Ngày pháp luật

Khởi nghiệp sáng tạo: Góc nhìn chính sách từ thế giới đến hướng đi mới cho Startup Việt Nam

TS.Lê Thị Thiên Hương & Lâm Tuấn Minh

Các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (sau đây gọi chung là Startup) đóng vai trò ngày càng lớn trong việc đưa các sáng kiến mới mẻ vào thị trường.

Trong bối cảnh thế giới đang hướng tới một nền kinh tế tri thức, nơi sức mạnh sáng tạo là vũ khí cạnh tranh hiệu quả nhất, không có gì ngạc nhiên khi nhiều quốc gia ngày càng ưu tiên tập trung khuyến khích thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, thậm chí ưu tiên hơn cả việc khuyến khích thành lập doanh nghiệp nói chung. Không chỉ thế, khởi nghiệp sáng tạo đồng thời cũng thu hút sự chú ý của giới học thuật, với vô số các cuộc hội thảo trên thế giới xoay quanh chủ đề đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp…

Khởi nghiệp sáng tạo: Góc nhìn chính sách từ thế giới đến hướng đi mới cho Startup Việt Nam - Ảnh 1

TS. Lê Thị Thiên Hương, VIPMAC

Từ chính sách khởi nghiệp sáng tạo trên thế giới…

Hiện nay, rất nhiều nước đã thông qua các Bộ luật liên quan khởi nghiệp sáng tạo, cụ thể là tập trung đẩy mạnh hoạt động sáng tạo và tạo điều kiện cho sự phát  triển của Startup. Các chiến lược quốc gia cụ thể đã được hình thành, áp dụng trong lĩnh vực này, nhưng còn nhiều biện pháp mới ở giai đoạn thử nghiệm, chưa có kết quả thực sự rõ ràng trong thực tế. Ví dụ như nhiều chiến lược tập trung giảm thiểu những khó khăn mà khởi nghiệp sáng tạo phải đối mặt khi mới thành lập. Tuy nhiên, thực tế chứng minh rằng ưu đãi hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo một cách quá dễ dàng, thiếu chính sách chọn lựa cặn kẽ khởi nghiệp để ưu tiên, sẽ dẫn đến nhiều thất bại hơn là thành công, vì thế trở thành một “chiến lược” thiếu hiệu quả.

Nhìn lại lịch sử, chúng ta có thể nhận thấy chiến lược khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo khởi nguồn từ Mỹ vào năm 2011, sau đó lan nhanh tới các nước châu Âu và nhiều nước châu Á phát triển. Hiện nay, các chiến lược phát triển khởi nghiệp sáng tạo có các điểm chung là tập trung vào giảm thuế, khuyến khích và tạo ưu đãi (như đơn giản hóa thủ tục hành chính, áp dụng luật lao động một cách linh hoạt, nâng cao khả năng gây vốn, ví dụ nhờ vào hình thức đầu tư cộng đồng (Equity crowdfunding) hay quỹ đầu tư mạo hiểm, thủ tục giải thể nhanh chóng và đơn giản), đảm bảo việc bảo vệ hiệu quả các quyền sở hữu trí tuệ…

Ngoài các điểm chung nêu trên, nhiều quốc gia đã nổi lên như điểm thu hút khởi nghiệp sáng tạo mạnh mẽ nhờ chính sách riêng biệt. Ví dụ như trong chính sách tài chính, Israel khuyến khích nghiên cứu sáng tạo bằng trợ cấp Chính phủ, với việc thành lập Quỹ Nghiên cứu - Phát triển của Nhà nước. Quỹ này nhắm vào việc trợ giúp các Startup trên cơ sở cạnh tranh năng lực giữa các Startup với nhau. Vì là trợ cấp, nên Startup sẽ không phải hoàn trả lại. Ở một số nước khác như Bỉ, Pháp, Chính phủ áp dụng chính sách cho vay vốn lãi suất thấp do Nhà nước bù chênh lệch lãi suất và trong trường hợp này, doanh nghiệp khởi nghiệp buộc phải có thế chấp hoặc đảm bảo để có thể tiếp cận dòng vốn.

Ở Đức, các khởi nghiệp sáng tạo có thể vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ Quốc gia, bao gồm kinh phí Nhà nước và góp vốn tư nhân. Những năm gần đây, theo thống kê của OCDE, các nước dành một khoản lớn trong GDP để khuyến khích nghiên cứu phát triển là Nga, Pháp, Hàn Quốc và Mỹ. Liên quan đến các biện pháp thuế để kích thích khởi nghiệp sáng tạo, một số nước như Trung Quốc, Bỉ, Anh, Hà Lan… áp dụng chế độ “Hộp sáng chế” (Patent box), trong đó các doanh nghiệp đang khai thác một bằng sáng chế độc quyền được hưởng các ưu đãi về thuế.

Ở Pháp, các nhà đầu tư thiên thần (Angel Investor) được miễn thuế tài sản, trong khi đó, các nhà nghiên cứu nước ngoài và nhân lực then chốt của Startup thì được giảm thuế thu nhập cá nhân ở Đan Mạch. Đặc biệt không thể không nói đến là vấn đề xây dựng các hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Pháp. Chương trình French Tech của Pháp đã đưa đất nước này lên thành một trong những điểm hấp dẫn nhất thế giới đối với khởi nghiệp sáng tạo. Với mục đích xây dựng nước Pháp thành một nền “Cộng hòa số”, chương trình tập trung huy động nhiều nguồn lực khác nhau để thúc đẩy phát triển khởi nghiệp sáng tạo, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ sáng tạo tại Pháp.

Hiện nay, để tạo lợi thế cạnh tranh, đất nước này đang có rất nhiều chương trình hấp dẫn nhằm thu hút nhân tài sáng tạo trên thế giới đến để thành lập khởi nghiệp tại các hệ sinh thái khởi nghiệp của Pháp, như French Tech Ticket hay French Tech Visa.

Khởi nghiệp sáng tạo: Góc nhìn chính sách từ thế giới đến hướng đi mới cho Startup Việt Nam - Ảnh 2

Ông Lâm Tuấn Minh, LP Investments

...Đến bức tranh đặc thù của Việt Nam

Năm 2016 được xem là năm đầu tiên Chính phủ Việt Nam định hướng và quan tâm mạnh mẽ đến việc xây dựng Việt Nam trở thành “Quốc gia khởi nghiệp”. Một trong những mục tiêu và nguyên tắc quan trọng của Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 đã xác định: Nhà nước có chính sách đặc thù để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và có tiềm năng tăng trưởng cao phát triển. Đến tháng 06 năm 2017, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chính thức được Quốc hội thông qua với nhiều chính sách ưu đãi và hỗ trợ cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế của đất nước.

Về điều kiện kinh doanh, số lượng các ngành nghề kinh doanh có điều kiện được cắt giảm từ 267 xuống còn 243 ngành nghề và đang tiếp tục xem xét cắt giảm xuống còn 223 ngành nghề. Đối với vấn đề đầu tư cho Khởi nghiệp sáng tạo, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết về đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo đã và đang được xem xét thông qua trong thời gian tới.

Như vậy, không thể phủ nhận được những động thái tích cực mà Chính phủ và các cơ quan ban ngành đã và đang nỗ lực tạo điều kiện giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nói riêng dễ dàng phát triển và tăng trưởng đột phá. 

Tuy nhiên, tồn tại song song cùng các thuận lợi kể trên, vẫn còn nhiều thách thức mà cộng đồng Startup Việt Nam đang phải đối mặt như: 

- Thủ tục hành chính vẫn phức tạp, việc đáp ứng điều kiện kinh doanh theo quy định của Startup vẫn còn nhiều khó khăn.

- Môi trường đầu tư chưa hấp dẫn. Cơ chế ưu đãi đầu tư cho Startup chưa rõ nét, thủ tục dành cho nhà đầu tư nước ngoài còn phức tạp, kéo dài.

- Cơ chế mở cho các mô hình kinh doanh mới - chưa có tiền lệ - vẫn còn quá nhiều rào cản, thậm chí dẫn đến các rủi ro về mặt hình sự khiến Startup “chùn chân”.

- Việc triển khai chính sách ưu đãi, hỗ trợ trên văn bản vào thực tế vẫn còn là bài toán có nhiều khó khăn.

Chính sách cho Startup Việt Nam: Hướng đi nào cần có?

Cán cân chính sách thăng bằng mà Việt Nam và nhiều quốc gia đang hướng tới chính là giữ sự linh hoạt cho môi trường chính sách nhưng lại phải đảm bảo được sự kiểm soát nhất định từ phía Nhà nước…

Xu hướng phổ biến hiện nay trên thế giới nghiêng về việc tạo môi trường “mở” cho Startup phát triển, từ đó tạo giá trị cốt lõi cho sức mạnh đặc thù của từng quốc gia. Vì vậy, việc lựa chọn quốc gia để phát triển kinh doanh của Startup trở nên dễ dàng hơn. Nói chính xác hơn là Startup hoàn toàn có khả năng lựa chọn “quốc tịch” cho dự án của mình. Không chỉ nguồn vốn đầu tư, số lượng và chất lượng Startup sẽ có xu hướng dịch chuyển nhanh chóng sang những môi trường có chính sách quản lý linh hoạt, dễ dàng cho việc thử nghiệm án kinh doanh, đặc biệt với các Startup phát triển dựa trên nền tảng công nghệ.

Điểm dễ nhận thấy trong quá trình ban hành chính sách cho Startup chính là sự mâu thuẫn giữa tốc độ phát triển và khả năng kiểm soát của Nhà nước. Vấn đề chính là sự đào thải của các hoạt động kinh doanh truyền thống, kéo theo bài toán nan giải về lượng nhân sự bị thay thế, đặc biệt là trong các lĩnh vực sản xuất, vận tải, nông nghiệp và ngân hàng. Sự phát triển mạnh mẽ của các thiên đường thuế (Tax Heaven), những công cụ thanh toán hoặc tài sản vô hình mới chưa được Nhà nước công nhận nhưng lại được thị trường đầu tư chấp nhận, những mô hình kinh doanh rơi vào vùng xám (Grey Area) của pháp luật đang khiến không ít quốc gia phải “đau đầu” tìm cách xử lý.

Cán cân chính sách thăng bằng mà Việt Nam và nhiều quốc gia đang hướng tới chính là giữ sự linh hoạt cho môi trường chính sách nhưng lại phải đảm bảo được sự kiểm soát nhất định từ phía Nhà nước. Để làm được điều này, quả thật không dễ dàng. Vì thế, việc điều chỉnh và thay đổi chính sách cho Startup Việt Nam là cần thiết, tuy nhiên cần có lộ trình cụ thể, đơn cử như:

- Đưa ra lộ trình cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục - điều kiện kinh doanh; Hướng tới cơ chế “hậu kiểm” để “mở đầu vào” cho hoạt động kinh doanh của Startup.

- Có chính sách mở cửa và ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong việc đầu tư vào Startup.

- Trên cơ sở môi trường kinh doanh  đầu tư cho Startup được mở rộng, nhanh chóng tiến tới việc xây dựng hoàn chỉnh hệ sinh thái hỗ trợ xung quanh hoạt động của Startup. Việc xây dựng nên đứng dưới góc độ hỗ trợ, Nhà nước không nên trực tiếp can thiệp mà đóng vai trò là “trọng tài” để Startup và hệ sinh thái hỗ trợ tự bổ sung và liên kết với nhau.

 - Mở rộng liên kết quốc gia về việc hợp tác khu vực nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp xuyên biên giới, từ đó hạn chế tình trạng “chảy máu chất xám”. Mặt khác góp phần kiểm soát và hạn chế hiệu quả hơn những hoạt động kinh doanh, sự dịch chuyển dòng tiền và cơ chế đầu tư bất hợp pháp nhằm trục lợi của một số cá nhân, tổ chức.

- Tiến hành điều chỉnh và cập nhật chính sách liên tục trên cơ sở nghiên cứu sự vận động phát triển của làn sóng Startup thế giới; Từ đó bắt kịp xu hướng phát triển của đối tượng này và dần chuyển xu hướng quản lý nội bộ sang việc kiến tạo môi trường kinh doanh dành cho Startup quốc tế tại Việt Nam.

Việc điều chỉnh chính sách quốc gia luôn đồng thời phải cân nhắc đến sự hài hòa với lợi ích khu vực và các quan hệ chính trị - xã hội với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Chính vì vậy, bài toán chính sách cho Startup chưa bao giờ là bài toán dễ dàng. Giải được bài toán ấy, con đường phát triển của Startup Việt Nam sẽ ngày một rộng mở và là bệ phóng đầy tiềm năng để thúc đẩy sự phát triển năng lực quốc gia lên một tầm cao mới. 

Tin Cùng Chuyên Mục