Ngày pháp luật

Kho lạnh trở thành ngôi sáng giá của ngành logistics

Khi số lượng người tiêu dùng mua hàng trực tuyến nhảy vọt, nhu cầu của các nhà đầu tư với ngành lưu trữ lạnh tăng mạnh và đòi hỏi nhiều kho lạnh gần khách hàng hơn.

JLL vừa đưa ra một báo cáo với chủ đề "Chặng đường tương lai cho ngành logistics Việt Nam", trong đó dự đoán kho lạnh sẽ trở thành là ngôi sao sáng giá trong lĩnh vực hậu cần thời gian tới. 

“Khách thuê đang có xu hướng nâng cấp từ các cơ sở lỗi thời, vừa và nhỏ và quản lý bởi chủ sở hữu tư nhân, để chuyển đến cơ sở hiện đại hơn ở vị trí tốt hơn. Đồng thời, việc hợp nhất các hoạt động logistics vào hiện đại hóa chuỗi cung ứng đang nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm chi phí logistics tổng thể cho khách thuê”, bà Trang Bùi, Giám đốc Cấp cao Thị trường Việt Nam JLL nhận định.

Thêm vào đó, tăng trưởng trong các ngành khác cũng sẽ hỗ trợ mở rộng thị trường hậu cần 3 bên, bao gồm ngành thực phẩm và đồ uống, chăm sóc sức khỏe và dược phẩm, cũng như các ngành thiết bị văn phòng và công nghệ.

Dịch bệnh Covid-19 đẩy nhanh quá trình tự động hóa trong lĩnh vực logistic.
Dịch bệnh Covid-19 đẩy nhanh quá trình tự động hóa trong lĩnh vực logistic.

Theo đơn vị nghiên cứu, trong quý II/2020, giá thuê văn phòng và bán lẻ, cộng với giá trị vốn đã giảm ở đa số các thị trường chính khu vực châu Á Thái Bình Dương, nhưng giá thuê dịch vụ hậu cần hầu như không đổi.

"Bất chấp tác động của dịch bệnh, các xu hướng chính như thương mại điện tử hay gia tăng tầng lớp trung lưu sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng đầu tư vào lĩnh vực hậu cần. Hiện Việt Nam có khoảng 35% dân số thành thị, tăng 29% trong thập kỷ qua. Dân số trung lưu đáng kể của Việt Nam, cùng với mức thu nhập ngày càng tăng, được kỳ vọng sẽ hỗ trợ mức tiêu dùng trong khu vực", JLL nhận định. 

Theo đơn vị này, thương mại điện tử cũng là một động lực lớn cho nhu cầu bất động sản hậu cần. So với nhà bán lẻ truyền thống, các công ty thương mại điện tử sử dụng nhiều không gian hậu cần hơn để đảm bảo tốc độ giao hàng cũng như tùy chọn giao hàng trong ngày.

Giải pháp được JLL đề xuất là Việt Nam cần duy trì mức đầu tư hợp lý vào đầu tư cơ sở hạ tầng, chú trọng hệ thống đường cao tốc và mạng lưới tiện ích, kể cả năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, quy trình giao thương xuyên biên giới của Việt Nam bao gồm cả thời gian và chi phí vẫn còn cần nhiều cải tiến đáng kể. Hiện chi phí giao dịch qua biên giới, bao gồm chi phí tuân thủ tài liệu thủ tục và chi phí xuất nhập khẩu, ở Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với hầu hết các nước trong khu vực.

"Các nhà bán lẻ và nhà cung cấp dịch vụ hậu cần cần phải đi kịp xu hướng và đáp ứng nhu cầu thay đổi của khách hàng. Chiến lược giao hàng chặng cuối (last-mile) thành công sẽ cần các giải pháp sáng tạo, quy trình hiện đại, chuyển đổi kỹ thuật số và công nghệ mới nhất. Tất cả đều sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với chiến lược bất động sản của khách thuê", đơn vị nghiên cứu khuyến nghị. 

Tin Cùng Chuyên Mục