Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã ck: VNM) mới đây công bố nhận diện thương hiệu mới. Theo đó, phần Logo cũng được Vinamilk thay đổi, cụ thể chuyển từ dạng phù hiệu (emblem) sang dạng biểu tượng chữ (wordmark) cùng dòng chữ dòng chữ “Est 1976” bên dưới.
Theo Tổng giám đốc - bà Mai Kiều Liên - Công ty đã mất hơn 1 năm dài chuẩn bị cho lần tái định vị hôm nay, và đội ngũ thực hiện theo giới thiệu là tên tuổi có tiếng trong giới chuyên môn thế giới. Sự thay đổi trong thiết kế logo của Vinamilk đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý, và nhận về không ít những ý kiến trái chiều.
Trên thực tế, một nhãn hàng thay đổi nhận diện logo không phải là mới và việc nhận về những tranh cãi cũng vậy. Logo là sự đúc kết tinh thần của mỗi công ty. Mỗi lần thay đổi logo có thể đem lại bộ mặt tươi mới, thành công mới cho công ty, sản phẩm đó nhưng cũng có thể tạo ra làn sóng phản đối.
Cùng điểm lại một vài doanh nghiệp đã gây tranh cãi khi thay đổi bộ nhận diện thương hiệu.
MBBank
Trước Vinamilk, dư luận cũng từng "dậy sóng" khi MBBank ra mắt logo mới vào tháng 11/2021. Khi đó, thông qua logo, MBBank gửi thông điểm muốn trở thành ngân hàng thông minh, ngân hàng số chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, ngân hàng lại nhận về nhiều ý kiến cho rằng đây là sự thụt lùi trong thiết kế. Dù vấp phải nhiều ý kiến "chê" là vậy, nhưng không thể phủ nhận được rằng MBBank đã thành công trong việc gia tăng độ phủ và sự quan tâm của công chúng.
Bên cạnh đó, MBBank cũng ghi điểm với người dùng khi có những thay đổi theo hướng năng động hơn, đẩy mạnh tương tác với khách hàng cá nhân...
Viettel
Vào tháng 1/2021, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) công bố bộ nhận diện thương hiệu mới. Theo đó, logo có màu sắc chủ đạo mới là đỏ và trắng thay vì màu vàng và xanh như trước. Tên thương hiệu Viettel chuyển từ kiểu viết chữ in sang chữ thường, dấu chấm của chữ “i” được cách điệu bằng biểu tượng dạng văn bản của tin nhắn số.
Cùng với đó, Slogan mới của Viettel chỉ đơn giản là “theo cách của bạn”, có số chữ ít hơn cái cũ. Dù nhận những ý kiến trái chiều nhưng theo thời gian, khi người dùng dần quen với hình ảnh mới, làn sóng dư luận lúc đầu ngược lại là bệ phóng thu hút chú ý trên thị trường.
Xiaomi
Trên thị trường quốc tế, câu chuyện khó quên nhất có lẽ đến từ thương hiệu Xiaomi. Ban lãnh đạo của Xiaomi tiết lộ, công ty đã đầu tư 2 triệu nhân dân tệ (tương đương khoảng 7 tỷ đồng) và mất 10 tháng chuẩn bị. Vậy nhưng sự thay đổi logo mới của Xiaomi nhận về nhiều tranh cãi.
Bộ nhận diện thương hiệu mới của Xiaomi nhìn qua thì có vẻ như không thay đổi quá nhiều. Điểm khác biệt lớn nhất trong logo mới nằm ở đường viền bên ngoài được uốn cong mềm mại hơn. Trong khi đó, mặt chữ và màu sắc vẫn được giữ nguyên, với màu cam chủ đạo. Màu đen và bạc tiếp tục được sử dụng là 2 màu bổ trợ để làm nổi bật sự sang trọng.
Dù về cơ bản, với người dùng phổ thông thì logo mới của Xiaomi chẳng khác nào logo cũ, chỉ khác là đường viền ngoài được uốn cong nhưng hiệu quả truyền thông rất lớn khi mọi người đều tranh luận, nhắc đến sự "đổi mà gần như không đổi" này.
Chrome
Nếu như không thật sự tinh ý, cư dân mạng sẽ khó lòng nhận ra, Chrome đã thay đổi logo mới bởi sự khác biệt ở đây không đáng kể.
Phần logo mới vẫn giữ nguyên thiết kế hình tròn với 4 màu sắc đặc trưng có từ phiên bản năm 2008 và thiết kế phẳng từ lần thay đổi năm 2011. Tuy nhiên, hiệu ứng bóng đổ ở phần viền giữa khu vực màu của logo cũ đã biến mất.
Bên cạnh đó, phần vòng tròn màu xanh ở giữa của logo mới có phần lớn hơn so với logo cũ. Điều này góp phần làm cho logo mới trở nên đơn giản và "sáng" hơn.
Google
Tháng 9/2015, "gã khổng lồ" ngành công nghệ đã tiến hành thay đổi logo chính thức, chuyển từ font chữ kiểu serif (có chân) sang kiểu sans-serif (không chân), hoàn toàn chỉ sử dụng các hình tròn và hình chữ nhật để tạo thành. 4 màu sắc cơ bản trên nền trắng vẫn được giữ lại, nhưng nhìn dịu mắt hơn.
Theo Google cho biết, logo mới của họ thể hiện sự đơn giản, gọn gàng, thanh thoát và thân thiện hơn với người sử dụng.
Tuy vậy, cộng đồng mạng xuất hiện khá nhiều luồng ý kiến chê bai thiết kế mới này của Google. Nhiều người cho rằng sự “đơn giản” quá mức của logo này dẫn đến cảm giác hết sức tẻ nhạt.
Pepsi
Tháng 8/2009, thương hiệu nước giải khát Pepsi cho ra mắt mẫu logo hoàn toàn mới. Tuy vẫn giữ màu sắc xanh - đỏ chủ đạo nhưng đường lượn sóng ở giữa đã thay đổi. Font chữ in đậm, nghiêng cũ được thay bằng font mảnh và mềm mại hơn.
Logo mới của Pepsi nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều khi nhiều người cho rằng đường lượn sóng đã bị “bóp méo". Phần đông cho rằng logo mới đã bị mất phá vỡ sự cân bằng, không có năng lượng, không sinh động và sôi nổi như trước.
Tạm kết:
Thay đổi logo là một trong những quyết định hệ trọng với mỗi thương hiệu bởi có thể vấp phải sự phản đối của công chúng. Tuy nhiên, nhiều thương hiệu vẫn vững tâm với quyết định của mình và tồn tại, thành công đến ngày nay.