Theo hãng tin Bloomberg, cơ quan chức năng Indonesia đã phải nhờ tới sự hỗ trợ của cảnh sát và người dân trong cuộc truy tìm, xử lý các startup như vậy.
Cơ quan Dịch vụ tài chính Indonesia (OJK) cho biết đã đóng cửa 826 startup công nghệ tài chính bất hợp pháp từ đầu năm đến nay. Các công ty này hoạt động trên nhiều nền tảng khác nhau, như website, ứng dụng di động và mạng xã hội, khiến nhà chức trách khó phát hiện.
Indonesia, quốc gia có hơn 260 triệu dân, đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho các startup công nghệ tài chính, bởi khoảng 90% dân số nước này không có thẻ tín dụng và phần đông không tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng chính thống. Một lý do nữa là nền kinh tế Internet của Indonesia đang tăng trưởng với tốc độ mạnh nhất khu vực và có khả năng đạt quy mô 100 tỷ USD vào năm 2025 - theo một báo cáo của Google và Temasek Holdings.
Các startup công nghệ tài chính hoạt động bất hợp pháp thường áp mức lãi suất cho vay "cắt cổ" và sử dụng đến những biện pháp thu hồi nợ bị xem là có bản chất phạm tội - người phát ngôn Cảnh sát Quốc gia Indonesia, ông Dedi Prasetyo, cho biết.
Cảnh sát nước này đã phát hiện nhiều vụ người vay tiền từ các startup công nghệ tài chính bị các công ty này đe dọa, khủng bố tinh thần, khiến họ rơi vào tình trạng hoảng loạn, trầm cảm. Ông Prasetyo cảnh báo người dân Indonesia cảnh giác với những khoản vay dễ dàng và không chia sẻ dữ liệu cá nhân với các công ty công nghệ tài chính hoạt động không phép.
"Điều giúp cho các công ty công nghệ tài chính này nở rộ chính là việc xã hội vẫn dễ bị thu hút bởi những khoản vay được cấp dễ dàng", ông Tongam L. Tobing, một quan chức của OJK, nhận định.
Kể từ khi Indonesia khởi động chiến dịch rà soát các startup công nghệ tài chính vào năm ngoái, đến nay đã có 1.230 công ty hoạt động không phép trong lĩnh vực này bị nhà chức trách "xóa sổ". Trong đó, 42% là những startup không rõ nguồn gốc; 22% có máy chủ đặt ở Indonesia; và 15% có máy chủ đặt ở Mỹ - ông Tobing cho hay.