Bảng xếp hạng được Forbes đưa ra trên cơ sở phân tích giá trị tài sản của 2.200 tỷ phú trong khoảng thời gian từ ngày 28/12/2018 đến ngày 13/12/2019. Theo đó, những người thành công và thất bại nhất (xét về biến động giá trị tài sản) được công bố như sau.
- TOP 5 KIẾM TIỀN NHIỀU NHẤT NĂM -
1. Bernard Arnault
Tăng thêm: 40 tỷ USD
Tài sản ròng: 107,7 tỷ USD
Không ai trải qua năm 2019 tốt hơn tỷ phú người Pháp Bernard Arnault, CEO của tập đoàn xa xỉ LVMH, sở hữu hơn 70 thương hiệu bao gồm Louis Vuitton, Bulgari, Dior và Fendi. Giá cổ phiếu LVMH đã tăng vọt khoảng 54% trong năm 2019, gần gấp 3 lần trong chưa đầy 4 năm.
Vào tháng 11, LVMH tuyên bố thương vụ mua bán & sáp nhập lớn nhất từ trước đến nay - thâu tóm thương hiệu trang sức 182 tuổi Tiffany & Co với giá 16,2 tỷ USD.
"Những gì tôi nghĩ vào mỗi sáng là duy trì khát vọng của thương hiệu để nó luôn mạnh mẽ đến 10 năm nữa" - tỷ phú người Pháp khẳng định. "Đó chính là chìa khóa thành công của chúng tôi".
Trong năm nay, Bernard Arnault từng soán ngôi giàu nhất thế giới trong thời gian ngắn. Hiện ông tạm giữ vị trí thứ nhì, giàu hơn cả Bill Gates.
2. Mark Zuckerberg
Tăng thêm: 22,1 tỷ USD
Tài sản ròng: 72 tỷ USD
Dù gây nhiều tranh cãi nhưng Zuckerberg cũng "cá kiếm" đáng nể trong năm qua. Hiện giờ khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 tới hồi gây cấn, ông chủ Facebook cùng đối thủ Jack Dorsey - CEO Twitter - đang thu hút sự chú ý hơn bao giờ hết. Động thái mới nhất của Twitter là loại bỏ hoàn toàn các quảng cáo về chính trị trên nền tảng của mình từ tháng 10 vừa qua. Facebook thì không.
"Hiện giờ chắc chắn là thời khắc lịch sử của các vấn đề căng thẳng xã hội, và tôi quan điểm rằng Facebook góp phần bảo vệ sự trao đổi thông tin tự do" - Zuckerberg cho biết hồi tháng 11 vừa qua.
Facebook cũng gây bất ngờ khi công bố các chỉ số tài chính khỏe mạnh hơn mong đợi. Giá cổ phiếu công ty đã tăng 48% trong năm qua. Năm 2019 cũng chứng kiến nhiều cải tiến từ mạng xã hội lớn nhất hành tinh, ví dụ như tung ra Facebook News và Facebook Dating.
3. Amancio Ortega
Tăng thêm: 17,3 tỷ USD
Tài sản ròng: 74,9 tỷ USD
Sau năm 2018 khá ảm đạm, cuối cùng thì tỷ phú Ortega cũng kiếm đậm nhờ giá cổ phiếu Inditex tăng vọt gần 34% trong năm nay. Inditex là công ty mẹ của hãng thời trang nhanh Zara, ngoài ra còn sở hữu các thương hiệu Massimo Dutti, Pull & Bear và Bershka.
Trong một báo cáo tạm thời vào tháng 11, Inditex tuyên bố đã cắt giảm thành công hi phí hoạt động; đồng thời tăng độ phủ của Zara trên toàn cầu, mở thêm các cửa hàng trực tuyến ở Nam Phi, Colombia, Philippines và Ukraine.
4. Steve Ballmer
Tăng thêm: 16,3 tỷ USD
Tài sản ròng: 56,3 tỷ USD
Cựu CEO Microsoft - Ballmer - đã giúp hãng công nghệ trị giá 1,18 nghìn tỷ USD (vốn hóa thị trường) vượt qua thời gian hỗn loạn từ năm 2000 đến 2014. Năm 2019 này, doanh thu của Microsoft tiếp tục tăng nhờ các dịch vụ đám mây thương mại. Công ty cũng công bố kế hoạch mua lại lên tới 40 tỷ USD cổ phiếu và tăng cổ tức hàng quý lên 11%, khiến cho giá trị cổ phiếu tăng đáng kể. Cựu CEO Ballmer nhờ đó mà bỏ túi không ít.
5. Mukesh Ambani
Tăng thêm: 16,1 tỷ USD
Tài sản ròng: 61,4 tỷ USD
Đây là năm thứ ba liên tiếp Mukesh Ambani nằm trong danh sách những tỷ phú kiếm được nhiều tiền nhất. Tập đoàn do dòng họ Ambani dẫn dắt là Reliance Industries - có cổ phần trong lĩnh vực dầu mỏ, khí đốt, viễn thông và bán lẻ - đã trải qua một năm 2019 đại thành công.
Vào tháng 8, họ đồng ý bán 20% cổ phần trong ngành hóa dầu, lọc dầu cho đế chế Saudi Aramco (công ty dầu Ả Rập Saudi) với giá 15 tỷ USD. Ngoài ra, Reliance cũng vừa công bố một liên doanh bán lẻ nhiên liệu với BP vào tháng 12, sẽ cho ra mắt tới 5.500 trạm xăng trên khắp Ấn Độ mang nhãn hiệu Jio-BP.
- TOP 5 HAO TÀI NHẤT NĂM -
1. Azim Premji
Sụt giảm: 14,1 tỷ USD
Tài sản ròng: 7,2 tỷ USD
Vào tháng 3, ông trùm công nghệ Ấn Độ đã tuyên bố chuyển giao số cổ phần trị giá 7,5 tỷ USD từ công ty Wipro Limited sang quỹ từ thiện cá nhân. Qua đó, "vua phần mềm" đã làm từ thiện được tổng cộng 21 tỷ USD từ trước đến nay, theo thống kê của chính ông Premji.
2. Jeff Bezos
Sụt giảm: 13,1 tỷ USD
Tài sản ròng: 109,7 tỷ USD
Jeff Bezos và vợ thông báo li dị vào tháng 1/2019. Theo thỏa thuận ly hôn, người sáng lập kiêm CEO của Amazon phải chuyển lại một lượng cổ phiếu cho vợ cũ. Nhờ đó, bà MacKenzie sở hữu khoảng 4% cổ phần của gã khổng lồ thương mại điện tử. Sau khi việc chuyển nhượng hoàn tất vào tháng 7, Forbes tính toán giá trị tài sản ròng của Bezos đã giảm "vội vã" tới 36,8 tỷ USD. Tuy nhiên, cổ phiếu của Amazon đã tăng giá sau đó, "vớt vát" một chút cho năm 2019 của vị tỷ phú.
3. Subhash Chandra
Sụt giảm: 3,4 tỷ USD
Tài sản ròng: 660 triệu USD
Chủ tịch tập đoàn truyền thông Essel Group đã có một năm 2019 đầy biến động. Vào tháng 1, xuất hiện báo cáo cho rằng Essel đã liên kết với 1 công ty bị Văn phòng điều tra gian lận Ấn Độ "sờ gáy" vì các giao dịch đáng ngờ. Essel phủ nhận mọi cáo buộc.
Nhưng kể từ tháng 1, giá cổ phiếu của Zee Entertainment Enterprises, một trong những công ty con thuộc tập đoàn, đã giảm mạnh 41%. Một công ty khác là Dish TV cũng vật lộn căng thẳng, kết quả giá cổ phiếu giảm tới 65%. Tập đoàn Essel cũng phải thoái vốn ở nhiều nơi để trả nợ. Một năm làm ăn bết bát đã khiến chủ tịch Chandra mất danh tỷ phú, tài sản chỉ còn 600 triệu USD.
4. Travis Kalanick
Sụt giảm: 3,1 tỷ USD
Tài sản ròng: 2,8 USD
Uber, một trong những vụ IPO được mong đợi nhất năm đã "toang thật rồi". Giá cổ phiếu đã giảm hơn 30% kể từ khi ra mắt công chúng vào tháng 5. Điều này khiến cựu CEO Travis Kalanick - người sở hữu khoảng 8,6% cổ phần - trở nên "nghèo đi" đáng kể. Ngoài ra, Kalanick còn bán gần 90% số cổ phần mà mình nắm giữ vào đầu tháng 11. Mỗi lần bán là một giao dịch tới khoảng 2 tỷ USD giá trị cổ phiếu, do đó phải trả thuế không nhỏ cho tiểu bang và liên bang. Đây là một "đòn sấm sét" nữa giáng xuống khối tài sản của Kalanick.
Nhà người đồng sáng lập Uber đã từ chức CEO vào tháng 6/2017 sau một loạt bê bối nhưng vẫn là thành viên hội đồng quản trị.
5. Yan Zhi
Sụt giảm: 3 tỷ USD
Tài sản ròng: 2,1 tỷ USD
Vào tháng 8, tập đoàn thương mại thông minh Zall đã báo cáo lợi nhuận giảm 74% cho năm tài chính kết thúc vào tháng 6/2019. Trong lá thư gửi cho các nhà đầu tư vào tháng 9, đồng chủ tịch Yan Zhi thừa nhận các cuộc đấu khốc liệt mà họ phải đối mặt, gây ra bởi điều kiện kinh tế quốc tế phức tạp và áp lực gia tăng với nền kinh tế trong nước.