Trong giai đoạn mới thành lập, khó khăn lớn nhất là làm thế nào để tìm được hướng đi đúng đắn cho công ty, vì khi kinh doanh mỹ phẩm tóc, tôi không có một chút kinh nghiệm nào trong lĩnh vực này nên phải mày mò, học hỏi tìm hướng đi, sản phẩm… phù hợp với thị trường. Thời gian đầu có những lúc doanh số bán hàng không đủ để trả lương cho cán bộ nhân viên công ty.

Tiếp theo là giai đoạn phát triển. Khó khăn lớn nhất trong giai đoạn này là nhân sự vì khi đó dù đã có hướng đi đúng, nhưng cần có nhân sự tốt để triển khai các kế hoạch phát triển của mình. Mỹ phẩm chăm sóc tóc chuyên nghiệp là một ngành đặc thù nên làm tốt được công việc này rất hiếm và cần khá nhiều thời gian đào tạo. Vì vậy, người có kỹ năng thì thái độ không tốt, người có thái độ tốt thì yếu kỹ năng, khi đào tạo được rồi thì lại chuyển công tác nên việc sàng lọc để có người phù hợp với văn hóa công ty là cả một quá trình dài và thách thức.

Việc phát triển, mở rộng thương hiệu lên một tầm cao mới là điều mà nhiều doanh nghiệp hướng tới, nhưng hiện nay phần lớn doanh nghiệp lại có xu thế “không muốn lớn”. Vậy theo ông đâu là trở ngại với họ?

- Việc các doanh nghiệp Việt Nam “ngại lớn” có một số nguyên nhân:

Đầu tiên phải nói đến là do hành lang pháp lý của chúng ta chưa đủ tốt để các doanh nghiệp cảm thấy an toàn khi phát triển kinh doanh. Các quy định của pháp luật còn bị chồng chéo dẫn đến việc doanh nghiệp rất khó để hoạt động minh bạch. Khi hoạt động không minh bạch, cơ quan quản lý Nhà nước tới kiểm tra thì việc vướng vào vòng pháp lý là điều không thể tránh khỏi.

Tiếp theo là năng lực quản trị của chủ doanh nghiệp. Đất nước ta chuyển mình từ kinh tế bao cấp Xã hội chủ nghĩa (XHCN) sang kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, chính vì vậy, rất ít chủ doanh nghiệp được đào tạo bài bản về quản trị kinh doanh, quản lý kinh tế. Khi doanh nghiệp phát triển quá lớn, họ không có khả năng quản trị hệ thống một cách chuyên nghiệp sẽ dẫn đến việc thất bại trong kinh doanh.

Không ngại lớn khi doanh nghiệp có chiến lược rõ ràng - Ảnh 2

 

Cuối cùng là vấn đề nguồn nhân lực. Tôi làm kinh doanh nhiều năm, tuyển dụng và quản lý nhiều nhân sự đã thấy rằng chất lượng nhân sự của Việt Nam rất thấp, thiếu tính cam kết và chuyên nghiệp trong công việc, thiếu các kỹ năng làm việc chuyên nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp phát triển lớn thường phải tự đào tạo sự nguồn cho doanh nghiệp của mình. Đây là việc cần rất nhiều thời gian, tâm huyết, ảnh hưởng đến tiến độ và chiến lược phát triển của doanh nghiệp.

Với Công ty Cổ phần Mỹ phẩm Salonzo, ông đã điều hành doanh nghiệp thế nào để có thể phát triển bền vững?

- Công ty tôi đã đưa ra chiến lược rất rõ ràng ngay từ ngày đầu thành lập để phát triển một cách chắc chắn, bền vững như:

Về pháp lý, luôn tuân thủ các quy định của pháp luật trong kinh doanh. Công ty Salonzo kinh doanh mỹ phẩm là lĩnh vực khá nhạy cảm, nhưng tất cả các sản phẩm của chúng tôi đều được nhập khẩu chính hãng từ châu Âu và có đầy đủ giấp phép của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế.

Về hệ thống, chúng tôi đã triển khai hệ thống phần mềm quản trị doanh nghiệp tổng thể (ERP) để cập nhật, phân tích và đưa ra các quyết định quản trị dựa trên phân tích của phần mềm. Điều này giúp cho hệ thống kinh doanh của chúng tôi được quản lý chặt chẽ và phát triển bền vững.

Về nhân sự, chúng tôi chú trọng vào việc đào tạo và phát triển con người dựa trên giá trị cốt lõi của văn hóa 5T (Trung – Thân – Tiến – Tôn – Tín) để tạo ra một đội ngũ nhân sự văn minh, chuyên nghiệp. Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ trở thành doanh nghiệp đứng đầu thị trường mỹ phẩm chăm sóc tóc chuyên nghiệp.

Ngoài ra, để phát triển bền vững trong lĩnh vực này, theo tôi cần đạt được 3 tiêu chí: Chất lượng sản phẩm và dịch vụ phải rất tốt; Marketing và truyền thông phải làm chuyên nghiệp; Đào tạo cho khách hàng và tạo nguồn lực cho ngành nghề bài bản. 

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ hợp tác với các Học viện nước ngoài để thành lập Học viện quốc tế dạy nghề tóc tại Việt Nam.

Tin Cùng Chuyên Mục