Môi trường lãi suất ở mức cao, lạm phát kéo dài, thu nhập suy giảm đã và đang tác động tới tăng trưởng kinh tế. Nhận định cho năm 2023, hầu hết các chuyên gia cùng cho rằng nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn, ít nhất trong nửa đầu năm.
Về phía doanh nghiệp (DN), những biến động thị trường tài chính năm qua cũng khiến không ít đơn vị lên kế hoạch thận trọng, thay vì tập trung tăng trưởng chỉ số sẽ ưu tiên bảo toàn nguồn lực, giảm áp lực nợ…
Hầu hết "ông lớn" đều lên kế hoạch sụt giảm, MWG không còn tăng 2 chữ số
Điểm qua một số dự phóng cho năm 2023 của các công ty niêm yết, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đã công bố 2 phương án kinh doanh cho niên độ tài chính 2022 - 2023. Trong đó, mục tiêu doanh thu khoảng 34.000 – 36.000 tỷ đồng, lần lượt giảm 32% và 28% so với niên độ trước, lợi nhuận sau thuế 100 - 300 tỷ đồng, giảm 60% và tăng 20%.
Ban lãnh đạo HSG nhận định xuất khẩu thép 2023 tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó lường trong bối cảnh ngày càng nhiều thách thức về cạnh tranh và rào cản thương mại. Bên cạnh đó, thị trường nội địa cạnh tranh gay gắt, các chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, tỷ giá leo thang có thể ảnh hưởng đến nhu cầu sản phẩm thép.
Tương tự, Hoà Phát (HPG) thận trọng với mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm nay ở mức 8.000 tỷ đồng, giảm hơn 5% so với năm trước.
Ở nhóm phân bón, dù đạt lãi kỷ lục trong năm 2022, cả hai “ông lớn” Đạm Phú Mỹ (DPM) và Đạm Cà Mau (DCM) cùng lên kế hoạch lợi nhuận giảm sâu. Cụ thể, DPM mục tiêu lãi sau thuế 2.250 tỷ đồng – giảm đến 61% so với năm ngoái; còn DCM đặt kế hoạch lợi nhuận giảm 69% xuống còn 1.383 tỷ đồng.
Cũng qua giai đoạn tăng nóng, Cảng biển Viconship (VSC) ước lợi nhuận trước thuế 260 tỷ trong năm 2023, giảm 45% so với năm trước. Nguyên nhân được lãnh đạo VSC đưa ra là các nền kinh tế lớn nhất thế giới gồm Trung Quốc, EU, Mỹ tăng trưởng chậm lại, dẫn đến dư thừa tàu vận chuyển và container rỗng; lạm phát, xung đột Nga - Ukraine có thể khiến chi phí tăng cao, đặc biệt là giá nhiên liệu…
Vẫn có công ty đặt mục tiêu tăng 20 lần lợi nhuận
Dù vậy, vẫn có những công ty đề kế hoạch lớn, thậm chí tăng bằng lần. Đơn cử, Cao su Sao Vàng (SRC) vừa lên kế hoạch 2.000 tỷ đồng doanh thu và 100 tỷ đồng lãi trước thuế trong năm 2023, lần lượt gấp 2 lần và 2,6 lần kết quả năm 2022. Ngoài ra, SRC dự kiến chia cổ tức 2023 không thấp hơn 10%.
Cần nhấn mạnh, chỉ tiêu tăng trưởng của SRC được đề ra trên mức nền 2022 sụt giảm. Trong khi các doanh nghiệp niêm yết cùng ngành tăng trưởng, SRC năm 2022 lại giảm gần 31% về lợi nhuận sau thuế, còn 28 tỷ đồng.
Tăng trưởng bằng lần còn có Đầu tư Nhà Đất Việt (VPro, PVL) với mục tiêu lợi nhuận sau thuế 2023 gấp 20 lần thực hiện năm trước. PVL cho biết sẽ tìm kiếm các đối tác để huy động vốn cho dự án CV4.4 - Tổ hợp trung tâm thương mại tại Nam Từ Liêm; triển khai dự án Khu ở mới sinh thái sông Kỳ Cùng….
Mặt khác, năm nay PVL cũng dự thoái hết 2,44 triệu cổ phần của cổ đông sáng lập tại CTCP Bất động sản xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC Land). Đối tượng chào bán là cán bộ công nhân viên của Công ty. Nếu cán bộ công nhân viên không mua hoặc không mua hết thì sẽ chào bán cho các đối tác khác.
Đề mục tiêu tăng trưởng còn có Digiworld (DGW) , ước doanh thu đạt 25.109 tỷ - tăng 14% và lợi nhuận sau thuế 787 tỷ - tăng 15% so với thực hiện 2022. Cần nhấn mạnh, dù hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, chịu tác động mạnh trước nhu cầu sụt giảm, mô hình kinh doanh thon gọn (nói không với tài sản dài hạn) đang phát huy tác dụng với Công ty.
CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) c ũng vừa công bố kế hoạch doanh thu thuần vào khoảng 135.000 – 150.000 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 4.200 – 4.700 tỷ đồng. So với thực hiện trong năm 2022 là 134.722tỷ doanh thu và 4.100 tỷ LNST, 2023 vẫn là năm có tăng trưởng song không còn duy trì mức hai chữ số.
Phía MWG cho biết thêm, những con số dự phóng trên dựa vào giả định hoạt động sản xuất, tiêu dùng tích cực hơn, có dấu hiệu hồi phục trở lại từ giữa quý 3 hoặc quý 4.