Theo Forbes, vị tỷ phú 77 tuổi là người giàu thứ 9 thế giới. Ông cũng quyên góp hơn 5 tỷ USD cho các vấn đề như kiểm soát súng đạn, hạn chế biến đổi khí hậu… Michael Bloomberg lên kế hoạch chi ít nhất 500 triệu USD để đánh bại Trump trong cuộc tranh cử 2020.
Mặc dù Bloomberg là gương mặt kỳ cựu trên chính trường Mỹ (từng là thị trưởng New York), nhưng tin tức tranh cử gần đây của ông đã kéo theo nhiều ý kiến trái chiều nhau. Có ủng hộ và cũng có chỉ trích gay gắt.
Thế nhưng, từ lâu Bloomberg đã có 1 phương châm rất đơn giản để đương đầu với những đòn tấn công: “Chỉ cần biết khi mọi việc kết thúc, bạn sẽ ổn và họ thì không”.
Đó chính xác là lời khuyên của Bloomberg dành cho nhà sáng lập kiêm CEO Evan Spiegel của Snapchat (giờ là Snap) khi vị doanh nhân trẻ đối đầu với “bão” chỉ trích năm 2014.
Bloomberg giải thích thêm về nguyên tắc sống của mình: “Không phải ai cũng yêu thích bạn, được thôi. Nhưng tại sao phải cho họ mãn nguyện vì đã làm ta tổn thương và trở nên tội nghiệp?”.
Cách phản ứng đầu tiên của Bloomberg với chỉ trích: Bơ đi mà sống!
Hơn nữa, thất bại không phải lúc nào cũng dẫn đến lụn bài. Nếu có ý chí, người ta sẽ biết đứng lên từ vấp ngã và hướng đến điều to tát hơn. Điều đó đúng với Bloomberg.
Vị tỷ phú cho rằng nếu không bị đuổi việc năm 39 tuổi thì cuộc đời ông đã rất khác. “Thế thì tôi sẽ không dùng tấm bằng kĩ sư điện tử để thành lập công ty công nghệ thông tin của mình, và sau đó là hệ thống máy tính phục vụ cho thị trường chứng khoán”. Ý của ông muốn đề cập Bloomberg L.P. - “cỗ máy” đã giúp ông trở thành tỷ phú.
Dĩ nhiên, đôi khi chúng ta phải chấp nhận và tôn trọng những chỉ trích đúng. Trong những năm làm thị trưởng, Bloomberg kể rằng: “Tôi đã muốn bước ra ngoài đường và đấm vào cột đèn sau khi đọc báo. Không phải vì những điều cánh phóng viên đã viết, mà bởi vì những điều tôi đã làm, hay những lời phát biểu ngu ngốc của mình. Tôi chỉ cảm thấy phiền lòng vì lỗi lầm của bản thân”.
Cách phản ứng thứ hai của Bloomberg với chỉ trích: Nhận ra sai lầm của mình
Dù vậy, Bloomberg đã chọn cách đứng dậy từ sự vấp ngã của mình. Ông nghĩ rằng mọi thứ sẽ trôi qua mau.
“Không ai muốn khắc ghi điều gì mãi mãi. Họ chẳng nhớ nổi đâu. Bạn nghĩ rằng ‘Chúa ơi, tôi sẽ bị căm ghét suốt đời’ nhưng thật ra là không ai thèm quan tâm thường xuyên đến bạn”.
Với Bloomberg, chỉ trích có thể đến gõ cửa văn phòng ông, nhưng haters (những kẻ ganh ghét) thì đừng hòng.