Kế hoạch lợi nhuận đi lùi
Đạm Phú Mỹ (DPM) mới đây đã công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ 2023. Theo đó, Ban lãnh đạo nhận định năm 2023 diễn ra trong bối cảnh các yếu tố về thị trường phân bón, giá khí có những khó khăn tiếp nối từ quý cuối năm 2022 cùng với những tác động của tình hình chính trị thế giới.
Đặc biệt, về nguồn cung khí thiên nhiên đã chuyển sang thời kỳ khó khăn, các nguồn khí giá rẻ sụt giảm sản lượng. Dựa vào tình hình trên, Ban lãnh đạo đã đưa ra mục tiêu hoạt động thận trọng cho năm 2023.
Cụ thể, doanh thu mục tiêu là 17.372 tỷ đồng giảm 6,7% so với thực hiện năm 2022. Lợi nhuận trước thuế là 2.260 tỷ đồng, giảm 60% so với thực hiện năm trước.
Lợi nhuận sau thuế mục tiêu là 2.250 tỷ đồng, giảm 60% so với thực hiện năm 2022. Đồng thời, đóng góp cho Ngân sách nhà nước dự kiến 637 tỷ đồng.
Để đạt được kế hoạch kinh doanh năm 2023, Doanh nghiệp chú trọng vận hành Nhà máy đạm Phú Mỹ, xưởng sản xuất NPK và xưởng sản xuất UFC 85/Formaldehyde đảm bảo an toàn, ổn định, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Thực hiện thành công đợt bảo dưỡng tổng thể Nhà máy Đạm Phú Mỹ.
Thêm vào đó, trong tài liệu họp ĐHCĐ cũng nêu ra kế hoạch chi tiết năm 2023 về việc sử dụng vốn đầu tư, Doanh nghiệp dự định sử dụng 209 tỷ cho hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản và 283 tỷ cho hoạt động mua sắm tài sản và trang thiết bị. Nguồn lực đầu tư sẽ được lấy từ vốn chủ sở hữu tổng là 492 tỷ đồng.
Thêm vào đó, Doanh nghiệp sẽ nỗ lực tìm kiếm nguồn khí ổn định (sản lượng, giá bán) dài hạn cho sản xuất đạm, đảm bảo hiệu quả SXKD của doanh nghiệp.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý chi phí, hạ giá thành sản phẩm để nâng cao hiệu quả hoạt động từ PVFCCo tới các đơn vị thành viên.
Trong đó, tập trung công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các đơn vị thành viên để đảm bảo việc quản lý; huy động và sử dụng vốn đúng mục đích, chặt chẽ, an toàn và hiệu quả.
Về mảng tài chính, Doanh nghiệp tăng cường hiệu quả công tác cân đối vốn, dòng tiền và quản lý công nợ để không phát sinh nợ xấu mới, có biện pháp xử lý để thu hồi nợ tồn đọng, khó đòi, đảm bảo tình hình tài chính lành mạnh. Nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản và nguồn lực hiện có của PVFCCo.
Đồng thời, Doanh nghiệp sẽ xây dựng phương án tăng vốn điều lệ năm. Cụ thể, theo báo cáo tài chính của công ty mẹ Tổng công ty tại ngày 31/12/2022, tổng vốn chủ sở hữu đạt 13.779 tỷ đồng, chênh lệch cao gấp 3,5 lần vốn điều lệ là 3.914 tỷ đồng.
Để đảm bảo tình hình chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ của Tổng công ty hợp lý, Hội đồng quản trị dự kiến trình ĐHĐCĐ xem xét thông qua chủ trương ủy quyền cho Hội đồng quản trị xây dựng phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ Tổng công ty từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Bên cạnh đó, tại ĐHĐCĐ Doanh nghiệp cũng dự định trình kế hoạch phân phối lợi nhuận 2022, dự kiến chi cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ là 70%/mệnh giá cổ phiếu. Nguồn chi sẽ lấy từ nguồn lợi nhuận thực hiện 2022 và nguồn lợi nhuận chưa phân phối năm 2021 chuyển sang.
Hiện tại, DPM đang lưu hành hơn 391 triệu cổ phiếu, với tỷ lệ chi trả cổ tức trên dự kiến Doanh nghiệp sẽ cần chi ra hơn 2.737 tỷ đồng để chi trả cổ tức năm 2022.
Trước đó, DPM đã tạm ứng cổ tức với tỷ lệ 40%, nếu được thông qua phương án trên thì sẽ còn 30% cổ tức tiền tương ứng 1.173 tỷ đồng chi trả để thanh toán cho cổ đông.
Lợi nhuận Quý 1/2023 lao dốc 88%
Theo công bố Báo cáo tài chính Quý 1/2023 của DPM, Doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần 3.264 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận gộp ghi nhận 523 tỷ đồng, giảm 81% so với cùng kỳ. Tỷ suất lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 48% xuống chỉ còn 16%.
Doanh thu hoạt động tài chính tăng 50% so với cùng kỳ, lên mức 70 tỷ đồng. Chi phí tài chính giảm nhẹ 8,5%, xuống mức 26 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay chiếm 16,6 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp ghi nhận 268 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả, Doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận kế toán trước thuế giảm tới 88% xuống còn vỏn vẹn 301 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái ghi nhận là 2.522 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế đạt 262 tỷ đồng, giảm 87,7% so với cùng kỳ. Như vậy, với kết quả kinh doanh Quý 1/2023, Doanh nghiệp đã hoàn thành 18,7% kế hoạch doanh thu và 11,6% kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm.
Tính đến 31/3/2023, tổng tài sản doanh nghiệp ghi nhận là 15.771 tỷ đồng, giảm 1.927 tỷ dồng, tương đương 10,8% so với thời điểm đầu năm.
Trong đó, các khoản tiền và tương đương tiền chiếm 1.878 tỷ đồng (chiếm 12%/ tổng tài sản); Đầu tư tài chính ngắn hạn chiếm 5.430 tỷ đồng (chiếm 34%/tổng tài sản); Hàng tồn kho chiếm 3.495 tỷ đồng (chiếm 22%/tổng tài sản).
Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả chiếm 3.097 tỷ đồng (chiếm 19,6%/tổng nguồn vốn), trong đó nợ ngắn hạn chiếm 2.509 tỷ đồng.