Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2021 sẽ ở mức 6%, tương đương với mức dự báo đưa ra hồi tháng 4.
Đây là thông tin vừa được Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva đưa ra vào ngày 21/7. Trong đó bà nhấn mạnh, dù dự báo tổng quan không thay đổi nhưng tăng trưởng của một số nước được dự báo có thể nhanh hoặc chậm hơn so với dự báo trước đó.
Phát biểu tại sự kiện, bà Georgieva cho biết quá trình phục hồi kinh tế sẽ chậm lại nếu tốc độ tiêm vaccine phòng Covid-19 không được đẩy nhanh. Theo bà, với tốc độ tiêm phòng hiện nay, mục tiêu đẩy lùi đại dịch Covid-19 trước cuối năm 2022 sẽ không thể thực hiện được.
Trước đó vào hồi tháng 4, IMF dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2021, tốc độ tăng trưởng mạnh nhất kể từ những năm 1970, với điều kiện nguồn cung vaccine cải thiện và các nền kinh tế mở cửa trở lại cùng sự trợ giúp của các gói kích thích tài khóa, đặc biệt là ở Mỹ.
Tuy nhiên, trong bài phát biểu mới nhất, bà Georgieva lo ngại đà phục hồi kinh tế có thể sẽ suy giảm trong bối cảnh các quốc gia gia đang phát triển thiếu nguồn cung vaccine và biến thể Delta của virus Sars-CoV-2 lây lan mạnh.
Dù IMF tiếp tục duy trì dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 6% nhưng tốc độ tăng trưởng ở các khu vực và các quốc gia sẽ có sự điều chỉnh. Sự điều chỉnh này được đưa ra chủ yếu dựa trên đánh giá về tốc độ và hiệu quả của chiến dịch tiêm chủng và năng lực tài khóa sẵn có của các quốc gia.
Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa đưa ra dự báo mức tăng trưởng kinh tế 7,2% trong năm nay cho khu vực châu Á đang phát triển, giảm nhẹ so với mức dự báo 7,3% hồi tháng 4 vừa qua, do các đợt bùng phát mới đây của dịch bệnh COVID-19 đã làm chậm quá trình phục hồi ở một số nền kinh tế trong khu vực.
Dự báo tăng trưởng kinh tế cho khu vực Đông Nam Á cũng được điều chỉnh, giảm xuống 4% so với mức 4,4% do các đợt bùng phát dịch mới.
Tại khu vực Đông Á, dự báo tăng trưởng năm 2021 tăng từ 7,4% hồi tháng 4 lên 7,5% trong bối cảnh nhiều nền kinh tế công nghiệp hóa mới như Hong Kong, Hàn Quốc, Đài Loan phát triển.
Tương tự, triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc cũng được duy trì ở mức 8,1% cho năm nay và 5,5% cho năm 2022, trong bối cảnh sự phục hồi ổn định của các ngành công nghiệp, xuất khẩu và dịch vụ.
Triển vọng tăng trưởng của năm nay cho khu vực Trung Á đã được nâng lên 3,6%, so với mức 3,4% trong dự báo hồi tháng 4.
Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada nhận định, mặc dù, tình hình còn nhiều bấp bênh trong bối cảnh các đợt bùng phát mới của dịch bệnh, các biến thể virus mới và việc triển khai vaccine cũng không đồng đều ở nhiều quốc gia, song công cuộc phục hồi sau đại dịch Covid-19 của châu Á và Thái Bình Dương vẫn đang tiếp diễn.
Ngoài các biện pháp ngăn chặn và tiêm chủng, việc phục hồi các hoạt động kinh tế có chiến lược và theo từng giai đoạn như thương mại, sản xuất và du lịch - sẽ là chìa khóa để bảo đảm công cuộc phục hồi xanh, bao trùm và bền vững.