Báo cáo tài chính quý II của ngân hàng Eximbank cho thấy, tổng tài sản của ngân hàng tính tới ngày 30/6 chỉ đạt hơn 147.000 tỷ đồng, giảm khoảng 20.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
Tài sản của Eximbank giảm mạnh là hệ lụy từ việc ngân hàng bị rút vốn trong nửa đầu năm. Cụ thể, tiền gửi khách hàng trong 6 tháng đầu năm nay đã giảm gần 11%, từ mức 139.200 tỷ đồng xuống còn 124.500 tỷ đồng.
Không chỉ người gửi rút tiền, các ngân hàng khác cũng rút tiền khỏi Eximbank khi giá trị tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác ghi nhận giảm gần 6.000 tỷ đồng, từ mức 8000 tỷ đồng xuống còn 2.300 tỷ đồng.
Để cân đối, trong kỳ Eximbank cũng phải rút về hơn 10.000 tỷ đồng tiền, vàng gửi tại các tổ chức tín dụng khác. Tuy vậy tổng tài sản giảm mạnh, chủ yếu do khách hàng gửi tiền rút vốn khoảng 15.000 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng báo cáo quý II với tổng tài sản giảm 7.000 tỷ đồng, từ mức 102.500 tỷ đồng thời điểm đầu năm xuống còn 95.500 tỷ đồng.
Trong khi huy động khi tiền gửi của khách hàng gần như dậm chân tại chỗ so với thời điểm đầu năm, đạt 69.900 tỷ đồng, ABBank phải đối mặt với tình trạng rút vốn mạnh của các ngân hàng khác.
Cụ thể, ngân hàng ghi nhận khoản vay các tổ chức tín dụng khác của ngân hàng giảm 6.000 tỷ đồng, từ mức 8.200 nghìn tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 2.200 nghìn tỷ đồng thời điểm cuối quý II.
Cùng với đó, phát hành giấy tờ có giá của ngân hàng giảm gần 4.000 tỷ đồng, từ mức 5.200 tỷ đồng xuống còn 1.400 tỷ đồng.
Để cân đối, ABBank đã phải rút bớt tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác về. Khoản mục này ghi nhận đạt 15.200 tỷ đồng vào cuối quý II, giảm hơn 2.600 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
Hoạt động rút tiền mạnh mẽ từ các ngân hàng khác được thể hiện rõ nét tại Ngân hàng Quốc Dân (NCB). Thời điểm cuối quý II, tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng khác tại NCB đã giảm tới 93%, từ mức 11.500 tỷ đồng xuống còn 828 tỷ đồng. Trong khi đó, tiền gửi khách hàng chỉ tăng 3.000 tỷ đồng
Để bù đắp nguồn vốn, NCB cũng phải rút tiền, vàng gửi tại các ngân hàng khác về. Tiền gửi tại tổ chức tín dụng khác đã giảm gần 11.000 tỷ đồng, từ 14.400 tỷ đồng xuống còn 3.400 tỷ đồng. Tổng tài sản của NCB, theo đó, giảm 11%, so với đầu năm, xuống 71.300 tỷ đồng.
Là ngân hàng ra báo cáo chậm nhất ngành, đến nay Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoViet Bank) vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh quý II. Tuy nhiên, có thể thấy ngay từ quý I, tình trạng rút vốn mạnh đã diễn ra tại ngân hàng này.
Tiền gửi khách hàng của BaoViet Bank trong quý I đạt 26.700 tỷ đồng, giảm 3.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng khác của ngân hàng giảm gần 10.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, còn 8.500tỷ đồng.
BaoViet Bank cũng phải rút hơn 3.000 tỷ đồng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác về. Cuối quý I, báo cáo tài chính ghi nhận tổng tài sản của BaoViet Bank giảm mạnh hơn 20%, còn 47.700 tỷ đồng.
Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các ngân hàng đang phải tung ra nhiều gói tín dụng quy mô lớn với lãi suất ưu đãi. Để đáp ứng nguồn vốn hàng trăm nghìn tỷ đồng này, các nhà băng đã rút mạnh tiền về, tự cân đối thanh khoản và nguồn tiền.
Tình trạng này đã diễn ra từ quý I và tiếp tục đẩy mạnh trong quý II. Tuy nhiên, trong đa phần các ngân hàng vẫn duy trì được sự cân bằng và ghi nhận tăng trưởng tốt trong quý II thì một số ngân hàng bộc lộ điểm yếu, tài sản sụt giảm mạnh.
Trong khi đó, các ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh cũng phải mặt với tình trạng tổng tài sản suy giảm do Kho bạc Nhà nước đã rút tổng cộng gần 189.000 tỷ đồng tiền gửi thanh toán và có kỳ hạn tại 3 ngân hàng Vietcombank, Vietinbank và BIDV.
Hoạt động này của Kho bạc Nhà nước nhằm đáp ứng quy định mới tại Thông tư 58/2019 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 1/11/2019. Với quy định này, nếu như trước đây Kho bạc Nhà nước khi chưa sử dụng tiền để giải ngân có thể gửi tại các ngân hàng thương mại thì từ nay đến cuối năm sẽ phải thu hồi về và gửi tại tài khoản đặt ở Sở giao dịch ngân hàng nhà nước.
Link bài gốc