Ngày pháp luật

Không còn khái niệm "hạ cánh an toàn"

Ngọc Trìu

Nghị định 112 vừa mới ban hành của Chính phủ có nêu rõ thẩm quyền xử lý đối với cán bộ, công chức đã về hưu nhưng có vi phạm trong quá trình đương nhiệm.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 112 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và áp dụng thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức từ Trung ương tới địa phương, kể cả đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu. Văn bản này có hiệu lực từ ngày 20/9/2020. 

Nghị định 112 mới đây bao gồm 5 Chương với 32 Điều, gộp các quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức ở 4 nghị định khác nhau trước đó.  

Từ ngày 1/7/2020 khi Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức năm 2019 chính thức có hiệu lực thì cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu hoặc nghỉ việc cũng “hết thời hạ cánh an toàn”. Nếu phát hiện cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu mà có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì phải chịu một trong các hình thức kỷ luật: Khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức kỷ luật đó (theo khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi).

Với viên chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mà phát hiện hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì thực hiện theo quy định của Luật sửa đổi năm 2019.

Nghị định 112 cũng hướng dẫn cụ thể thẩm quyền việc xử lý kỷ luật các đối tượng này. Với hình thức kỷ luật xóa tư cách chức vụ, chức danh, cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định phê duyệt kết quả bầu cử, bổ nhiệm vào chức vụ, chức danh cao nhất ra quyết định kỷ luật. 

Với hình thức kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo thì cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định phê duyệt kết quả bầu cử, bổ nhiệm vào chức vụ, chức danh ra quyết định xử lý kỷ luật. Riêng với người giữ chức vụ, chức danh trong cơ quan hành chính Nhà nước do Quốc hội phê chuẩn thì Thủ tướng ra quyết định xử lý kỷ luật.

Tin Cùng Chuyên Mục