Những con số tài chính của doanh nghiệp từng được mệnh danh là "vua cá tra" này tiếp tục trong tình trạng tiêu cực nghiêm trọng. Cụ thể, trong ba tháng kinh doanh vừa qua, doanh thu của HVG chỉ đạt 527 tỷ đồng, sụt giảm tới 64% so với cùng kỳ năm 2018.
Lý giải về diễn biến này, HVG cho biết doanh thu giảm mạnh là do công ty đã thoái vốn khỏi CTCP Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng, dẫn đến cắt giảm mảng kinh doanh bán nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (bã nành, bắp, lúa mì).
Ngoài ra, việc giá cá tra nguyên liệu trong kỳ giảm mạnh từ 34.000 đồng/kg xuống chỉ còn 18.000 đồng/kg đã khiến giá thành xuất khẩu cũng giảm sâu.
Kết quả, Hùng Vương không có lợi nhuận từ bán hàng hóa, lỗ gộp 32 tỷ đồng. Doanh thu tài chính trong kỳ cũng giảm mạnh từ 129 tỷ đồng xuống còn 5 tỷ đồng. Mặc dù các loại chi phí được tiết giảm, HVG vẫn lỗ thuần 143 tỷ đồng và lỗ sau thuế 129 tỷ đồng trong Qúy III.
Lũy kế 9 tháng niên độ tài chính 2018-2019, doanh nghiệp của đại gia Dương Ngọc Minh chỉ đạt doanh thu 3.264 tỷ đồng, giảm hơn 1 nửa so với cùng kỳ năm trước. Công ty lỗ ròng 257 tỷ đồng.
Tính đến 30/6/2019, tổng tài sản của Hùng Vương ở mức 8.833 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn chiếm 6.524 tỷ đồng, trong đó khoản phải thu ngắn hạn tiếp tục tăng lên 4.266 tỷ đồng. Hùng Vương đang phải dự phòng khoản phải thu ngắn hạn khó đòi hơn 800 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả tăng từ 6.441 tỷ đồng lên 7.030 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm tới 97%. Lỗ lũy kế của Hùng Vương tính đến cuối kỳ đã tăng lên gần 650 tỷ đồng.
Trước đó vào tháng 4, trong đợt xem xét hành chính của Mỹ về thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm cá tra lần thứ 14 (POR 14), Hùng Vương đã bị áp mức thuế chống bán phá giá cao nhất (3,87USD/kg) trong nhóm các doanh nghiệp thủy sản.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu HVG đang giao dịch ở vùng giá đáy kể từ khi niêm yết, chỉ trên dưới 3.000 đồng/cổ phiếu.