Ngày pháp luật

Không có tiền tiêu khi rơi vào tình thế như Đại khủng hoảng, một loạt thành phố trên thế giới nghĩ ra cách ứng phó: Tự in tiền

Theo Nhịp sống kinh tế

Một số loại tiền tệ thay thế được phát hành nhằm mục đích bảo vệ các doanh nghiệp độc lập tại địa phương, trong khi một số thúc đẩy tầm nhìn bình đẳng, bền vững hơn về xã hội. Ngoài ra, một số khác được tạo ra để ứng phó với các cuộc khủng hoảng kinh tế, khi hệ thống tài chính truyền thống bị gián đoạn.

Trong một căn phòng phía sau Bảo tàng Tenino Depot – một tòa nhà bằng đá sa thạch tọa lạc tại thành phố Tenino với chưa đầy 2.000 dân thuộc bang Washington (Mỹ), có một cỗ máy cũ kỹ. Với cỗ máy này, các quan chức tin rằng họ có thể cứu được cộng đồng dân cư khỏi suy thoái kinh tế. Nhờ có nó, tiền được sản xuất từ cây theo đúng nghĩa đen.

Những tờ tiền này được chuyên gia duy nhất tại Tenino in trên những tờ giấy có kích thước tương đương với tấm bưu thiếp, sử dụng chiếc máy cổ 1890 Chandler & Price với công nghệ in letterpress.

"Đồng USD gỗ" hiện đang được trao cho những người dân địa phương đang gặp khó khăn về tài chính. Được neo giá theo đồng USD thực, đồng tiền tệ này có thể được sử dụng ở khắp mọi nơi, từ cửa hàng tạp hóa, trạm xăng cho đến khu trong trẻ.

Wayne Fournier – thị trưởng của Tenino, cho biết: "Chúng tôi muốn đồng tiền này trở thành biểu tượng của sự hy vọng. Chúng tôi muốn lan truyền thông điệp về phong tục tập quán của địa phương và đầu tư vào cộng đồng của mình. Ý tưởng đối với kế hoạch này là chúng tôi sẽ sát cánh cùng nhau và hỗ trợ những người gặp khó khăn, thúc đẩy tiêu dùng với đồng tiền đó."

"Đồng USD gỗ" chính là một chương trình được tái khởi động ở Tenino, từng được áp dụng những ngày đen tối nhất trong cuộc đại suy thoái. Ở thời điểm đó, ngân hàng duy nhất của thành phố đóng cửa, người kinh doanh ở địa phương này quyết định tạo ra một đồng tiền bằng gỗ để giúp hoạt động thương mại được tiếp diễn. Chương trình diễn ra vào năm 1931 này là chương trình đầu tiên được áp dụng ở Mỹ.

Một nhà hàng ở thành phố Tenino treo biển chấp nhận thanh toán bằng đồng USD địa phương
Một nhà hàng ở thành phố Tenino treo biển chấp nhận thanh toán bằng đồng USD địa phương

Fournier cho biết: "Biện pháp này cực kỳ hiệu quả". Kể từ khi được ra mắt vào tháng 5, các thành phố từ Arizona cho đến Montana, California đã liên hệ với Tenino để được tư vấn về việc sử dụng đồng tiền riêng của địa phương.

Vị thị trưởng cho biết thêm: "Chúng tôi không biết điều gì sẽ diễn ra trong năm nay. Nhưng các thành phố như chúng tôi cần tìm ra những cách thích hợp hơn để có thể trụ vững mà không quá phụ thuộc vào thế giới bên ngoài."

Thực ra, loại "tiền tệ thay thế" như vậy đã tồn tại trong nhiều thế kỷ. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Papers in Political Economy vào năm 2018, 3.500 đến 4.500 hệ thống tiền tệ như vậy đã được ghi nhận ở hơn 50 quốc gia trên thế giới.

Thông thường, đó là đơn vị tiền tệ của địa phương, chỉ có thể được trao đổi giữa người dân và các doanh nghiệp trong một khu vực, thị trấn hoặc một vùng lân cận. Nhiều trong số đó là chương trình giới hạn đăng ký thành viên, chỉ hoạt động song song chứ không phải thay thế đồng tiền tệ chính thức.

Đồng tiền tệ địa phương này có nhiều hình thức khác nhau, một số ít thậm chí không được in trên giấy khi nhiều trong số đó hiện sử dụng công nghệ số hoặc trao đổi qua thẻ thông minh. Đồng tiền này bao gồm nhiều mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường.

Một số loại tiền tệ thay thế được phát hành nhằm mục đích bảo vệ các doanh nghiệp độc lập tại địa phương, trong khi một số thúc đẩy tầm nhìn bình đẳng, bền vững hơn về xã hội.

Ngoài ra, một số khác được tạo ra để ứng phó với các cuộc khủng hoảng kinh tế, khi hệ thống tài chính truyền thống bị gián đoạn. Khi đại dịch Covid-19 gây ra một làn sóng hỗn loạn về kinh tế và xã hội, thì cả 3 thách thức này dường như đã xuất hiện cùng một lúc.

Giống như đồng USD bằng gỗ của Tenino, Thụy Sĩ cũng cho ra mắt đồng WIR để ứng phó với tình trạng khan hiếm tiền. Được tạo ra vào năm 1934, đây là đơn vị tiền tệ thay thế tồn tại lâu đời nhất thế giới.

WIR cung cấp các khoản vay cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ để kinh doanh với các doanh nghiệp khác có chấp nhận đồng WIR franc (được neo giá theo đồng franc).

Thông thường, các chương trình này được áp dụng khi nền kinh tế chính thức sụt giảm mạnh, như những gì đã xảy ra ở Argentina vào đầu những năm 2000 hay Hy Lạp ở thập kỷ trước. Sự trao đổi này đã phát triển thành một loại tiền tệ khác, được gọi là "mạng lưới tín dụng chung" (mutual credit network).

Những người ủng hộ đồng tiền này cho biết, khi được kết hợp với tài trợ của chính phủ, đồng tiền này cũng là cách hiệu quả để giúp đồng USD được lưu thông, giảm nguy cơ tháo chạy vốn.

Ngoài ra, thành phố Maricá ở Brazil cũng kết hợp đồng tiền tệ địa phương với một chương trình thu nhập cơ bản. Khoảng 88.000 người – gần 1 nửa dân số nơi này, đã nhận được 130 reais/tháng (35 USD) mà không có bất kỳ điều kiện nào về cách thức tiêu tiền. Ra mắt vào năm 2014, đồng tiền này được gọi là Mumbuca, không được chấp nhận ở nơi khác của Brazil.

Eduardo Diniz – giáo sư ngành ngân hàng và công nghê tại São Paulo School of Business Administration, nhận định: "Đồng tiền này có thể trở thành một mô hình về cách một thành phố có thể giải ngân hiệu quả trong thời điểm đại dịch bùng phát, nhằm hỗ trợ các gia đình nghèo khi họ phải ở nhà và cả những doanh nghiệp nhỏ."

Đồng bảng Bristol của Anh
Đồng bảng Bristol của Anh

Dựa theo công nghệ blockchain, thành phố Hull miền bắc nước Anh đã tạo ra đồng tiền số của địa phương đầu tiên trên thế giới vào năm 2018, cung cấp các chương trình giảm giá 50% cho hàng hóa và dịch vụ đối với những tình nguyện viên ở tổ chức địa phương.

Trong khi đó, dự án tương tự của Hà Lan – Samen Doen, trao thưởng cho những người làm các công việc có ích cho xã hội như chăm sóc người già.

Đồng bảng Bristol được tạo ra vào năm 2012 và được gọi là một trong những đồng tiền thay thế có ảnh hưởng lớn nhất. Cư dân của thành phố Hull có thể sử dụng để mua vé một chuyến xe buýt, uống cafe hay thậm chí là trả thuế.

Tuy nhiên, dù 5 tỷ bảng giá trị đồng bảng Bristol đã được sử dụng kể từ năm 2012, vẫn còn nhiều tranh cãi về tác động đối với nền kinh tế của đồng tiền này.

Tuy nhiên, vấn đề gây khó khăn cho những đồng tiền này là tìm cách phù hợp để chi trả chi phí hoạt động. WIR giải quyết vấn đề này thông qua phí giao dịch – 0,06% đối với thành viên và gấp đôi đối với người không phải thành viên, và trả bằng đồng franc cùng với lãi suất cho các khoản vay thực hiện bằng WIR.

Trong khi đó, đồng Calgary của Canada duy trì hoạt động bằng cách trả lương nhân viên một phần bằng đồng Calgary, cũng như nhận tài trợ từ chính phủ và các doanh nghiệp.

Một trở ngại khác là nhiều doanh nghiệp vẫn không chấp nhận các đồng tiền tệ này. Ví dụ, hệ thống trao đổi tiền địa phương LOVES – tại Yamato, Nhật Bản, trả tiền cho người dân bằng đồng tiền địa phương khi làm tình nguyện và mang túi của mình đến siêu thị. Dù nhiều người đã đăng kí, nhưng số cửa hàng tham gia vẫn không đủ. Do đó, chương trình hoạt động trong năm 5 đã phải ngừng lại vào năm 2007.

Chưa dừng ở đó, vai trò của tiền giấy đang giảm dần khi thương mại điện tử và thanh toán điện tử ngày càng đi lên. Đây cũng là một yếu tố khác làm giảm hiệu quả của đồng tiền tệ địa phương.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục