Tính đến sáng 30/1, virus corona Vũ Hán đã gây bệnh viêm phổi ở nhiều nước trên thế giới, ghi nhận tổng cộng 7.894 ca. Trong đó ở Trung Quốc có 7.771 ca, số người chết tăng lên đến 170.
Để phòng ngừa bản thân mắc bệnh truyền nhiễm, người dân đã chủ động trang bị khẩu trang khi đến nơi công cộng. Trên thị trường có 2 loại khẩu trang bảo vệ đường hô hấp được nhắc đến nhiều nhất:
Loại thứ nhất là khẩu trang y tế/khẩu trang ngoại khoa (surgical mask) với 3 lớp. Loại thứ hai là N95 (N95 respirator). N95 có nghĩa là lọc được 95% bụi mịn 0.3 micron trong không khí, tức N95 về lý thuyết có thể lọc không khí tốt hơn khẩu trang y tế, nhưng hiệu quả thực sự trong phòng chống bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng thì chưa rõ và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố.
Theo báo Strait Times ghi nhận ở Singapore, khẩu trang N95 là loại đắt hàng hơn cả. Trong số 5 cửa hàng thuốc ở các ga tàu điện Clementi và Bishan thì 4 cửa hàng đã hết sạch khẩu trang N95, chỉ có 3 cửa hàng bán hết khẩu trang y tế.
Tại hệ thống cửa hàng của Guardian - chuỗi nhà thuốc lớn nhất Singapore với 115 đại lý - lượng bán khẩu trang y tế đã tăng gấp 4 lần trong nửa đầu tháng 1/2020. Mặt hàng bán chạy nhất vẫn là N95.
Gây sốt là vậy nhưng theo chuyên gia y tế, N95 không có tác dụng bảo vệ hiệu quả hơn khẩu trang y tế.
Bởi vì con đường lây nhiễm chủ đạo của coronavirus là qua tiếp xúc (tay dính mầm bệnh rồi đưa vào miệng/mũi/mắt) và qua giọt bắn (ho/hắt xì bắn mầm bệnh ra xung quanh), nhiều chuyên gia nói rằng khẩu trang y tế là đủ hiệu quả ở mức cộng đồng.
Giám đốc Koh Peng Leng công tác tại Bộ Y tế Singapore cho biết: “Đối với cộng đồng, nếu mắc bệnh thì lời khuyên là nên dùng khẩu trang y tế thông thường thay vì N95. Khẩu trang y tế cũng đủ giảm xuống nguy cơ truyền nhiễm virus mà lại dễ sử dụng hơn. Mục đích chính của chúng là ngăn nước bọt và chất dịch lây từ những cơn ho, hắt hơi… từ người này sang người khác; hoặc ngăn virus tiếp xúc từ tay lên miệng và mũi”.
Trong khi đó, khẩu trang N95 được thiết kế để loại bỏ các phân tử nhỏ hơn trong không khí. Vì vậy thiết kế của nó gây cảm giác không thoải mái cho người sử dụng.
Leo Yee Sin - giám đốc điều hành Trung tâm Quốc gia Singapore về Bệnh truyền nhiễm - chia sẻ rằng: “Khẩu trang N95 được trang bị cho nhân viên y tế hơn là người dân nói chung. Nếu đeo N95 mà vẫn hít thở thoải mái thì bạn đang đeo sai cách, không phát huy tác dụng của nó… Bạn nghĩ mình đang được bảo vệ nhưng thực ra là không”.
N95 dùng cho nhân viên y tế thay vì mọi người
Bác sĩ Phạm Nguyên Quý - Khoa Nội khoa ung thư, Bệnh viện Đại học Kyoto, Nhật Bản cũng có quan điểm cho rằng N95 không hiệu quả hơn khẩu trang y tế thông thường. Bác sĩ Quý chia sẻ với trang Trí Thức Trẻ: “N95 dễ dùng sai. Nó có giá thành mắc và ít nguồn cung, nên người dùng có xu hướng mang kéo dài, thậm chí xài lại nhiều lần. Tuy nhiên, việc làm này mang nguy cơ lây truyền mầm bệnh qua tiếp xúc do chạm vào bề mặt bị nhiễm bẩn của khẩu trang.
Ngoài ra, N95 không phù hợp với trẻ con vì khuôn mặt nhỏ, và thường giảm hiệu quả ở người có nhiều lông mặt (râu quai nón) do không đeo khít. Việc bịt kín cũng gây khó thở và người có bệnh phổi, bệnh tim mạch thường không thể đeo lâu”.
Tóm lại, người dân nên dùng khẩu trang y tế thay vì đổ xô mua N95 - đắt đỏ, tốn kém mà hiệu quả không tốt hơn, thậm chí còn kém thoải mái và phản tác dụng nếu đeo sai cách.
Lưu ý cách đeo khẩu trang chuẩn xác như sau:
(Ảnh: Strait Times)
Khẩu trang đeo khít mũi, miệng, cằm; mặt có màu hướng ra ngoài. Thanh kim loại ở phần mũi phải được cố định sát vào sống mũi. Khi tháo khẩu trang thì gỡ phần dây đeo, không dùng tay chạm vào bề mặt khẩu trang.
Mặt khác, khẩu trang không thể bảo vệ mắt và cũng không ngăn cản được hoàn toàn virus lây nhiễm qua đường hô hấp. Biện pháp hiệu quả hơn là thực hiện lối sống lành mạnh, rửa tay kĩ và thường xuyên.
Dịch vụ y tế quốc gia Anh đề nghị 3 biện pháp hiệu quả nhất để phòng tránh cúm do virus:
Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước ấm. Hạn chế đụng chạm vào mắt, mũi ở mức thấp nhất có thể. Giữ gìn thói quen sống lành mạnh. Ăn chín uống sôi.