Khách hàng "tố" Khải Silk bán hàng Trung Quốc

Thùy Chi

(Doanhnhan.vn) - Một chiếc khăn tay còn sót lại mác "Made in China" kèm theo cả mác "Khaisilk Made in Vietnam" trong lô hàng 60 chiếc đã khiến khách hàng hồ nghi về nguồn gốc thật sự của các sản phẩm này. Trong khi người đại diện Khải Silk trả lời không thuyết phục...

Ngày 17/10/2017, sau khi tiếp nhận những phản ánh của khách hàng Nguyễn Hồng Phương - đại diện hợp pháp Công ty Vinacom về lô hàng 60 chiếc khăn tay lụa Công ty Vinacom đã đặt mua trước đó của Khaisilk có một chiếc khăn có đính kèm cả hai mác "Khaisilk Made in Vietnam" và "Made in China", đại diện Khaisilk là ông Trần Văn Cương - chức vụ Phụ trách cửa hàng Khaisilk Hà Nội đã có văn bản ghi nhận sự việc nhưng lý lẽ trong văn bản không hề có sự thuyết phục...

Khách hàng

Sản phẩm khăn tay lụa của Khải Silk có gắn mác Trung Quốc. (Ảnh: Doanhnhan.vn/Thùy Chi) 

Trước đó, Công ty Cổ phần Tiếp thị và Truyền thông Vinacom đã đặt mua của cửa hàng Khaisilk 13 Hàng Gai lô hàng 60 chiếc khăn tay lụa, có đơn giá 644.000vnđ/1 khăn, chiết khấu tổng hóa đơn 10%, và anh Cao Văn Hợi - nhân viên giao hàng của Khaisilk là người trực tiếp giao hàng.

Khi nhận lô hàng 60 chiếc khăn và tiến hành kiểm tra hàng trước khi mang gửi tặng những đối tác quan trọng của Công ty với mục đích tri ân đối tác lớn, chị Hồn Phương cùng một số nhân viên Công ty Vinacom bỗng phát hiện một chiếc khăn có đính kèm cả hai mác như đã nêu trên.

Được biết Khaisilk là một cơ sở uy tín bậc nhất trong lĩnh vực tơ tằm và dệt thủ công của Việt Nam, gốm Bát Tràng và Lụa Khaisilk là một trong những món quà đặc biệt - nói lên bản sắc dân tộc Việt Nam với bạn bè năm châu. Vì vậy, sự việc này khiến cho chị Hồng Phương cùng những nhân viên Công ty Vinacom chứng kiến sự việc ngày hôm đó vô cùng hoang mang, không tránh được sự thất vọng...

Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Hồng Phương bức xúc cho biết: "Với tôi và những con người Việt Nam có lòng tự tôn dân tộc, gốm Bát Tràng và lụa Khaisilk luôn luôn là những thương hiệu cao cấp và quý giá vì đều được làm bằng tay, có rất nhiều đơn vị cung cấp sản phẩm về lụa, nhưng Khaisilk với uy tín lâu năm đi kèm chất lượng nức danh từ trước đến nay vẫn là thương hiệu mà tôi ưu tiên lựa chọn, vậy mà... những gì đại diện Khaisilk giải thích với tôi bằng văn bản thật sự là chưa thỏa đáng, và những lời đó có nói trẻ con cũng không thể tin được nói gì đến những người kinh doanh như tôi..." - Chị Hồng Phương bỏ lửng câu nói.

Khách hàng

Hóa đơn bán hàng của Khải Silk cho lô hàng của Công ty Vinacom. (Ảnh: Doanhnhan.vn/Thùy Chi)

Được biết, ngoài chiếc khăn có gắn cả hai loại mác trên, chị Hồng Phương nhắc nhân viên kiểm tra lại 59 chiếc khăn còn lại thì nhận thấy cả 59 chiếc đều có dấu hiệu bị cắt mác, với những đuôi mác vẫn còn dính lại trên chiếc khăn,, chỉ cần tinh ý một chút thì có thể phát hiện một cách dễ dàng. Có lẽ nếu không vì sự cẩu thả của một vài công nhân của Khaisilk trong khâu "sản xuất bằng tay" thì sự việc có lẽ không bao giờ được đem ra ánh sáng, và người tiêu dùng vẫn mãi mãi bị uy tín của Khaisilk che lấp mất sự nhìn nhận chính đáng về sản phẩm...

Chị Hồng Phương không giấu được sự bức xúc: "Tôi thực sự cảm thấy thất vọng nếu như những gì tôi và nhân viên Công ty ngày hôm đó đã chứng kiến chính là bản chất thật về hàng hóa của Khaisilk hiện nay, và tôi cũng như những người tiêu dùng chân chính rất cần và mong chờ đại diện Khaisilk lên tiếng chính thức về sự việc này chứ không phải chỉ là văn bản giải thích về một chiếc khăn mà có thể lấp liếm về nguồn gốc của 59 chiếc khăn tay còn lại, thật sự quá trắng trợn. Tôi cảm thấy lòng tin của tôi nói riêng và của người tiêu dùng trong và ngoài nước nói chung đang bị lợi dụng. Và nếu có thể, tôi mong các cơ quan chức năng hãy vào cuộc để làm rõ sự việc này, trả lại niềm tin chân chính cho những người tiêu dùng như tôi...".

Bỏ ra một số tiền không nhỏ, chọn một thương hiệu lớn và uy tín như Khaisilk để "chọn mặt gửi vàng", nhưng những gì chị Nguyễn Hồng Phương (Phó Giám đốc) cùng toàn thể nhân viên Công ty Cổ phần Tiếp thị và Truyền thông Vinacom nhận được chỉ là sự e ngại với khách hàng đối tác cùng sự thiệt hại về mặt kinh tế và thời gian khi phải cử nhân viên bay thẳng vào Đắc Lắc trong thời gian gấp gáp để giải quyết vấn đề nhầm lẫn tai hại mà lỗi nằm ở phía nhà cung cấp sản phẩm này.

"Nếu như không kiểm tra kỹ mà Công ty tôi mang tặng đối tác lô hàng này thì có lẽ uy tín của Công ty cùng uy tín của vợ chồng tôi chắc không còn gì nữa và có bao nhiêu tiền cũng không bù đắp lại được, thiệt hại khi đó có thể nói là vô cùng lớn. Hiện tại phía Khaisilk đã nhận lại 58 chiếc khăn và thanh toán trả lại cho Công ty tôi số tiền bằng với giá trị của 58 chiếc khăn, tôi có giữ lại hai chiếc để làm bằng chứng, nhưng phía Khaisilk không hề có một lời xin lỗi hay kết luận chính thức nào về chất lượng cũng như nguồn gốc của lô hàng, mà thay vào đó là những lý lẽ lấp liếm rất vụng về. Có vẻ như họ muốn mọi chuyện nhanh chóng rơi vào vòng quên lãng... " - chị Hồng Phương đại diện cho lãnh đạo Công ty Vinacom trả lời phỏng vấn.

Tiến hành liên lạc với anh Trần Văn Cương - Phụ trách bán hàng của cửa hàng Khaisilk Hà Nội, anh Cương né tránh trả lời phỏng vấn bằng cách không trả lời điện thọai cũng như tin nhắn mặc dù phóng viên đã rất nỗ lực tìm cách liên lạc...

Có hay không việc Khaisilk - một thương hiệu lớn, lâu đời và rất nổi tiếng, chuyên phân phối và cung cấp những mặt hàng tơ tằm dệt tay truyền thống của Việt Nam trà trộn bán hàng Trung Quốc núp bóng hàng thủ công Việt Nam? Có hay không việc Khaisilk im lặng trước sự việc nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu cũng như uy tín lâu năm của mình? Và có hay không việc Khaisilk đã, đang và sẽ tiếp tục lợi dụng niềm tin và sự tự tôn văn hóa truyền thống của người Việt để tiếp tục trà trộn bán hàng trôi nổi gắn mác "Made in Vietnam" để trục lợi!? Quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng chính là câu hỏi rất lớn đặt ra qua sự việc này và rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng để những quyền lợi đó sẽ được bảo vệ một cách triệt để nhất.

Tin Cùng Chuyên Mục