Rất nhiều hãng sản xuất đã áp dụng công nghệ màn hình dẻo để tạo nên các sản phẩm smartphone gấp được, bẻ cong được. Trong 7 hãng sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới, 6 hãng đã ra mắt sản phẩm smartphone màn hình gập. Riêng chỉ còn Apple, tương lai về một chiếc iPhone gập vẫn còn là điều chưa chắc chắn.
Nhưng, một nhóm sáng tạo từ Trung Quốc đã biến ý tưởng trên thành hiện thực. Sử dụng phần bản lề từ Motorola RAZR với các linh kiện bên trong chiếc iPhone X. Phần màn hình theo nhóm tác giả là khó nhất do việc tách các lớp cấu thành có tỷ lệ hỏng cao, 37 màn hình nhóm sử dụng chỉ có duy nhất 1 màn đạt yêu cầu.
Để tương xứng với phần cứng, phần mềm bên trong chiếc iPhone cũng được tùy biến thông qua jailbreak để thực hiện các tác vụ chia màn hình hay thay đổi vị trí qua lại giữa các ứng dụng đang mở trên màn hình.
Sau toàn bộ quá trình tạo nên sản phẩm, nhóm cho rằng việc tạo nên chiếc iPhone màn hình gấp dù là ý tưởng thú vị nhưng trong thực tế có rất nhiều vấn đề, trong đó chủ yếu liên quan tới độ bền của linh kiện phần cứng. Tạo nên một chiếc iPhone màn hình gấp không hề dễ, để tạo được một phiên bản thương mại đủ bền, đủ tính năng và đủ hấp dẫn người dùng sẽ là bài toán vô cùng lớn nếu Apple muốn tham gia cuộc chơi này.
Ngoài phô trương công nghệ màn hình, tính thực tế của những chiếc smartphone màn hình gấp ngoài thị trường chưa quá nổi bật để khiến thiết bị thông minh một lần nữa đổi xu hướng. Nhiều nguồn thông tin đồn đoán Apple có thể giới thiệu một sản phẩm iPhone gấp được trong khoảng 3 năm tới đây. Liệu với sự tham gia của Apple, các sản phẩm smartphone màn hình gấp trong tương lai có trở nên hữu ích hơn?