Cách đây 1 năm, Jack Ma khiến cả thế giới sửng sốt khi tuyên bố ông sẽ rời Alibaba để dành thời gian cho các hoạt động từ thiện, thành lập một quỹ thiện nguyện mang tên ông - một động thái tiếp bước người tiền bối Bill Gates.
"Tôi không phải là một học sinh ngoan nhưng tôi luôn cải thiện bản thân và học hỏi mọi lúc mọi nơi. Vì vậy tôi muốn cống hiến được nhiều thời gian nhất cho việc này" - Jack Ma chia sẻ.
Ngày đó đã tới, hôm nay, 10/9, đế chế Alibaba sẽ được chuyển giao cho một cái tên "vừa lạ vừa quen": Daniel Zhang. Zhang là người kế nhiệm đầu tiên bởi trước nay đồng sáng lập Jack Ma đều nắm giữ cả 2 cương vị này.
Câu chuyện chuyển giao quyền lực ở Alibaba, phần nào đó, cũng giống với cái cách Steve Jobs để lại cả một di sản được gây dựng hàng chục năm, giao lại cho người tiền nhiệm Tim Cook.
Cả Daniel Zhang lẫn Tim Cook đều giống nhau ở chỗ, họ vấp phải sự nhòm ngó của dư luận, cũng như áp lực từ chính bản thân khi tự ép mình vượt qua "cái bóng" của những tượng đài như Jack Ma.
Gần đây, hoạt động tài chính của Alibaba diễn ra khá mạnh, vẫn xuất hiện những lo ngại về khả năng thịnh vượng lâu dài của tập đoàn này. Vicky Wu, một nhà phân tích tại Hong Kong, công ty môi giới ICBC International cho biết: "Thách thức lớn nhất đối với Alibaba là làm thế nào để có được nhiều người dùng hơn".
Trong khi 2 trang web thương mại điện tử hàng đầu khác của Trung Quốc được hỗ trợ bởi Tencent Holdings - JD.com và Pinduoduo - có thể sử dụng ứng dụng nhắn tin WeChat cực kỳ phổ biến của Tencent để thu hút người dùng mới, thì Alibaba không có đòn bẩy đó, Wu nói.
Cộng với việc nền kinh tế Trung Quốc đang đứng trước nhiều khủng hoảng, ảnh hưởng trực tiếp tới cổ phiếu Alibaba. Ngôi vị số 1 trong mảng thương mại điện tử đang bị lung lay dữ dội.
Theo Bloomberg, Daniel Zhang đang ấp ử một kế hoạch chưa từng có trong lịch sử. Với nỗ lực tạo nên bước đột phá trong ngành bán lẻ, ông muốn thành lập một công ty khởi nghiệp bên trong Alibaba để kết hợp cửa hàng tạp hóa, nhà hàng với ứng dụng giao hàng. Họ kỳ vọng sẽ tạo ra khác biệt bằng việc ứng dụng ứng dụng robot và công nghệ nhận dạng khuôn mặt để tăng tốc độ giao hàng, lưu kho và thanh toán.
Để hiện thực hoá tham vọng đó, ông và các cộng sự đã lập ra Freshippo. Không lâu sau, công ty đã trở thành phần chủ chốt trong kế hoạch vận hành Alibaba trong tương lai của Zhang, với 150 cửa hàng ở 17 thành phố ở Trung Quốc.
Mặc dù vậy, thành công của Freshippo vẫn chưa được đảm bảo. Biên lợi nhuận đang rất thấp trong mảng rau củ và hàng loạt các startup có vốn mạnh đang cạnh tranh với họ. Một chi nhánh giao hàng của Alibaba là Ele.me cũng đang trong cuộc chiến đốt tiền với Meituan.
Những chi tiêu của Alibaba đang đặt ra dấu hỏi lớn trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng ở Trung Quốc và thị trường vốn chững lại. Cổ phần công ty đã tăng gấp 3 lần kể từ khi Zhang đảm nhận vị trí CEO vào tháng 9/2015 cho tới tháng 6 năm ngoái. Kể từ sau đó, giá trị công ty đã giảm 15%.
Những sáng kiến mới cũng gây ra những ảnh hưởng xấu tới Zhang. Ngay cả với tiêu chuẩn của ngành công nghiệp công nghệ ở Trung Quốc - vốn xem trọng văn hóa làm việc 996 - tức là từ 9 giờ sáng tới 9 giờ tối, 6 ngày trong tuần thì lịch trình của Zhang cũng quá căng thẳng. Bên cạnh việc cố gắng cạnh tranh với các đối thủ, Zhang còn phải đối mặt với những ký ức về Jack Ma.
"Rất khó để kế nghiệp các nhà sáng lập. Càng khó hơn khi bạn phải bước tiếp con đường của một người có tầm vóc toàn cầu", theo Jeffrey Sonnefeld.
Song, có vẻ như vị CEO này ý thức được việc phải thay đổi nếu không muốn con thuyền Alibaba tự chìm nghỉm trong cuộc chiến khốc liệt này.
"Mọi doanh nghiệp đều có chu kì tồn tại. Nếu chúng tôi không xóa những mảng kinh doanh hiện tại, người khác sẽ thực hiện việc đó. Vì thế, tôi thà thấy những mảng mới tiêu diệt mảng cũ của Alibaba, còn hơn để người khác ra tay", ông phát biểu trong một cuộc phỏng vấn độc quyền tại trụ sở tập đoàn Alibaba ở thành phố Hàng Châu.