Ngày 5/8, Phúc Long thông báo đóng cửa hàng tại trung tâm thương mại sầm uất SC VivoCity (quận 7, TP.HCM). Cách đó chưa đầy 2 tháng, chuỗi này cũng nhường lại mặt bằng một cửa hàng khác tại vòng xoay ngã 6 Phù Đổng (quận 1, TP.HCM) cho thương hiệu sữa đậu nành hữu cơ Soya Garden.
Đây đều là những vị trí “vàng” được nhiều thương hiệu săn đón. SC VivoCity là trung tâm thương mại luôn tấp nập khách tham quan và mua sắm, đặc biệt vào các buổi tối và cuối tuần. Còn ngã 6 Phù Đổng nơi giao lộ Cách mạng tháng 8 - Lý Tự Trọng - Nguyễn Trãi - Lê Thị Riêng - Lê Lai lại là nơi tập trung nhiều thương hiệu trà và cà phê đình đám như Starbucks, The Coffee House, Coffee Bean & Tea Leaf. Cách đây 6 năm, Starbucks đã chọn địa điểm này để đặt chân vào thị trường Việt Nam.
Lý do gì khiến Phúc Long ngừng hoạt động tại những cửa hàng được cho là mang về doanh thu “khủng” này?
Bị thế chân ở ngã 6 Phù Đổng với giá thuê mặt bằng 25.000 USD/tháng
Ra đời từ năm 1968 nhưng Phúc Long chỉ chính thức mở quán trà và cà phê từ năm 2012. Trước đó, đây là nhà cung cấp trà và cà phê thuần Việt với 2 đồi chè tại Lâm Đồng, Thái Nguyên và nhà máy chế biến trà và cà phê tại Bình Dương. Phúc Long cũng là một trong những thương hiệu đồ uống hiếm hoi có thể chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào tại Việt Nam.
Đến năm 2012, hãng khai trương cửa hàng Phúc Long Coffee & Tea đầu tiên tại trung tâm thương mại Crescent Mall (quận 7, TP.HCM), chính thức gia nhập thị trường F&B. Hiện tại, chuỗi có gần 50 cửa hàng tại 6 tỉnh, thành trên khắp cả nước. Đáng chú ý, đây đều là những vị trí đông đúc người qua lại và tập trung nhiều thương hiệu F&B khác.
Phúc Long có mặt tại hầu hết trung tâm thương mại lớn ở TP.HCM như Bitexco, Landmark 81, Crescent Mall, Takashimaya… Chỉ riêng bán kính 600 m dọc phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM) đã có đến 5 cửa hàng Phúc Long. Thương hiệu non trẻ này không ngần ngại đối đầu, giành giật thị phần với các tên tuổi lớn. Có thể nói, ở đâu có Starbucks và Highlands sẽ có Phúc Long.
|
Theo thống kê của Savills, giá thuê mặt bằng tại các “phố trà sữa” như Nguyễn Huệ, Ngô Đức Kế, Phan Xích Long, ngã 6 Phù Đổng dao động từ 6.000-20.000 USD/tháng. Ảnh: Liêu Lãm. |
Thế nhưng, không phải chuỗi nào cũng đủ sức cạnh tranh trong cuộc chiến mặt bằng. Theo thống kê của Savills, giá thuê mặt bằng tại các “phố trà sữa” như Nguyễn Huệ, Ngô Đức Kế, Phan Xích Long, ngã 6 Phù Đổng dao động từ 6.000-20.000 USD/tháng. Từ khi các thương hiệu nổi tiếng đến thuê, giá thuê đã tăng 50%-100%.
Thậm chí, theo một nguồn tin của Zing.vn, mặt bằng cũ của Phúc Long tại ngã 6 Phù Đổng được thuê với giá 14.000 USD/tháng từ năm 2014. Đến tháng 6 năm nay, ngay khi kết thúc hợp đồng cho thuê, vị trí này đã bị Soya Garden “thế chân” với giá 25.000 USD/tháng.
Theo các đơn vị môi giới bất động sản cho thuê, việc một doanh nghiệp khác đưa ra mức giá cao hơn để chiếm mặt bằng là chuyện thường tình trong bối cảnh hàng trăm thương hiệu cùng nhau xâu xé thị trường Việt Nam.
Trao đổi với Zing.vn ngay sau thời điểm đóng cửa hàng tại ngã 6 Phù Đổng, đại diện Phúc Long cho biết "Phúc Long Coffee & Tea vẫn đang tiếp tục định hướng mở rộng hệ thống cửa hàng trải dài từ Nam ra Bắc. Đồng thời Phúc Long cũng luôn cân nhắc chọn lựa những địa điểm thuận tiện nhất nhằm phục vụ tốt nhất đối tượng khách hàng của chúng tôi".
Dù không nói rõ lý do nhưng có thể thấy, sự cân bằng giữa chi phí thuê mặt bằng và doanh thu hàng tháng ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Lợi nhuận bèo bọt dù hút khách
Theo đánh giá của Euromonitor, thị trường trà sữa Việt Nam có quy mô 282 triệu USD năm 2016, tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 20%.
Số liệu mới nhất về hành vi tiêu dùng bên ngoài của Worldpanel, Kantar cũng ghi nhận, trong 6 tháng đầu năm nay ở TP.HCM, trà sữa là thức uống dùng ngay được chọn mua nhiều nhất chỉ sau cà phê. Trung bình một tháng, cứ 5 người lại có một người mua trà sữa tại các cửa hàng bên ngoài với tần suất 2 tuần/lần.
|
Đến ngày 16/7, Phúc Long là chuỗi trà sữa sở hữu số lượng cửa hàng đứng thứ 5 thị trường. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Nhờ vị trí đắc địa và hương vị thức uống khác biệt, các cửa hàng Phúc Long lúc nào cũng chật kín người. Hàng dài các bạn trẻ đứng xếp hàng chờ mua trà Phúc Long vốn là hình ảnh đáng ghen tỵ với nhiều thương hiệu khác.
Tuy nhiên, xét trong thị trường trà sữa với hơn 1.500 cửa hàng của khoảng 100 thương hiệu, Phúc Long là thương hiệu xếp thứ 5 về số lượng cửa hàng dù là một trong 3 chuỗi đầu tiên có mặt tại Việt Nam.
Năm 2018, Phúc Long thu về 473 tỷ doanh thu, tăng 39% so với năm trước đó. Nếu so sánh với các chuỗi cà phê, Phúc Long là hệ thống có doanh thu lớn thứ 4 tại Việt Nam. Dẫn đầu thị trường hiện nay là Highlands với mức doanh thu 1.628 tỷ đồng, gấp 2,4 lần The Coffee House và 2,7 lần Starbucks - 2 hãng xếp ngay sau đó.
Đáng chú ý, Phúc Long đạt tốc độ tăng trưởng 17% và biên lợi nhuận gộp 35%, thấp hơn các thương hiệu này. Lợi nhuận sau thuế năm 2018 là 4,5 tỷ đồng trong khi con số này ở Highlands và Starbucks lần lượt là 129,2 tỷ đồng và 31,9 tỷ đồng.
Có thể nói, Phúc Long hiện tại chưa phát triển bùng nổ như The Coffee House hay trở thành điểm đến phủ sóng như Highlands, Bobapop và Ding Tea, nhưng vẫn là một thương hiệu trà và cà phê Việt Nam chất lượng cao ghi dấu ấn với vị trà đậm và không gian náo nhiệt cho các cuộc gặp gỡ.
Mục tiêu mở rộng hệ thống cửa hàng khắp Việt Nam của Phúc Long vẫn đang được duy trì bằng việc liên tiếp mở 3 cửa hàng tại Hà Nội trong nửa đầu năm nay.
Theo bà Trần Thị Thu Hà, Quản lý Bộ phận cho thuê bán lẻ của Savills Việt Nam, các thương hiệu có kinh nghiệm hoạt động lâu năm thường cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn mặt bằng do có "kinh nghiệm" thua lỗ tại một số điểm trước đó.
Việc đóng cửa tại những địa điểm vừa qua, do đó, có thể không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của Phúc Long nếu hãng này biết tận dụng nguồn lực tại những cửa hàng khác.