Sở Xây dựng Hà Nội vừa công bố danh sách 372 hộ gia đình được mua nhà tái định cư nhưng chưa liên hệ với Ban quản lý các công trình nhà ở và công sở ký hợp đồng mua bán nhà. Số hộ này cũng chưa nộp tiền và nhận nhà.
Thực tế, theo tìm hiểu của VnExpress, hầu hết chủ các căn hộ tái định cư chờ rao bán nhà, nếu có người mua mới đến làm thủ tục nhận. Chưa kể, giao dịch ở phân khúc nhà tái định cư rất thấp khiến nhiều chủ căn hộ không mặn mà nộp tiền để nhận bàn giao.
Anh Tuấn, môi giới đang rao bán một căn hộ tái định cư tại Hoàng Cầu với giá 30 triệu đồng mỗi m2. Trong khi đó, giá gốc của những căn tái định cư này mua từ chủ đầu tư chỉ 14,5-16 triệu đồng mỗi m2. Theo đó, với căn hộ hơn 60 m2, người mua phải trả tiền chênh xấp xỉ một tỷ đồng. Khoản chênh này gồm cả phần thu nhập của chủ căn hộ và môi giới.
|
Những tòa nhà tái định cư tại Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Giang Huy |
Môi giới tên Tuấn này cho biết, hiện các căn hộ trong dự án đã được chủ đầu tư cấp sổ đỏ. Tuy nhiên một số căn chưa nộp tiền nên chưa được nhận sổ.
"Những chủ nhà này thường không có đủ tài chính để nộp cho chủ đầu tư. Vì thế, họ rao bán căn hộ đến khi gặp khách và đồng ý giao dịch thì mới lên nộp tiền và làm thủ tục nhận căn hộ, làm sổ đỏ, sang tên cho khách", anh lý giải.
Tình trạng chủ nhà tái định cư lần lữa không tới nhận bàn giao để chờ bán được nhà cũng được một lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội thừa nhận.
Vị này cũng cho biết, Sở Xây dựng đang nghiên cứu phương án để xử lý đối với những căn hộ mà cơ quan quản lý nhiều lần thông báo nhưng không có người đến nhận. Trong đó, có một phương án được đề xuất là thu hồi lại nhà sau 2 năm người dân không về ở, để bán đấu giá thu hồi vốn.
Trước đó, tình trạng nhà tái định cư xây xong nhưng không có người đến nhận kéo dài suốt 10 năm cũng đã khiến Công ty cổ phần Xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco3) đề xuất thành phố cho phép phá bỏ toàn bộ 3 toà nhà tại Sài Đồng. Vì thế, cả 3 tòa đều bị bỏ hoang từ khi xây dựng đến nay.
Nhiều dự án nhà tái định cư khác tại Hà Nội cũng đang có những căn hộ được rao bán với giá chênh từ 300-700 triệu đồng. Chị Ngân, một môi giới đang rao bán căn tái định cư trên đường Duy Tân, Cầu Giấy. Theo bảng giá, mức bán mỗi m2 căn dao động 28-34 triệu đồng, cao gấp đôi so với giá gốc. Ngoài khoản tiền phải trả trong hợp đồng, với mỗi căn hộ, bên mua phải thanh toán thêm cho người bán từ 500-700 triệu đồng tiền chênh, không có hóa đơn, chứng từ. Đặc biệt, ở dự án này, do chưa bàn giao và chưa có sổ đỏ nên hai bên mua bán sẽ giao dịch thông qua hợp đồng ủy quyền.
Theo khảo sát, thông tin rao bán những căn hộ tái định cư đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, có những căn hộ rao bán hàng năm nhưng không giao dịch được.
Anh Trọng, một môi giới nhiều năm trong nghề từng chuyên về phân khúc nhà tái định cư cho biết, khoảng 5-10 năm trước, có tới 70% giao dịch anh giới thiệu thành công đến từ tái định cư. Ở thời điểm đó, thị trường chưa có nhiều sản phẩm căn hộ thương mại nên đây là một phân khúc màu mỡ. Tuy nhiên, khoảng 4 năm trở lại đây, những sản phẩm này ngày càng kén khách nên càng khó bán.
Theo anh, quy trình mua căn hộ tái định cư sẽ khá phức tạp, đặc biệt với những dự án chưa có sổ đỏ, việc giao dịch chủ yếu thông qua hợp đồng. Đó là chưa kể đến việc nhiều chủ căn hộ vẫn nợ tiền gốc của chủ đầu tư, việc giao dịch qua hợp đồng cũng khá nhiều rủi ro.
Tuy nhiên, anh Trọng cho rằng, một trong những lý do quan trọng khiến nhà tái định cư ế khách là chất lượng thi công, tiện ích kém.
"Mặc dù thường nằm ở những vị trí đẹp nhưng các dự án tái định cư lại ít tiện ích, an ninh kém, chất lượng xây dựng nhanh xuống cấp, sụt lún. Các dự án giao dịch bằng hợp đồng cũng có hạn chế là khó vay được ngân hàng, trong khi đó số tiền chênh phải trả cho các chủ nhà lớn nên người mua cần có sẵn nhiều tiền mặt. Vì thế, khách hàng lúc mua cũng khó, lúc bán cũng khổ nên họ chẳng mặn mà", anh Trọng phân tích.