BankMyCell, một dịch vụ chuyên hỗ trợ trao đổi các thiết bị di động, đã theo dõi sự khấu hao về giá của 310 thiết bị di động trong năm 2020. Từ đó, họ kết luận được rằng trong 2 năm đầu sử dụng, điện thoại Android có giá hơn 700 USD rớt giá nhanh gấp đôi so với iPhone.
Ngay khi vừa kích hoạt, người dùng sẽ không thể bán lại điện thoại với giá niêm yết ban đầu. Trong hơn một năm, giá trị trung bình của một chiếc iPhone giảm khoảng 16,7% và giảm 35,47% trong 2 năm.
Mặt khác, điện thoại Android rớt giá đến 33,62% sau một năm sử dụng, nhanh hơn gấp đôi so với iPhone và đến 61,5% trong năm tiếp theo. Tuy nhiên, BankMyCell dự đoán khoảng cách chênh lệch của giá bán lại giữa điện thoại Android và iPhone sẽ thu hẹp lại theo thời gian.
Sau 4 năm, mức khấu hao trung bình của iPhone rơi vào khoảng 66,43%, trong khi với điện thoại Android, con số này lên đến 81,11% với cùng thời điểm. Xét đến từng mẫu máy riêng lẻ, mức khấu hao về giá có thể cao hơn tùy thuộc vào sự đón nhận của người dùng.
Điển hình là Galaxy S20 Ultra. Sau 9 tháng phát hành, giá mua lại của chiếc flagship nhà Samsung giảm 64,71% so với lúc ban đầu. Các vấn đề về camera, giá thành cao hay tình hình kinh tế toàn cầu khó khăn trong mùa dịch đã khiến Galaxy S20 Ultra không được lòng người tiêu dùng. Trong khi iPhone 11 Pro Max chỉ mất 32,22% giá trị ban đầu.
Ở phân khúc giá thấp hơn 350 USD, điện thoại Android có mức khấu hao về giá lần lượt là 52,61%, 73,61%, 85,15% và 94,9% qua từng năm. Đơn cử như Galaxy A50, một trong những mẫu điện thoại của Samsung bán chạy nhất năm 2019, đã mất giá đến 80% trong khoảng gần 2 năm, từ tháng 3/2019-12/2020.
Thương hiệu điện thoại mất giá nhất thị trường thuộc về HTC khi các thiết bị của nhà sản xuất Đài Loan giảm đến 53,08% giá trị trong năm 2020. Đa phần là do những tính năng chúng mang lại không đủ sức cạnh tranh và thuyết phục người dùng, cũng như thị trường phân phối hạn chế khiến độ phủ sóng của sản phẩm không cao.
Link bài gốc