Ngày pháp luật

Khoanh nợ, xóa nợ thuế: Đảm bảo giải quyết chính xác, công khai trên toàn quốc

Tô My

Để kịp thời triển khai Nghị quyết 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế (NNT) không có khả năng nộp ngân sách nhà nước (NSNN) có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây, Tổng cục Thuế đã dự thảo và đang lấy ý kiến các đơn vị liên quan về Thông tư hướng dẫn thực hiện.

Sẽ có thông tư hướng dẫn trong tháng 5

Theo ông Đoàn Xuân Toản - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ (Tổng cục Thuế), Nghị quyết 94/2019/QH14 được tổ chức thực hiện trong thời hạn 3 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành 1/7/2020. 

Để kịp thời tổ chức triển khai, đảm bảo việc thi hành khả thi, chặt chẽ, tuân thủ đúng quy định pháp luật, đúng đối tượng, Tổng cục Thuế đã xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn trình tự thủ tục hồ sơ, khoanh nợ, xóa nợ; quy trình thực hiện xử lý nợ để có thể kiểm tra, kiểm soát việc xử lý nợ thuế và đang lấy ý kiến các đơn vị liên quan.

 Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng xây dựng dự thảo Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc thành lập các ban chỉ đạo triển khai thực hiện nghị quyết ở Trung ương và địa phương; dự thảo văn bản gửi UBND các tỉnh, TP để phối hợp chỉ đạo triển khai nghị quyết xử lý nợ tại từng địa phương cụ thể.

Khoanh nợ, xóa nợ thuế: Đảm bảo giải quyết chính xác, công khai trên toàn quốc - Ảnh 1
(Ảnh minh họa).

Mặt khác, để NNT nắm bắt được nội dung nghị quyết xử lý nợ, Tổng cục Thuế đã yêu cầu các cục thuế tăng cường thông tin tuyên truyền; phối hợp với cơ quan báo chí thực hiện truyền thông đến người dân và DN. 

Sau khi các văn bản hướng dẫn được ban hành, Tổng cục Thuế sẽ tổ chức tập huấn, hướng dẫn các cục thuế, cũng như cán bộ công chức để việc triển khai thực hiện được thống nhất. Đồng thời, công khai, minh bạch các thủ tục xử lý nợ để các tổ chức, cá nhân biết và theo dõi, giám sát. 

Mặt khác, để có thể xử lý nợ thuế ngay khi Nghị quyết có hiệu lực, Tổng cục Thuế cũng đã chỉ đạo cơ quan thuế (CQT) các cấp rà soát, phân loại nợ theo từng địa bàn, từng đối tượng đảm bảo xử lý chính xác; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan để kiểm tra và xác minh thông tin NNT và thông báo công khai trên toàn quốc danh sách NNT được khoanh, xóa nợ. Chuẩn bị đầy đủ các thủ tục, hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền xem xét xử lý kịp thời.

Được biết, ngoài việc khẩn trương hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, Tổng cục Thuế cũng đang triển khai xây dựng các phần mềm quản lý, theo dõi chặt chẽ việc xử lý nợ, hỗ trợ CQT các cấp trong việc giám sát tình hình xử lý nợ…

Theo tờ trình của Chính phủ, việc xử lý nợ nếu thực hiện theo Nghị quyết sẽ làm giảm nghĩa vụ nộp cho Nhà nước 16.357 tỷ đồng. Đây là các khoản nợ không có khả năng thu hồi.

Khi nào khoanh nợ, xóa nợ tiền thuế?

Theo đại diện Tổng cục Thuế, việc khoanh nợ tiền thuế sẽ áp dụng kể từ ngày 1/7/2020 đối với NNT đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự; NNT có quyết định giải thể; NNT phá sản, không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký; đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. 

Việc xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp còn nợ trước ngày 1/7/2020 cũng được áp dụng đối với các đối tượng được khoanh nợ đã nêu trên. Song điều kiện để được xóa nợ là NNT không còn khả năng nộp NSNN. Ngoài ra, từng đối tượng khác nhau sẽ có điều kiện để thực hiện xác nợ cụ thể.

Theo đó, NNT đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì cần có giấy chứng tử, hoặc giấy báo tử, hoặc quyết định của tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự. Trường hợp NNT giải thể thì phải có quyết định giải thể, hoặc thông báo của cơ quan đăng ký kinh doanh về việc đang làm thủ tục giải thể trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký DN.

Với NNT phá sản, cần có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, hoặc tòa án có thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Nếu không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký, hoặc đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì CQT phải xác định chính xác là không còn hoạt động sản xuất kinh doanh trên thực tế và phải có biên bản xác nhận giữa cơ quan quản lý thuế sở tại với UBND xã, phường, thị trấn (nơi NNT có trụ sở, hoặc địa chỉ liên lạc).  

Điều kiện để xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp còn nợ trước ngày 1/7/2020 đối với NNT bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ, cần phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc này. NNT còn cần có văn bản xác nhận giá trị bị thiệt hại của tổ chức kiểm toán độc lập, cơ quan thẩm định giá, hoặc cơ quan bảo hiểm. Số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp được xóa tính trên số tiền nợ thuế phát sinh vượt ra ngoài giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại sau khi đã trừ các khoản đã được bồi thường, bảo hiểm.

Đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết, trường hợp xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp còn nợ trước ngày 1/7/2020 đối với NNT cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán trực tiếp bằng nguồn vốn NSNN, nhưng chưa được thanh toán, phải đảm bảo các điều kiện sau: Có văn bản xác nhận của đơn vị sử dụng vốn NSNN về việc chưa được thanh toán; có hợp đồng kinh tế ký với đơn vị sử dụng vốn NSNN và biên bản nghiệm thu công trình; số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp được xóa được tính trên số nợ tiền thuế, nhưng số nợ tiền thuế không vượt quá số tiền NSNN chậm thanh toán. 

Tin Cùng Chuyên Mục