Giới khoa học chỉ ra rằng, tự tin có thể được chia làm 2 loại. Loại tự tin đầu tiên là "tự tin trong nhận thức" hay là sự chắc chắn. Hiểu đơn giản, nó có nghĩa là bạn có thể chắc chắn điều đó là sự thật, ví dụ như "bạn khẳng định 99% điều anh ta nói là dối trá", đó là bạn thể hiện sự tự tin trong nhận thức.
Loại thứ hai là "tự tin về mặt xã hội" hay gọi tắt là sự tự tin. Khi ở trong môi trường nhóm, bạn sẽ thể hiện vai trò, nhận thấy lời nói của mình có trọng lượng với người khác, đó là bạn thể hiện sự tự tin về mặt xã hội.
Tự tin về mặt xã hội luôn được đánh giá cao hơn
Mỗi người trong chúng ta đều có xu hướng kết hợp 2 loại tự tin nói trên nhưng không phải lúc nào chúng cũng cần song hành với nhau. Trên thực tế, những người thành công, được nhớ đến phần nhiều là bởi họ sở hữu sự tự tin về mặt xã hội.
Jeff Bezos - tỷ phú giàu nhất hành tinh là một ví dụ điển hình. Trong một bài đăng trên blog năm 2012, Jason Fried, nhà đồng sáng lập công cụ quản lý dự án Basecamp kể lại, Bezó có ghé qua trụ sở chính của công ty mình để trả lời phỏng vấn.
Trong một câu trả lời, ông chủ Amazon đã chia sẻ cái nhìn thú vị: “Những người thành công thường thay đổi quan điểm rất nhiều". Và những người kiểu này thường rất tự tin về bản thân. Giống như Bezos, họ không ngại thể hiện sự không chắc chắn và sở hữu năng lực thu hút sự chú ý đám đông mỗi khi cất tiếng nói.
Sự tự tin trong xã hội cũng liên quan đến cách bạn thể hiện bản thân. Bước ngoặt lớn của Amazon đến vào mùa xuân năm 1996 khi được John Doerr, đối tác của Kleiner Perkins - một trong những công ty đầu tư mạo hiểm uy tín nhất ở Thung lũng Silicon đến thăm.
Nhờ sự tự tin, Bezos đã khiến Doerr ngạc nhiên và quyết định đầu tư 8 triệu USD vào Amazon. Khi được hỏi về quyết định này, Doerr tiết lộ, khi ông bước vào, Bezos đang đi xuống cầu thang với nụ cười tươi, tràn đầy năng lượng. "Từ khoảnh khắc đó, tôi đã muốn hợp tác kinh doanh với cậu ấy", Doerr tâm sự.
Không chỉ vậy, John Doerr vô cùng ngạc nhiên và hài lòng trước sự am hiểu công nghệ của Bezos. Với những ấn tượng đó, ông chủ Amazon đã hoàn toàn thuyết phục được Doerr.
Benjamin Franklin là một ví dụ khác về tự tin xã hội. Ông nổi tiếng là người hoạt bát, hóm hỉnh, đầy thu hút. Khi nhận thấy mọi người có xu hướng không muốn nghe những cụm từ dạng "không nghi ngờ gì nữa", "chắc chắn"..., Franklin đã rèn luyện để tránh cách diễn đạt này. Thay vào đó, Benjamin sẽ mở đầu bằng "Tôi nghĩ là…" hay "Nếu tôi nhớ không nhầm thì…"...
Theo thời gian, Franklin đã trở thành một trong những người có ảnh hưởng nhất lịch sử nước Mỹ.
Mọi người thường đánh giá dựa trên sự tự tin trong xã hội
Từ kinh nghiệm của Franklin và Bezos cho thấy, khi muốn tạo ấn tượng tốt với mọi người, sự tự tin xã hội sẽ tốt hơn là tự tin về nhận thức. Nghiên cứu khoa học cũng chứng minh về luận điểm này.
Một nghiên cứu nhỏ được thực hiện năm 2012 với các sinh viên đại học cho kết quả tương tự. Cụ thể, những người tham gia cuộc thử nghiệm cùng xem một video và đánh giá mức độ tự tin và khả năng của từng sinh viên.
Sinh viên nào càng tham gia vào nhiều cuộc trò chuyện, phong thái thoải mái, càng dễ xuất hiện và để lại ấn tượng tốt cho người xem. Trong khi đó, những sinh viên thể hiện sự tự tin về mặt nhận thức thì không được mấy quan tâm.
Vậy phải làm sao để trở nên tự tin về mặt xã hội hơn?
Bạn có thể gia tăng sự tự tin trong xã hội bằng cách luyện nói theo nhóm, chú ý đến trang phục, cải thiện cử chỉ, tư thế đứng. Đồng thời, bạn cũng nên học cách truyền cảm hứng mà không bị phô trương quá mức.
Có rất nhiều cách để khiến mọi người đồng ý với quan điểm, ý tưởng của bạn mà không cần thể hiện sự tự tin thái quá cũng như phô diễn về cơ hội thành công. Ví dụ như bạn có thể nói về điều bạn quan tâm, về thế giới bạn muốn tạo ra hay chia sẻ câu chuyện thành công thực tế mà bạn đã "gặp may" từ sự tự tin đó.