Khi giới trẻ dần quan tâm nhiều hơn đến quần áo và những cách phối đồ đẹp, họ dĩ nhiên tìm tới mạng Internet. Trước đây, thông tin về lĩnh vực này chủ yếu bằng Tiếng Anh. Năm 2015, một trang fanpage của người Việt có tên gọi "The Undercut" (Undercut là một kiểu tóc thịnh hành dành cho nam giới) xuất hiện và nhanh chóng gây sự chú ý.
Xuất phát điểm từ một ý tưởng cá nhân, anh Hưng Nguyễn đã phát triển thành công fanpage "The Undercut" trở thành kênh thông tin tổng hợp về tóc tai, ăn mặc, và quan trọng hơn, góp phần định hình nên phong cách mới cho giới trẻ.
Nhưng mọi thứ không chỉ dừng lại ở viêc tạo nên một Fanpage sở hữu 43.000 lượt thích, năm 2016, anh cùng hai người cộng sự Hà Lan Tom và Guido mở cửa hàng cắt tóc nam theo phong cách Barbershop đầu tiên tại Việt Nam.
Đây cũng là lần đầu tiên anh chia sẻ với báo chí về khởi nghiệp, cũng như trải nghiệm về quá trình tạo nên một thương hiệu hoàn toàn mới.
Anh từng chia sẻ mình sống trong một gia đình có truyền thống làm nghề báo. Anh cho rằng đó là lợi thế hay áp lực cho bản thân?
Đúng là tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề báo. Từ ông ngoại cho đến bố, mẹ, cậu đều đã và đang gắn bó với nghề từ rất lâu rồi. Nếu nói đây là áp lực thì cũng không đúng vì gia đình chưa bao giờ tạo áp lực hay đặt nặng việc “phải theo nghề”.
Nhưng ngay từ khi còn nhỏ, tôi rất hay được đi cùng ông ngoại rong ruổi trên phố để “săn nghệ thuật” (ông ngoại tôi từng là nhiếp ảnh gia của báo Tiền Phong). Và thêm cả những lần tới cơ quan của bố mẹ, được chứng kiến các cô chú, anh chị ở đó làm việc, không khí tấp nập ở một toà soạn báo, v.v... Có lẽ những hình ảnh, kỷ niệm này đã quá gắn bó ngay từ khi còn bé nên như một lẽ tự nhiên, công việc đầu tiên của tôi liên quan đến nghề báo mà chẳng phải do ai ép buộc cả.
Anh sẽ nói gì nếu được miêu tả bản thân bằng một từ duy nhất?
Tôi sẽ nói là tôi là người “Dễ gần” vì không hiểu sao rất nhiều người lần đầu gặp rất hay nhận xét là “có vẻ khó gần”.
Ngoài ra, tôi hay bị (được) nhận xét là “điệu”. Lời nhận xét này thì phải chấp nhận vì đúng là như thế. Tôi thích phong cách, ăn mặc đẹp nên đi ra đường mà tóc tai không được chải chuốt, không được ăn vận như ý muốn thì... buồn lắm.
Động lực nào đã khiến anh và các cộng sự xây dựng nên House Of Barbaard - tiệm cắt tóc đầu tiên tại Việt Nam mang đúng mô hình của một Barbershop ở nước ngoài?
Thời gian đầu hoạt động, Barbaard là công ty phân phối các sản phẩm pomade, sáp, dầu gội, các sản phẩm chăm sóc tóc, râu, v.v... nói dễ hiểu hơn là mỹ phẩm dành riêng cho đàn ông. Bên mình có mối quan hệ rất tốt với Schorem ở Hà Lan, đây là một trong những barbershop hàng đầu thế giới. Tại Việt Nam, Schorem cũng là cái tên quen thuộc, là thần tượng của rất nhiều dân trong nghề, nhất là khi văn hoá barber bắt đầu phổ biến.
Trong thời gian vận hành Barbaard với tư cách là nhà phân phối chính thức cho các nhãn hàng cao cấp trên thế giới, chúng tôi ghé qua rất nhiều tiệm cắt tóc nhưng không thể tìm được một nơi mang chất lượng dịch vụ ngang tầm châu Âu. Nhiều nơi tự nhận mình là barbershop nhưng thực tế không phải vậy. Chính vì thế, ý tưởng mang đến trải nghiệm barbershop cổ điển đích thực đến Việt Nam giống như một sứ mệnh của Barbaard. Đó chính là lý do House of Barbaard ra đời.
Anh có nhận xét gì về phong trào khởi nghiệp của giới trẻ hiện nay?
Theo tôi không nên xem việc khởi nghiệp là phong trào. Đó giống như một lẽ tự nhiên đến với người trẻ tuổi vốn luôn có sẵn rất nhiều ý tưởng từ thiết thực cho đến táo bạo nhất. Họ muốn được tự do, được chủ động, được làm những điều mình muốn. Chính vì thế, khởi nghiệp còn là cách họ lựa chọn để thể hiện tầm nhìn, ước mơ, mong muốn tạo sự thay đổi.
Đưa vào Việt Nam một mô hình hoàn toàn mới, với mức giá dịch vụ cao so với thu nhập chung của người Việt, anh có sợ rằng mình sẽ thất bại?
Với mức giá 450.000Đ cho một lần cắt tóc, lúc đầu chúng tôi cũng khá e ngại bởi có lẽ hiếm khi đàn ông Việt Nam phải chi trả số tiền nhiều như vậy cho nhu cầu thiết yếu hàng tháng của mình. Nhưng khi House of Barbaard Hà Nội vận hành được khoảng 1 tháng, chúng tôi đã biết là mình... nhầm.
Thì ra đàn ông Việt Nam vẫn luôn muốn có một không gian trải nghiệm như vậy, nơi họ có thể là chính mình, tạm lánh khỏi cuộc sống bận rộn ngoài kia trong chốc lát. Họ ghé qua House of Barbaard bởi ở đây không chỉ là một lần cắt tóc, mà họ ghé qua để để nhâm nhi một ly rượu, điếu xì gà hay trò chuyện cùng các barber – những người bạn vô cùng thân thiện. Đây mới chính là tinh thần của một barbershop mà chúng tôi muốn đàn ông Việt Nam làm quen và hiểu rõ về nó.
Theo anh đâu là điều khó nhất khi đưa một sản phẩm/mô hình chưa từng có vào thị trường, và với những gì anh đã trải qua, anh có kinh nghiệm gì cho vấn đề này?
Việc đưa một sản phẩm hay một mô hình kinh doanh, dịch vụ mới vào thị trường chẳng khác gì… đánh bạc. Nếu muốn đi quãng đường dài lâu, vững chãi thì chắc chắn bạn phải đầu tư thật nhiều thời gian, công sức nghiên cứu thật kỹ thị trường trước khi bắt đầu cuộc chơi của mình.
Một mô hình kinh doanh mới cũng mang lại cho bạn những lợi thế nhất định bởi nhiều lúc, khách hàng chưa thực sự biết mình cần gì. Đó cũng chính là một trong những ưu thế của House of Barbaard, chúng tôi được thoả mãn với niềm đam mê chăm sóc, làm đẹp cho Quý ông và chính các khách hàng cũng hài lòng với những giá trị mà chúng tôi đem lại. Ai cũng là người “chiến thắng” trong cuộc chơi, theo tôi đó mới là thành công.
Mỗi ngày, House Of Barbaard phục vụ rất nhiều khách nước ngoài – đối tượng đòi hỏi chất lượng dịch vụ ở mức cao. Với kinh nghiệm của mình, theo anh đâu là khâu khó nhất trong việc quản lý và đào tạo nhân sự, nhất là khi nhân sự ngành dịch vụ ở Việt Nam được đánh giá là chưa chuyên nghiệp?
Không chỉ khách nước ngoài đâu, khách hàng Việt Nam tìm đến House of Barbaard cũng là những người có yêu cầu cao về mặt thẩm mỹ. Chúng tôi có thể tự tin chia sẻ rằng: để làm ra một barbershop giống như House of Barbaard không hề khó. Nhưng để ra được đúng chất như House of Barbaard mới là thách thức lớn.
Vấn đề cốt lõi và cũng là khó khăn nhất luôn nằm ở khâu chăm sóc khách hàng, đáng tiếc đây vẫn là điều chưa nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam đánh giá cao, chịu đầu tư và chăm chút cho thoả đáng. Ở House of Barbaard, mọi nhân viên từ khu vực lễ tân cho đến các barber đều được chúng tôi đào tạo kỹ lưỡng. Ngoài chuyên môn chính, họ còn được học rất nhiều kiến thức về văn hoá, nghi lễ, con người và đặc biệt là cách trò chuyện, chăm sóc khách hàng. Mỗi nhân viên của Barbaard đều là một Quý ông thực thụ qua cách họ chào hỏi, bắt chuyện và phục vụ khách hàng.
Chúng tôi vẫn mang suy nghĩ phải làm mọi cách để làm khách hàng hài lòng nên mọi việc, dù là nhỏ nhất, ai cũng sẽ đứng ra nhận trách nhiệm không quan trọng bạn là quản lý hay nhân viên. Ví dụ như House of Barbaard vừa có thêm dịch vụ đánh giày, thỉnh thoảng, tôi vẫn nhận công việc này nếu có thời gian và tôi đánh chuyên nghiệp lắm, được khách hàng khen nhiều (cười).
Ở Việt Nam, người ta ngầm công nhận TPHCM là nơi có độ “chịu chơi” cao hơn ở Hà Nội. Vậy tại sao mãi tới gần đây, House Of Barbaradd mới có cơ sở tại TPHCM?
Trong mọi việc, nếu bạn muốn đi đường dài, đi lâu, đi sâu thì đều phải bỏ thời gian và công sức để nghiên cứu. House of Barbaard Sài Gòn cũng vậy, có thêm không gian nên chúng tôi cũng mất thêm thời gian để xây dựng khu vực Lounge bar tại đây, tất cả chỉ nhằm mục đích đem đến trải nghiệm trọn vẹn nhất cho khách hàng.
Sự phát triển của House Of Barbaard có công lớn thuộc về hai đồng sáng lập đến từ Hà Lan – Guido và Tom. Anh có thể chia sẻ thêm về cơ duyên gặp gỡ hai người bạn này?
Cũng rất tình cờ thôi. Khoảng năm 2015, tôi có một cái blog cá nhân, viết về thời trang, phong cách. May mắn là khá nhiều nhãn hàng trên thế giới để mắt tới, họ gửi về các sản phẩm mẫu để tôi làm bài viết giới thiệu, review sản phẩm. Trong số đó có Reuzel (thương hiệu do Schorem – đã nhắc đến ở trên – cộng tác và phát triển), ngay khi bài viết giới thiệu về hãng được chính Schorem chia sẻ lại trên mạng xã hội của họ, Guido & Tom đã tìm đến tôi.
Lúc đầu, hai người chỉ muốn thông báo rằng Reuzel sắp có đại lý chính thức tại Việt Nam, quản lý bởi Barbaard và muốn tôi viết một bài giới thiệu. Thêm nhiều dịp hợp tác sau đó, chúng tôi đều nhìn thấy sự ăn ý, hài lòng. Cuối cùng tôi đã đi đến quyết định đầu quân cho Barbaard.
Đã từng làm việc, cộng tác với cả “Tây” lẫn “Ta”, theo anh, đâu là điểm khác biệt rõ rệt nhất giữa hai nhóm này?
- Thật ra tôi thấy sự khác biệt gần như là không có bởi tôi may mắn được làm việc cùng những người rất có tâm, luôn hướng đến những mục đích chung tốt đẹp. Một điều rất dễ nhận thấy là họ vô cùng khó tính trong công việc. Chính vì thế, quãng thời gian bắt đầu đi làm từ năm 2010, tôi đã học hỏi được rất nhiều điều trong nhiều vị trí, mô hình công việc khác nhau.
Ảnh: Quy Photography