Là một đất nước vô cùng đa dạng về văn hóa, trong đó có văn hóa ẩm thực, Hoa Kỳ cũng sở hữu vô vàn thương hiệu bánh kẹo hay thực phẩm đóng hộp đình đám. Ngành kinh doanh thực phẩm cũng đóng góp cho xứ cờ hoa đến 41 tỷ phú đô la giàu có nhất nước, theo báo cáo của Forbes gần đây.
Vậy nên nhiều startup cũng muốn khởi sự ở lĩnh vực này, trong đó có John Sorial - nhà sáng lập 43 tuổi của TaDah Foods. Có thể nói TaDah bắt nguồn từ tình yêu đầy xúc động của anh với ẩm thực quê nhà.
Món ăn quê nhà trên xứ người
Công ty TaDah sản xuất và thương mại món ăn falafel mang hương vị đường phố. Đây là món bánh dạng viên tròn được rán ngập dầu, làm từ nhân là hạt đậu gà hay đậu răng ngựa. Falafel là một trong những món ăn truyền thống Trung Đông, nhiều tài liệu ghi xuất xứ từ Ai Cập - cũng là quê hương của startup John Sorial.
Món bánh đậu rán falafel cuộn trong bánh mì dẹt (ảnh: Splendid Table)
Sản phẩm của TaDah hiện có 2 dòng khác nhau, đều liên quan đến món đậu rán bột falafel đông lạnh. Thứ nhất là dòng sản phẩm falafel cuộn trong bánh mì dẹt với 4 hương vị, tất cả đều mang đặc trưng ẩm thực của vùng Trung Đông và Bắc Phi. Sản phẩm có giá bán lẻ 3,99 USD một hộp.
Dòng sản phẩm "falafel cuốn bánh mì dẹt" của TaDah
Thứ hai là dòng sản phẩm viên falafel giòn rụm với 3 hương vị, giá bán lẻ là 4,99 USD mỗi hộp.
Nhà sáng lập John Sorial là con trai của một người Ai Cập di dân, dù lớn lên ở Mỹ nhưng anh luôn nuôi dưỡng tình yêu với ẩm thực quê nhà và muốn lan tỏa di sản này với cộng đồng người Ai Cập hải ngoại. “Nhưng vấn đề là món falafel của bà nội tôi lại không thể ship đi toàn quốc” - John chia sẻ với các shark.
Lớn lên, John trở thành kĩ sư hóa học, lấy bằng cử nhân từ trường danh tiếng Johns Hopkins năm 1998. Tuy nhiên anh nhanh chóng rẽ hướng sang marketing và kinh doanh, thành lập TaDah Foods.
Đến tháng 6, công ty đạt doanh thu 8,2 triệu USD. Doanh số hàng năm từng đạt mức cao đến 2,3 triệu USD, tuy nhiên đã giảm xuống chỉ còn 1 triệu USD trong vòng 12 tháng, tính đến thời điểm ghi hình Shark Tank (tháng 6/2019). Đó là vì một đối tác trong chuỗi sản xuất bị vỡ nợ.
Các cá mập quyền lực của Shark Tank Mỹ mùa 11, ngồi giữa là shark khách mời Daniel Lubetzky
Suốt thời gian đó, tài chính công ty hứng chịu giai đoạn “thảm họa”. Hệ quả là 1 dây chuyền sản xuất vốn có hàng tá nhân viên thì chỉ còn lại 4 người trụ lại. “Tôi đã thức suốt đêm với các nhân viên của mình. Tôi xắn tay áo lên và cùng rán đậu gà với họ” - John nói.
Sau khi bài toán nhân công dần giải quyết ổn thỏa, John lại phải tranh thủ “bay đi khắp nước để tìm đối tác đóng gói mới”.
Shark Daniel gặp được startup tri kỷ
Người dễ đồng cảm nhất với startup chính là shark khách mời Daniel Lubetzky - founder công ty snack KIND, một tỷ phú USD với tài sản 1,1 tỷ và cũng là nhà từ thiện nổi tiếng.
Nghe startup chia sẻ khó khăn, ông chủ KIND lại nhớ đến những ngày đen tối nhất đời mình, khi công ty suýt phá sản cũng vì vấn đề quy trình sản xuất.
“Tôi mất hết 1 triệu USD doanh số ngay sau khi 1 đối tác sản xuất đột ngột thay đổi công thức thực phẩm. Thật sự đáng kinh ngạc khi nhìn lại tất cả mọi thứ, rằng chúng tôi - KIND - đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, dõi theo ánh sáng kì diệu để bước qua bóng tối. Ngày nay KIND đang bán ra tại 300 nghìn cửa hàng khắp đất nước, doanh số bán lẻ đạt 1 tỷ USD mỗi năm” - shark Daniel chia sẻ.
Được cá mập mở lòng, phía startup John Sorial cũng vô cùng xúc động, nói rằng anh đã biết đến và được truyền cảm hứng rất nhiều từ sự thành công của KIND.
John còn nói anh dành ra 25% lợi nhuận của mình để làm từ thiện. “Khi chúng ta đến nhiều nơi trên thế giới và thấy cách mọi người sống, ta nhận ra có rất nhiều người đang phải đấu tranh cho cuộc sống của họ… Xây dựng nên TaDah thật sự vô cùng khó khăn, nhưng khi tôi nghĩ về gia đình mình và những nhân viên đang xoay sở kinh tế hàng ngày, tôi lại tràn đầy ước muốn phải thành công. Bởi vì điều đó sẽ ảnh hưởng mật thiết đến cuộc đời của gia đình và cộng sự của tôi” - John xúc động nói.
Các nhân viên của TaDah hồi hộp theo dõi thương vụ trên Shark Tank (ảnh: Twitter)
2 cá mập và 3 đề nghị đầu tư
Đến Shark Tank, startup John Sorial kêu gọi 300.000 USD (gần 7 tỷ đồng) đổi lấy 10% cổ phần công ty TaDah, tức định giá 3 triệu USD. Điều này diễn ra trong bối cảnh doanh số TaDah hàng năm đạt mức 1 - 2,3 triệu USD nhưng đang gặp biến cố lớn.
Shark Daniel Lubetzky cảm thấy ấn tượng về cả niềm đam mê lẫn sản phẩm của nhà sáng lập, nói rằng sẽ đầu tư, nhưng ông nghĩ John chưa hiểu rõ vấn đề tài chính mà TaDah gặp phải sẽ diễn biến phức tạp tới đâu. Vì thế shark Daniel hào phóng đưa ra tới 2 offer: 300.000 USD cho 20% cổ phần hoặc 500.000 USD cho 25%, ngoài ra còn thêm hạn mức tín dụng.
Cá mập Mark Cuban cũng không bỏ qua cơ hội, đề nghị 300.000 USD cho 20%, kèm theo một hạn mức tín dụng 500.000 USD.
Phía startup nỗ lực muốn 2 shark cùng hợp tác với nhau nhưng không thể! Cuối cùng, cảm thấy “vô cùng biết ơn” với 3 offer đặt ra trên bàn, nhà sáng lập của TaDah đã quyết định từ chối Mark Cuban và nhận deal 500.000 USD cho 25% cổ phần từ cá mập Daniel Lubetzky.
“Chọn lựa giữa Daniel và Mark là quyết định khó khăn bậc nhất mà tôi từng phải thực hiện, nhưng Daniel là một biểu tượng trong ngành của chúng tôi” - John Sorial nói. “Có ông ấy bên cạnh TaDah, hỗ trợ chúng tôi không chỉ về tài chính mà cả chiến lược, chúng tôi hi vọng sẽ trở thành một thương hiệu quốc dân”.
Từ tình yêu với món ăn quê nhà đến ông chủ của một thương hiệu thực phẩm đóng gói triệu đô, lan tỏa đến hàng triệu người tiêu dùng Mỹ - câu chuyện của John Sorial và startup TaDah Foods quả thật đã truyền đi nhiều cảm hứng tích cực.