Ngày pháp luật

Kühne Logistics University (KLU) - Động lực mới cho sự phát triển bền vững tại Việt Nam & Đông Nam Á

PV

Kühne Logistics University (KLU), ngôi trường danh tiếng hàng đầu trong lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng, đang khẳng định vị thế quốc tế với những bước tiến chiến lược trong việc mở rộng tại Đông Nam Á, đặc biệt là tại Việt Nam. Không chỉ hướng đến việc cung cấp nền giáo dục chất lượng cao, KLU còn cam kết gắn bó sâu sắc với các nỗ lực thúc đẩy phát triển bền vững tại khu vực.

Sự hiện diện mạnh mẽ của KLU tại GEFE 2024

GEFE 2024 (Diễn đàn & Triển lãm Kinh tế Xanh) là một sự kiện quốc tế quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam, cùng các tổ chức chính phủ và quốc tế, tập trung vào việc phát triển các giải pháp kinh tế xanh, bền vững, và các chính sách hỗ trợ cam kết biến đổi khí hậu, góp phần tạo ra một tương lai bền vững cho Việt Nam và khu vực.

Với vai trò là đối tác giáo dục chính của Diễn đàn & Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE 2024), KLU đã khéo léo tận dụng cơ hội này để thể hiện chuyên môn hàng đầu về giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực phát triển bền vững. Giáo sư tiến sĩ Andreas Kaplan, Hiệu trưởng KLU, chia sẻ rằng việc tham gia GEFE không chỉ là cơ hội để KLU mở rộng mạng lưới tại Việt Nam, mà còn là dịp để trường khẳng định vị thế tiên phong trong lĩnh vực logistics và kinh tế xanh. Sự kiện này là cầu nối giúp KLU gắn kết với cộng đồng kinh tế, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu về phát triển bền vững.

Đặc biệt, tại Student Day, một phần của GEFE 2024, KLU đã tạo điều kiện cho sinh viên tham gia vào các thử thách kinh doanh thực tiễn, nơi các bạn trẻ được thử sức giải quyết những vấn đề liên quan đến phát triển bền vững. Phần thưởng cao nhất – khóa học hè tại Hamburg, Đức – không chỉ là sự ghi nhận cho những nỗ lực của các bạn sinh viên, mà còn là cơ hội để các bạn trải nghiệm môi trường giáo dục quốc tế, tiếp cận với tư duy tiên tiến và những chiến lược phát triển bền vững hàng đầu​.

KLU tại Việt Nam: Đầu tư vào tiềm năng phát triển.

Việt Nam, với tiềm năng kinh tế mạnh mẽ và vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đã được KLU chọn làm điểm đến lý tưởng cho phân hiệu Đông Nam Á của mình. Giáo sư Andreas Kaplan cho biết, quyết định này không chỉ dựa trên sự phát triển nhanh chóng của ngành logistics tại Việt Nam mà còn vì nhu cầu ngày càng cao đối với nguồn nhân lực chất lượng trong lĩnh vực này. Đặc biệt, Việt Nam đang trở thành một trung tâm của khu vực về logistics và quản lý chuỗi cung ứng, điều này khiến KLU nhìn thấy cơ hội lớn để đồng hành và đóng góp​.

Giáo sư tiến sĩ Andreas Kaplan - Hiệu trưởng KLU
Giáo sư tiến sĩ Andreas Kaplan - Hiệu trưởng KLU

Ông Kaplan chia sẻ:" Lần đầu tiên khi tôi và đội ngũ đến Việt Nam, chúng tôi đã thấy văn hóa, con người, đặc biệt là ẩm thực, điều này đã củng cố quyết định của chúng tôi để đặt chân đến Việt Nam. Chiến lược của chúng tôi, như tôi đã nói, chúng tôi muốn xây dựng năng lực địa phương. Chúng tôi muốn đào tạo tài năng địa phương cho thị trường việc làm khu vực và địa phương. Chúng tôi không muốn, như một số tổ chức khác đã làm làm. Chúng tôi không muốn tìm kiếm tài năng cho châu Âu, cho Đức, mà thực sự là về phát triển khu vực."

KLU sẽ mang đến Việt Nam chương trình Thạc sĩ về Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng toàn cầu, một trong những chương trình được đánh giá cao nhất tại Đức. Đây sẽ là cơ hội quý báu cho sinh viên Việt Nam tiếp cận nền giáo dục tiên tiến, đạt chuẩn quốc tế mà không cần phải rời xa quê hương. Chương trình này không chỉ giúp sinh viên Việt Nam trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để thành công trong lĩnh vực logistics mà còn mang đến cho họ bằng cấp quốc tế, mở ra cơ hội làm việc toàn cầu​.

Mạng lưới kết nối doanh nghiệp vững chắc

Thế mạnh độc đáo của KLU nằm ở mối quan hệ sâu sắc với các tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực logistics. Là một thành viên của Kuehne Foundation, KLU được thừa hưởng mối liên kết sâu sắc với những đồng mình khổng lồ như Kuehne + Nagel - đế chế nằm trong top 10 công ty logistics lớn nhất thế giới, Hapag Lloyd - tập đoàn vận tải đứng thứ 5 trên toàn cầu, và Lufthansa - hãng hàng không quốc gia Đức, đồng thời lớn thứ 4 trên thế giới. Những đối tác này không chỉ tạo ra cơ hội thực tập và việc làm cho sinh viên mà còn là nơi cung cấp kiến thức thực tiễn thông qua các buổi giảng dạy, hội thảo và các dự án nghiên cứu.

Sinh viên tại KLU không chỉ được nắm chắc nền tảng lý thuyết mà còn có cơ hội tiếp cận với những bối cảnh thách thức thực tế từ ngành công nghiệp qua việc thường xuyên tương tác với các chuyên gia từ các tập đoàn lớn, giúp sinh viên phát triển tư duy nhạy bén và kỹ năng thực tiễn, đảm bảo sự tự tin, sẵn sàng đối mặt với thị trường lao động ngay sau khi tốt nghiệp​.

Sứ mệnh gắn liền với tầm nhìn lâu dài

KLU luôn tự hào là một trong những tổ chức giáo dục tiên phong trong nghiên cứu và giảng dạy về logistics xanh. Trung tâm xuất sắc về Logistics bền vững và Chuỗi cung ứng của trường đã góp phần định hình ngành này như một lĩnh vực khoa học độc lập từ những năm 1980. Trong suốt sự kiện GEFE 2024, KLU đã tham gia tích cực vào các diễn đàn quan trọng về phát triển bền vững, với các chủ đề xoay quanh trách nhiệm của chính phủ và các doanh nghiệp trong việc thực hiện cam kết COP25 về biến đổi khí hậu.

Việc xây dựng phân hiệu tại TP.HCM cũng là một phần trong chiến lược phát triển bền vững của KLU, với mục tiêu dài hạn là đào tạo và phát triển nguồn nhân lực địa phương có chất lượng cao, từ đó góp phần vào sự thịnh vượng bền vững của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á​.

Tiến sĩ Trịnh Việt Dũng - Giám đốc phân hiệu KLU Đông Nam Á
Tiến sĩ Trịnh Việt Dũng - Giám đốc phân hiệu KLU Đông Nam Á

Tiến sĩ Trịnh Việt Dũng, Giám đốc phân hiệu KLU Đông Nam Á, đồng thời chia sẻ rằng một trong những ưu tiên hàng đầu của KLU tại Việt Nam là tạo ra tác động xã hội thông qua việc đào tạo những nhà lãnh đạo trẻ có tư duy chiến lược và năng lực thực tiễn. Với sứ mệnh xây dựng năng lực địa phương, KLU không chỉ mang đến cho sinh viên nền tảng kiến thức vững chắc mà còn giúp họ phát triển tư duy lãnh đạo để trở thành những người dẫn dắt sự thay đổi.

Chú trọng vào sứ mệnh phát triển năng lực địa phương, tại Student Day, sinh viên được thử sức với các thử thách kinh doanh thực tế, dưới sự cố vấn từ các chuyên gia trong ngành. Điều này không chỉ giúp họ phát triển kỹ năng quản lý mà còn khơi dậy tinh thần sáng tạo, sẵn sàng đương đầu với những thách thức của nền kinh tế xanh trong tương lai​. Tiến sĩ Trịnh Việt Dũng chia sẻ về giải thưởng khóa học hè 3 tuần tại Hamburg: "Đây là một cơ hội tuyệt vời cho các sinh viên tìm hiểu về tư duy vận hành của KLU, học hỏi thêm về quản lý chuỗi cung ứng bền vững cũng như các lĩnh vực khác mà KLU tập trung nghiên cứu. Tôi tin rằng điều này sẽ nâng cao khả năng cũng như tư duy của sinh viên. Và tôi rất háo hức và mong chờ những gì họ sẽ mang lại và thực hiện trong cộng đồng sau khi trở về."

KLU không ngừng mở rộng và phát triển các chương trình đào tạo chất lượng. Sau khi ra mắt thành công chương trình thạc sĩ, KLU đang nhanh chóng hướng tới việc triển khai các chương trình cử nhân bằng tiếng Anh trong vài năm tiếp theo, với sự cam kết đồng hành cùng các dự án nghiên cứu địa phương, đồng thời hợp tác để đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho khu vực​.

 

Trong khuôn khổ GEFE 2024 (Diễn đàn và triển lãm kinh tế xanh) tại Việt Nam diễn ra từ 21-23/10/2024, Giáo sư tiến sĩ Arne Heinold đến từ KLU đã tham gia các phiên thảo luận thảo luận và chia sẻ về phát triển bền vững thông qua xây dựng logistics bền vững cũng như vai trò của KLU trong việc đồng hành cùng Việt Nam và khu vực về vấn đề này.

Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện xếp hạng 64/160 quốc gia về phát triển logistics và đứng thứ 4 trong khu vực. Tốc độ tăng trưởng hàng năm của ngành logistics Việt Nam là 14-16%, với quy mô 40-42 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, ngành vẫn đối mặt với nhiều thách thức về đồng bộ hóa hệ thống cảng, sân bay và đường bộ; doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ; và sức cạnh tranh yếu trong thị trường dịch vụ quốc tế và nội địa.

Giáo sư tiến sĩ Arne Heinold- KLU
Giáo sư tiến sĩ Arne Heinold- KLU

- Ông có thể cho biết nhận định của mình về tiềm năng và thách thức của ngành logistics Việt Nam không? Theo bạn, những giải pháp quan trọng nào mà Việt Nam cần để đạt được mục tiêu giảm chi phí logistics, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao sức cạnh tranh của ngành logistics trên thị trường quốc tế?

Đây là một câu hỏi rất phù hợp ở thời điểm hiện nay khi mà ngành vận tải có thể tác động tới 20% lên thương mại quốc tế (Theo một số nghiên cứu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Một điều rõ ràng là nếu chúng ta chỉ áp dụng các giải pháp từ các quốc gia phát triển như những giải pháp sẵn có ở Đức, chúng sẽ không phù hợp với Việt Nam vì chúng sẽ không mang lại kết quả chuyển đổi kinh tế “xanh” như mong đợi.

Bởi vì thách thức đối với Việt Nam là việc thu hẹp khoảng cách hạ tầng hoặc đơn giản hóa các quy định, nhưng tôi cũng rất tin tưởng rằng những thách thức này là cơ hội lớn. Thay vì sao chép các giải pháp từ các nước phát triển, Việt Nam có thể đưa ra các giải pháp sáng tạo mới, để tránh những bẫy mà các nước phát triển đang vướng phải. Việc thay đổi một hệ thống hiện tại khó khăn hơn nhiều so với việc tạo ra một hệ thống mới từ đầu. Đây là một cơ hội lớn để Việt Nam thực sự vượt trội về mặt "xanh hóa".

Một điểm khác tôi muốn nhấn mạnh là việc kết nối các chủ đề với nhau là rất quan trọng. Chúng ta nói rất nhiều về tính bền vững, đặc biệt là trong hội nghị này. Nhưng khi nhìn vào ngành logistics và chuỗi cung ứng, chúng ta thấy nhiều thay đổi. Thương mại điện tử đang gia tăng, điều này cũng sẽ làm tăng lượng vận tải. Chúng ta cũng thấy sự số hóa với trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (machine learning) sẽ có tác động lớn đến ngành, điều này cũng tác động và giúp sự bền vững đang dần phát triển hơn. Tại KLU, chúng tôi dạy rằng chúng ta cần kết nối các yếu tố này với nhau và giải quyết chúng một cách toàn diện như một vấn đề lớn.

Trong ngành logistics và chuỗi cung ứng có nhiều phần riêng lẻ và rất nhiều thay đổi đang diễn ra. Chính vì thế, chúng ta cần tiếp cận vấn đề một cách tổng thể.

- Ông nghĩ gì về việc thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng không (net zero) tại Việt Nam? Tôi hiểu rằng việc áp dụng các công nghệ xanh có thể rất tốn kém, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tạo ra lợi nhuận trong khi vẫn duy trì được mức phát thải ròng bằng không để đạt kết quả kinh tế tối ưu.

Hiện nay, ở Liên minh châu Âu, chúng tôi đã quyết định áp dụng thuế carbon. Vì vậy, đối với mỗi tấn khí thải được phát ra, các công ty phải trả phí. Ở Hoa Kỳ, họ sử dụng trợ cấp. Họ có Đạo luật Giảm Lạm phát (Inflation Reduction Act), về cơ bản cung cấp rất nhiều tiền cho các công ty nếu họ đầu tư vào công nghệ xanh. Đây là hai cách tiếp cận khác nhau.

Rất khó để nói hiện tại cách tiếp cận nào sẽ tốt hơn và chúng tôi sẽ lựa chọn phương pháp nào để áp dụng, bởi điều này sẽ tác động đáng kể đến cách các công ty hoạt động. Về điều này chúng tôi sẽ nghiên cứu trong tương lai và chứng minh xem phương pháp nào chứng minh hiệu quả hơn. Cũng có thể áp dụng cả hai sẽ thành công.

KLU có chương trình mà tôi đã đề cập trước đó, và tất cả các chương trình của chúng tôi đều tập trung vào các chủ đề về tính bền vững. Chúng tôi nỗ lực tích hợp tính bền vững vào các khóa học thường xuyên, các lớp học chuyên sâu như logistics xanh và quản lý chuỗi cung ứng bền vững. Các lớp học này tập trung vào việc các công ty có thể thay đổi, hoặc cần phải thay đổi như thế nào để đạt được các mục tiêu phát thải ròng bằng không đồng thời tối ưu hóa chuỗi cung ứng và giảm thiểu tác động môi trường.

- Ngành logistics đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa chuỗi cung ứng và giảm thiểu tác động đến môi trường. Do đó, đào tạo kỹ năng xanh cho nguồn nhân lực logistics không chỉ là một xu hướng mà còn là yêu cầu để đáp ứng các tiêu chuẩn ESG. KLU có quan tâm đến nội dung này không? Theo ông, có cần phát triển tiêu chuẩn đầu ra cho các cơ sở đào tạo nhân lực liên quan đến kỹ năng xanh trong ngành này không?

Tại KLU, chúng tôi tập trung vào hai lĩnh vực chính: nghiên cứu và giảng dạy. Chúng tôi có các chương trình cử nhân và thạc sĩ, cũng như giáo dục điều hành. Điều này bao gồm các chứng chỉ trong khoá học hè cho các kỹ năng cụ thể như đo lường lượng carbon. Chúng tôi muốn phát triển các chương trình liên quan đến những cơ hội học tập này.

Chúng tôi quyết định đào tạo chương trình logistics và quản lý chuỗi cung ứng này tại Việt Nam bởi sự tiềm năng nơi đây và với mong muốn mở một cơ sở phục vụ cho hàng triệu người dân châu Á trong tương lai. Chúng tôi không đến đây để kiếm lợi nhuận mà muốn tái đầu tư toàn bộ doanh thu vào Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Điều chúng tôi muốn thực hiện là xây dựng năng lực (capacity building). Chúng tôi mong muốn đào tạo những nhà lãnh đạo trong lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng cho thị trường địa phương, và đây là điểm khác biệt so với các nhà đầu tư khác trên thị trường.

Hơn nữa, ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng sẽ đóng vai trò lớn trong việc đạt được mục tiêu trung hòa carbon. Với ông Kuhne, người sáng lập đại học của chúng tôi, việc cam kết với các mục tiêu phát triển bền vững là rất quan trọng. Khi quyết định đến Việt Nam, chúng tôi đã thấy tiềm năng lớn của thị trường này trong lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng, và điều này cũng tạo ra cơ hội tuyệt vời cho nguồn nhân lực.

Nhưng trước hết cần phải đào tạo nhân lực có kỹ năng về logistics và quản lý chuỗi cung ứng để đạt được mục tiêu trung hòa carbon. Đó là lý do chúng tôi vào thị trường này, để truyền tải kiến thức và giáo dục về logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

- Ông định nghĩa thế nào về "kỹ năng xanh" đang rất xu hướng trên toàn cầu và bạn có quan điểm gì về việc đào tạo và giáo dục lực lượng lao động ở Việt Nam, đặc biệt là sinh viên KLU trong việc phát triển các kỹ năng này trong bối cảnh kinh tế tuần hoàn đang gia tăng?

Theo ý kiến của tôi, “kỹ năng xanh” là tập hợp các kỹ năng cần thiết để thiết kế một chuỗi cung ứng xanh và bền vững, nó giống với những kỹ năng cần có để tạo ra một chuỗi cung ứng hiệu quả về chi phí. Điều này liên quan đến tư duy phân tích, kết nối các trường hợp thực tế (case study) khác nhau và dựa trên dữ liệu trong lĩnh vực logistics. Tôi không cho rằng định nghĩa đó là một nhóm kỹ năng riêng mà nói đúng hơn kỹ năng xanh là “tập hợp kỹ năng theo nghĩa rộng” hơn.

Hơn nữa, các kỹ năng liên quan đến logistics và quản lý chuỗi cung ứng có thể áp dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Một khi bạn hiểu cách lập bản đồ chuỗi cung ứng phức tạp một cách đơn giản và cải thiện hiệu suất của nó trong khi hợp tác với nhiều đối tác khác nhau, bạn có thể chuyển những kỹ năng đó sang các lĩnh vực khác như marketing, tài chính, và kế toán.

Để tôi đưa ra một ví dụ. Nếu chúng ta nhìn vào kế toán carbon, quá trình này bao gồm việc xác định lượng phát thải liên quan đến một sản phẩm hoặc dịch vụ trong suốt chuỗi cung ứng, điều này khá phức tạp. Tuy nhiên, khi thành thạo việc tính toán carbon, bạn cũng có thể nâng cao hiểu biết của mình về tính toán chi phí. Hai lĩnh vực này có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Chúng tôi dạy các kỹ năng xanh, nhưng một khi sinh viên đã nắm vững, họ có thể áp dụng chúng một cách rộng rãi.

Tại Việt Nam, điều rất quan trọng là phải giáo dục sinh viên và phải nhận được sự đồng hành của các nhà lãnh đạo về tầm quan trọng của các giải pháp bền vững. Chúng ta cần chỉ ra cho những người ra quyết định thấy rằng việc áp dụng những giải pháp này sẽ mang lại lợi ích về lâu dài. Điều này có nghĩa là phải đi sâu vào các con số và chỉ ra rằng, mặc dù các lựa chọn bền vững có thể đắt đỏ hơn ban đầu, nhưng cuối cùng chúng sẽ mang lại lợi nhuận tốt hơn.

Tin Cùng Chuyên Mục