Không lâu sau khi nhà sáng lập Apple, ông Steve Jobs, tuyển ông Tim Cook vào vị trí giám sát chuỗi cung ứng của Apple tại Mỹ, ông Tim Cook đã đưa ra quyết định táo bạo. Chỉ trong vòng 2 năm, ông bắt đầu chuyển nhà xưởng của Apple ra khỏi Mỹ và thuê gia công tại Trung Quốc .
Theo báo Nikkei, quyết định của ông đã giúp giảm chi phí và giúp cho Apple có thêm tài nguyên để phát triển thế hệ sản phẩm tiếp theo, bao gồm iPod và iPhone. Ngoài ra, ông cũng giúp tạo ra một cơ sở sản xuất đầy tính cạnh tranh, hệ thống này có khả năng huy động hàng trăm nghìn công nhân chỉ bằng một cuộc điện thoại.
Tuy nhiên, 8 năm sau khi ông Cook trở thành CEO của Apple, người ta đang không khỏi hoài nghi về chiến lược này.
Chiến lược sản xuất kiểu này không khỏi khiến cho Apple dễ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh mà chuỗi cung ứng phức hợp mà Apple xây dựng tại Trung Quốc trong 20 năm qua đã tạo ra một trong những đối thủ lớn nhất của hãng: Huawei Technologies.
Thông tin mới công bố trong tuần này cho thấy công ty Trung Quốc này đã bám sát Apple trong cuộc chạy đua bán điện thoại cho người tiêu dùng, Huawei đã suýt vượt Apple để trở thành công ty điện thoại thông minh lớn thứ 2 trên thế giới. Hoạt động kinh doanh điện thoại của Apple đã tăng trưởng ấn tượng dù ngành này đang chững lại chưa từng thấy.
Tuy nhiên, việc Apple thất bại trong đa dạng địa điểm sản xuất ra ngoài Trung Quốc đã khiến Apple quá phụ thuộc vào một đất nước mà mức lương đang tăng nhanh chóng, và đây cũng chính là nơi mà Huawei có lợi thế cạnh tranh.
Chuyên gia phân tích thị trường kỳ cựu tại GF Securities, ông Jeff Pu, nhận xét: “Chuỗi cung ứng quy mô lớn và hoàn chỉnh vốn giữ vai trò quyết định với sự phát triển và thành công của hãng sản xuất điện thoại Apple đã tạo ra một hệ thống quá lớn để chuyển sang một nơi nào khác”.
Và Apple cũng không phải công ty duy nhất chạy đua để đến Trung Quốc. Thế nhưng Apple đã chậm hơn các hãng khác khi nhận ra sự rủi ro của việc bành trướng sản xuất ở Trung Quốc. Samsung Electronics đã nhận ra rủi ro từ việc tập trung mọi nguồn lực sản xuât ở Trung Quốc.
Sau khi mở rộng tại Trung Quốc vào thập niên 1990, từ năm 2008, Samsung đã bắt đầu xây dựng cơ sở sản xuất ở Việt Nam.
Ông Pu nhấn mạnh rằng CEO Apple đã quan tâm đến việc tăng cường hiệu quả của chuỗi cung ứng thay cho việc xem xét đến những rủi ro tiềm tàng.
Từ khi lên nhận vị trí cao nhất tại Apple vào năm 2011, ông Cook đã thâm nhập sâu hơn vào Trung Quốc, theo phân tích của Nikkei. Cùng lúc đó, Apple tiếp tục chuyển hướng sản xuất hơn nữa ra khỏi Mỹ.
Apple công bố rằng khoảng 200 nhà cung cấp lớn nhất của Apple chiếm khoảng 98% tổng chi tiêu của hoạt động cung ứng. Năm 2017, theo số liệu công bố mới nhất, khoảng 75% nhà cung cấp trên có ít nhất một nhà máy sản xuất tại Trung Quốc còn khoảng 22% có khoảng từ 3 nhà máy trở lên.
Như vậy tổng số các nhà cung cấp của Apple có khoảng 356 cơ sở sản xuất tại Trung Quốc, sản xuất linh kiện hoặc lắp ráp. Tỷ lệ này cao hơn 7% so với năm 2012.
Có bằng chứng ban đầu cho thấy Apple và các nhà cung cấp của nước này lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ đã bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về việc đa dạng hóa chiến lược sản xuất. Theo phân tích của Nikkei, Apple đang tăng thêm các cơ sở sản xuất tại Ấn Độ và Việt Nam. Thế nhưng tỷ lệ sản xuất được chuyển đi vẫn còn rất nhỏ.
Cùng lúc đó, một số công ty lắp ráp lớn của iPhone ví như Foxconn, được biết đến với cái tên Hon Hai Precision Industry và Pegatron đang phát đi tín hiệu sẽ đa dạng sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Cho đến nay, quá trình dịch chuyển sản xuất quá phức tạp và tốn kém chi phí khiến cho Apple không thể làm nhanh được.